Đột tử vì... hoảng hốt
- Sức khỏe
- 19:52 - 04/01/2016
Sự việc trên làm nhiều người liên tưởng đến một phiên tòa ở Mỹ đã xử phạt một phạm nhân với án “giết người cấp độ 1” trong một tình huống mà phạm nhân làm cho nạn nhân bị hoảng sợ đến nỗi phải bỏ mạng. Số là sau khi cướp ngân hàng và tẩu thoát ra ngoài thì tên cướp bị cảnh sát rượt đuổi. Để tránh cảnh sát, hắn ta bất ngờ xông vào nhà của một người dân nhằm lẩn trốn. Bà chủ nhà thấy tên cướp xông vào nhà thì sợ quá ngã lăn ra chết, cho dù tên cướp chưa chạm vào người bà hoặc sử dụng bất cứ hung khí gì.
Những trường hợp “đứng tim” có thể dẫn đến những cái chết bất ngờ, tương tự những trường hợp “nhát ma”, hù người từ đằng sau.
Cơ chế cơ thể đáp ứng với stress
Cơ thể chúng ta có một cơ chế bảo vệ tự nhiên nhằm đáp ứng với stress gọi là “đáp ứng chiến đấu hay trốn chạy”. Cơ chế này do BS Walter Cannon - Trưởng bộ môn Sinh lý học ĐH Harvard từ năm 1906-1942 mô tả. Theo đó, người và động vật nếu đối mặt với những tình huống gây lo âu, hoảng sợ thì hệ thần kinh tự trị sẽ đáp ứng bằng cách tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu đến các cơ bắp, làm giãn đồng tử, làm chậm quá trình tiêu hóa... nhằm đáp ứng với stress.
Khi đối diện những tình huống gây hoảng hốt, hệ thần kinh tự trị sẽ sử dụng hormone adrenaline là một chất dẫn truyền thần kinh để truyền tín hiệu tới các cơ quan, bộ phận trong cơ thể nhằm kích hoạt cho đáp ứng “chiến đấu hay chạy trốn”. Để đáp ứng nhu cầu adrenaline, cơ thể sẽ gia tăng sản xuất. Tuy nhiên, quá nhiều adrenaline trong cơ thể thì chúng sẽ biến thành chất độc làm tổn hại đến các cơ quan nội tạng như tim, phổi, thận, gan... mà nhất là tim vốn đưa đến những trường hợp đột tử. Riêng những trường hợp tổn thương gan, phổi, thận thì sẽ làm cho người bị stress “chết dần chết mòn” chứ không chết tức thì như khi tim bị tổn hại.
Không riêng gì sự hoảng hốt, bất cứ sự vui mừng thái quá hoặc buồn thái quá cũng có thể gây sự đột tử.
Khi tim có quá nhiều adrenaline
Quá nhiều adrenaline sẽ làm cho các kênh calcium ở màng các tế bào tim mở ra. Lúc này ion calcium sẽ xâm nhập vào các tế bào tim và làm cho tim co thắt. Quá nhiều adrenaline thì các ion calcium ồ ạt thâm nhập vào tế bào cơ tim khiến tim không có thời gian để “thư giãn” gây ra nhịp tim bất thường. Nhiều người cho rằng đây là một cơn nhồi máu cơ tim nhưng theo các nhà nghiên cứu tại ĐH Johns Hopkins, Mỹ thì trường hợp này nên gọi là bệnh cơ tim do stress. Không giống những cơn nhồi máu cơ tim, đau tim do stress không liên quan đến sự hình thành các cục máu đông hoặc các tổn thương của các động mạch.
Chết như chơi!
Trong hầu hết trường hợp, đau tim do stress có thể là rung tâm thất gây ra những cái chết bất ngờ do quá sợ hãi. Rung tâm thất sẽ làm giảm khả năng mà tim sẽ cung cấp máu cho cơ thể. Không riêng gì sự hoảng hốt, bất cứ sự vui mừng thái quá hoặc buồn thái quá cũng có thể gây sự đột tử. Nhiều người chết trong lúc giao hoan hoặc chết trong lúc đam mê tột đỉnh về một niềm tin tôn giáo.
Có một trường hợp tử vong khá nổi tiếng của một tay chơi golf, sau khi đưa banh chính xác vào lỗ thì tay golf này nói với đối thủ: “Tôi mừng đến chết được!” và rồi anh ta ngã lăn ra chết thật. Một nghiên cứu được thực hiện tại Đức cho thấy sau vụ khủng bố 11-9, số cư dân New York bị chết do ngưng tim tăng lên rất nhiều lần.
Để tránh những trường hợp đột tử... vô duyên do bị “đứng tim”, các thầy thuốc khuyên không nên đùa giỡn thái quá, không chơi trò nhát ma, không xem đá phạt luân lưu 11 m nếu bạn có tiền sử tim mạch, không hù người từ phía sau.