Đốt than sưởi ấm vào mùa lạnh: Cẩn thận kẻo gây họa tử vong cho cả nhà!
- Bác sĩ
- 20:51 - 29/11/2019
Đừng chủ quan: Đã có nhiều trường hợp tử vong do đốt than sưởi ấm vào mùa đông!
Đốt than sưởi ấm là thói quen của nhiều người vào những ngày nhiệt độ giảm sâu. Đặc biệt, rất nhiều sản phụ có thói quen này vì sợ lạnh gây tổn hại sức khỏe của cả mẹ lẫn con. Đây thực sự là thói quen không tốt cho sức khỏe, được giới chuyên gia cảnh báo nhiều lần nhưng dường như nhiều người vẫn bỏ ngoài tai.
Mới đây, vụ sản phụ mới sinh ở Kon Tum tử vong do đốt than sưởi ấm trong phòng chính là trường hợp gần nhất cảnh báo tất cả mọi người. Nhất là nhóm đối tượng phụ nữ sau sinh, người cao tuổi, trẻ nhỏ. Trong vụ sản phụ tử vong do đốt than sưởi ấm, Trung tâm Y tế huyện Kon Plông (Kon Tum) ghi nhận 3 bệnh nhân gồm vợ chồng và bé sơ sinh 3 ngày tuổi nhập viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, gọi hỏi kém đáp ứng, rối loạn ý thức. Tuy nhiên, do quá sức khỏe quá yếu nên sản phụ đã tử vong tại bệnh viện.
Đây không phải là trường hợp duy nhất khi cứ đến mùa lạnh, tai nạn do đốt than sưởi ấm lại có nguy cơ bùng phát. Cũng vào thời điểm này năm ngoái, gia đình 4 người tại Nghệ An cũng phải nhập viện do ngộ độc khí CO, trong đó 1 người tử vong trước khi đến nhập viện. Nguyên nhân xuất phát từ việc đốt than sưởi ấm trong nhà với cửa khép kín. Vào năm 2017, một bệnh nhân nam ở Hải Phòng cũng phải chuyển lên Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng hôn mê, tổn thương não do đốt than sưởi ấm.
Có thể nói, đốt than sưởi ấm không đúng cách có thể dẫn đến những tai nạn thương tâm đáng tiếc. Điều đáng nói là, mặc dù có nhiều trường hợp được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn rất thiếu hiểu biết về loại khí sản sinh khi đốt than sưởi ấm có thể lấy mạng trong tích tắc.
Tuyệt đối không được đốt than sưởi ấm trong phòng kín!
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (Giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), ngạt khí CO trong quá trình đốt bếp than diễn ra rất từ từ, nạn nhân thường chìm vào giấc ngủ mà không biết là mình rơi vào tình trạng nguy hiểm, có thể mất mạng ngay sau đó.
"Khí CO, CO2 sẽ dần dần chiếm trọn không gian, rút hết khí oxy khỏi không khí, khiến chúng ta không có khí oxy để thở, dẫn đến tử vong", PGS.TS Trần Hồng Côn nói.
Điều đáng nói là khí CO, CO2 không có mùi vị, không gây đau đớn, do đó người bị ngạt khí không có phản ứng tự vệ, may mắn thì được người khác trông thấy và kéo ra cứu sống. Trong trường hợp được kéo ra ngoài, chữa khỏi ngạt khí CO, CO2, bạn vẫn có khả năng bị tổn thương não, dễ mắc các chứng bệnh giảm trí nhớ, liệt cơ mặt, liệt vận động…
Chuyên gia khẳng định, tuyệt đối không được sử dụng hình thức đốt cháy để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong khôn gian kín, kể cả dùng khí gas. Khí CO khi hít phải sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và cướp đi lượng oxy mà máu cung cấp cho cơ thể, dẫn đến đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, cơ thể yếu ớt, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn. Nếu hít phải lượng lớn có thể bất tỉnh, tử vong cực nhanh.
Nhiều người cho rằng, khi đốt than sưởi ấm, chỉ cần hé mở một phần cửa sổ là có thể thông gió, không nguy hiểm tính mạng. Chuyên gia cảnh báo, đây là suy nghĩ cực sai lầm bởi lẽ khi hít phải, khí CO vẫn ngấm độc từ từ, đặc biệt là với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh mãn tính như phổi, tim mạch…
Do đó, chuyên gia khuyên, tuyệt đối không được đốt than sưởi ấm trong nhà hay bất cứ khu vực nào đóng kín cửa. Không dùng khí đốt, lò nướng hoặc máy sấy để sưởi ấm. Ngoài ra cũng tuyệt đối không sử dụng thiết bị đốt khí gas không có thông hơi trong phòng kín. Tốt nhất, người dân nên nằm ở những nơi tránh gió, đối với sản phụ, người già yếu, trẻ nhỏ không ra ngoài khi nhiệt độ giảm mạnh vào sáng và tối. Khi trời lạnh nên trang bị mặc đồ giữ ấm đầy đủ.
Đối với gia đình phải dùng bếp than đun nấu nên đặt ở nơi thông thoáng, không đặt trong phòng ngủ. Ngoài ra tuyệt đối không ngủ trong gara ô tô hoặc để máy nổ, máy phát điện ở nơi kín gió như tầng hầm, gầm cầu thang… để tránh những nguy hại không đáng có.