THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:01

Đột quỵ gia tăng: 4 dấu hiệu ban đầu cần nhớ

 

Ngày càng có nhiều bệnh nhân đột quỵ - Ảnh minh họa: Internet

 

Nhiều bệnh nhân trẻ

Theo thống kê của Hội tim mạch Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Đột quỵ được xem là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Nếu như trước đây, đột quỵ thường xảy ra ở người tuổi cao thì hiện nay tỷ lệ người bị đột quỵ dưới 45 tuổi đang dần tăng lên, chiếm khoảng 30% trong tổng số các ca đột quỵ được điều trị.

Đáng tiếc, số ca đột quỵ đến viện trong giờ vàng có thể tiến hành điều tị can thiệp chỉ chiếm 25%. Còn lại 75% người dân đến bệnh viện trong tình trạng muộn.

Chị Trần Thị Nh. (43 tuổi, Đoan Hùng, Phú Thọ) bị đột quỵ nhưng may mắn ở thể nhẹ nên chị chỉ dùng thuốc tiêu sợi huyết là bệnh có tiến triển.

Chị Nh. kể bản thân cảm thất tê, yếu một bên tay chân nhưng chủ quan không đi đến bệnh viện. Sau khi ngủ dậy vào ngày hôm sau, chị Nh. Bị ngã quỵ trên sàn nhà. Người thân đưa chị vào nhà nằm nghỉ. Khi tỉnh dậy, chị Nh. thấy giọng méo mó, khó nói, chân tay một bên liệt không giơ lên được nên được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán chị bị đột quỵ não cấp do có cục máu đông ở mạch amus não và cho sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Sau 24 giờ điều trị, sức khoẻ chị cải thiện rõ rệt. 

Chị V.T.T.N. (23 tuổi trú tại Bình Thạnh, TP.HCM) được các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ cấp cứu. Chị đột nhiên cảm thấy chóng mặt, nôn ói kèm các triệu chứng như tê vùng mặt bên trái, tay chân bên trái khó điều khiển, di chuyển không được và nói đớ, méo miệng. 

Khi đưa vào cấp cứu, bác sĩ đã tiến hành chụp MRI cho bênh nhân, kết quả hình ảnh nhồi máu tiểu não - cuống não. Bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Trường hợp bà Cao Thị H. (61 tuổi, Long Biên, Hà Nội) bị nôn ói, đau đầu, ngã ra đất. Con bà nhanh chóng bà uống an cung ngưu hoàn hoàng rồi để nằm nghỉ từ sáng tới chiều. Bà tỉnh dậy thì chân phải và tay phải liệt, không nói được, miệng méo. Lúc này, bà H. được đưa vào viện nhưng đã quá 4 giờ từ khi xảy ra đột quỵ. Dù được cứu sống nhưng bà H. vẫn để lại di chứng liệt, khó nói.

Dấu hiệu cần nhớ

Theo TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng đơn vị đột quỵ, Phó Trưởng khoa Thần kinh BV Đại học Y Dược TPHCM, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 100- 200 ca đột quỵ. Tuy nhiên, bác sĩ Thắng cho biết tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được đưa đến cấp cứu trong giờ vàng khoảng 4 - 6 giờ chỉ chiếm khoảng 10%.

Nếu bệnh nhân đưa đến bệnh viện sớm khoảng dưới 4,5 giờ khi có các dấu hiệu đột quỵ xảy ra, bác sĩ có thể sử dụng tiêu sợi huyết. Từ 4,5 giờ đến 6 giờ, bệnh nhân được lấy cục máu đông bằng cơ học. Cơ hội cứu sống có nhưng bệnh nhân thường để lại di chứng nặng nề.

Theo BSCKII Phạm Thị Trà Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết nắng nóng hay quá lạnh là thời điểm bệnh đột quỵ gia tăng. Trong đột quỵ có nhồi máu não và xuất huyết não trong đó bệnh lý nhồi máu não chiếm khoảng 80% ca đột quỵ. 

Nhồi máu não triệu chứng không rầm rộ như xuất huyết não. Bệnh nhân xuất huyết não thường có các dấu hiệu rầm rộ như đau đầu đột ngột, nôn ói, chóng mặt, bệnh nhân ngất. Còn nhồi máu não với các dấu hiệu điển hình như tê yếu một bên tay, chân, khó nói, nói ngọng, dấu hiệu chậm hơn xuất huyết não.

 

Bốn dấu hiệu của đột quỵ người dân cần nhớ - Ảnh minh họa: Internet
 

Để phòng chống đột quỵ, nhất là trong mùa nóng như hiện nay, bác sĩ Giang khuyên người bệnh tăng huyết áp phải dùng thuốc kiểm soát huyết áp, dùng theo đúng liệu trình thuốc bác sĩ đã kê đơn, phải kiểm tra huyết áp ngày hai lần.

Nếu thấy huyết áp cao bất thường phải đến bác sĩ kiểm tra và chỉnh đơn thuốc ngay tránh nguy cơ tai biến.

Với người thân, khi có các dấu hiệu dưới đây:

- Mặt: Lệch so với trước, biểu hiện rõ khi cười nói.

- Tay: Vụng về khi vận động, yếu, liệt nửa người.

- Nói: khó khăn, phát âm không chuẩn so với trước.

- Dần mất ý thức, lơ mơ.

Gia đình phải đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được các bác sỹ chẩn đoán và điều trị kịp thời trong thời gian ngắn nhất để bệnh nhân được cấp cứu. Không cho bệnh nhân ăn, uống bất cứ thức ăn, thuốc nào.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh