THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:44

Đồng Tháp tìm đường đi cho nông sản trong mùa dịch

Nông dân "méo mặt"

Ông Trần Văn Tuấn – Giám đốc Hợp tác xã Thanh Long Hội Quán, xã Phú Hựu, huyện Châu Thành cho biết, so với thời điểm trước tết nguyên đán Canh Tý 2020, giá đã giảm hơn 10 lần. Cụ thể, ngày 29 tháng chạp thanh long ruột đỏ có giá 46.000đồng/kg. Nhưng khoảng 1 tuần nay chỉ còn khoảng 4.000đồng/kg (loại I), trong khi đó chi phí sản xuất là 8.000 – 10.000 đồng/kg. Với sản lượng 3 tấn đã thu hoạch, ông Tuấn chỉ thu về vỏn vẹn hơn 8 triệu đồng. "Năm nay, xem như trắng tay", ông Tuấn lắc đầu nói.

Đồng Tháp tìm đường đi cho nông sản trong mùa dịch - Ảnh 1.

Một số phận khác của người nông dân trồng thanh long ruột đỏ tại huyện Tam Nông là trái đã chín ngoài đồng nhưng thương lái thì không thấy đâu. Gắn bó với loại cây trồng này đã mấy năm nay với diện tích trồng 6.500 m2, ông Huỳnh Văn Quận, ngụ xã Phú Đức, huyện Tam Nông cho biết, lúc trước, các hộ trồng thanh long như ông bán cho một đơn vị thu mua để xuất khẩu nhưng trong tình trạng hiện nay, đơn vị thu mua "ngoảnh mặt làm ngơ". Trong khi đó, 15 ha trồng thanh long trong tổ hợp tác tại huyện đang vào vụ chín rộ, cần thu hoạch ngay.

Không chỉ có người trồng thanh long đang lao đao mà người trồng ớt cũng chật vật không kém. Hiện tại giá loại nông sản này chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Thuận, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự chia sẻ, nếu như mọi năm, nông dân sẽ bán ớt tươi tại ruộng với giá thấp nhất cũng 12 -13 ngàn đồng/kg, nhưng hiện tại giá quá thấp, thương lái lại thu mua cầm chừng nên nhiều ruộng ớt chín đỏ mà nông dân cũng chỉ hái cầm chừng.

Theo tính toán của anh Thuận, chưa tính chi phí sản xuất, tiền thuê nhân công hái đã là 3.000 – 4.000 đồng/kg ớt tươi, cho nên mức giá như hiện tại, những diện tích ớt đang bắt đầu thu hoạch rộ như anh sẽ cầm chắc thua lỗ. Để vớt vác phần nào, anh Thuận và nhiều hộ trồng ớt khác tại Hồng Ngự, Thanh Bình,… không dám thuê nhân công mà chỉ sử dụng nguồn lao động trong nhà và chọn phương án phơi ớt khô để bán.

Đồng Tháp tìm đường đi cho nông sản trong mùa dịch - Ảnh 2.

Trong khi đó, nhiều cơ sở thu mua ớt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trên địa bàn cũng "méo mặt" vì không được thông quan. Anh Nguyễn Phước Nhờ - chủ vựa ớt Phước Nhờ, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình ngậm ngùi chia sẻ, 3 container chứa khoảng 50 tấn ớt đã có mặt ở cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn từ ngày 27 Tết để xuất bán ớt tươi. Tuy nhiên, sau 10 ngày "nằm chờ", anh Nhờ phải quay đầu xe về Đồng Tháp để phơi khô. Ước tính mỗi xe ớt, vựa của anh phải chịu lỗ gần 300 triệu đồng.

Thúc đẩy liên kết tìm đầu ra

Trước tình trạng khốn đốn của nhà nông khi bước vào vụ mùa, ngay trong những ngày đầu tháng 2/2020, Sở Công Thương Đồng Tháp đã chủ động liên hệ nhiều đơn vị thu mua, nhà bán lẻ thực hiện liên kết, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Một tín hiệu vui đã đến với nông dân, cụ thể là bà con trồng thanh long ruột đỏ, đại diện Siêu thị Big C đã đến khảo sát vùng trồng và kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm thanh long tại huyện Châu Thành, Lai Vung, Tam Nông.

Đồng Tháp tìm đường đi cho nông sản trong mùa dịch - Ảnh 3.

Đại diện Siêu thị Big C, Giám đốc thu mua khu vực phía Nam Nguyễn Tô Kiều Trinh cho biết, trong giai đoạn nông dân gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm do dịch bệnh, siêu thị sẽ đồng hành hỗ trợ tiêu thụ sản lượng thanh long ruột đỏ cho nông dân, giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn và không phải lâm vào cảnh trắng tay trong mùa đại dịch. Ông Trinh đánh giá, sản phẩm thanh long ruột đỏ của nông dân Đồng Tháp có chất lượng khá tốt, đồng đều. Dự kiến trung bình mỗi tuần siêu thị sẽ tiêu thụ khoảng từ 15 – 20 tấn thanh long.

Giám đốc thu mua khu vực phía Nam siêu thị Big C lưu ý, đây không chỉ là hành động "giải cứu" mà là cơ hội giúp mặt hàng này vào hệ thống bán lẻ, đến tay người tiêu dùng trong nước. Trong thời gian tới, siêu thị sẽ phối hợp với Sở Công Thương Đồng Tháp nắm lại lịch thời vụ, sản lượng của từng mặt hàng nông sản của Đồng Tháp theo từng mùa vụ; đồng thời phát tín hiệu định hướng về trữ lượng hàng hóa tiêu thụ đối để có những bước liên kết bền vững, lâu dài. Song song đó, đơn vị sẽ hướng dẫn cho các Hội quán, hợp tác xã, nông dân cách thức lập hồ sơ cũng như các quy chuẩn cần thiết khi đưa hàng nông sản vào hệ thống siêu thị, giúp cho nông dân có được đầu ra cho nông sản ổn định hơn.

Đồng Tháp tìm đường đi cho nông sản trong mùa dịch - Ảnh 5.

Ngay trong thứ 6/2, nông dân hai huyện Tam Nông và Châu Thành đã cung cấp cho Big C khoảng 14 tấn thanh long với giá thu mua tại kho là 12.000 đồng/kg, quy cách 400 gram/trái.

Bà Võ Phương Thủy – Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp nói, trước mắt, để gỡ khó cho nông dân trong khâu tiêu thụ, ngành công thương sẽ trở thành khâu trung gian phối hợp với các siêu thị, nhà bán lẻ giúp nông dân đưa hàng đi tiêu thụ những mặt hàng nông sản cần tiêu thụ gấp. Sau đó, sở sẽ tổng hợp sản lượng các loại loại nông sản chủ lực của từng địa phương để điều phối hàng hóa, hạn chế tình trạng "nông sản bỏ chín ngoài vườn".

Đồng Tháp tìm đường đi cho nông sản trong mùa dịch - Ảnh 6.

Phó Giám đốc Sở Công thương cũng nhấn mạnh, nếu cứ trong vòng luẩn quẩn nông dân làm nông nghiệp nhưng không biết bán ở đâu thì thật sự rất khó, bởi thị trường luôn có sự biến chuyển liên tục. Do vậy, sở công thương khuyến nghị nông dân chú ý vào phương thức sản xuất, liên kết nhà phân phối trong khâu tiêu thụ để định hướng trong khâu sản xuất, tránh rơi vào tình trạng "giải cứu" không mong muốn.

Trang bị những thông tin, kiến thức hữu ích - kịp thời để xây dựng lá chắn bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tại:

https://lotus.vn/lachanviruscorona

Tải app Lotus để kiểm tra độ hiểu biết, nhận thông báo mới nhất và theo dõi các nguồn tin uy tín về dịch bệnh.

Đồng Tháp tìm đường đi cho nông sản trong mùa dịch - Ảnh 8.

 

Tâm Bình

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh