THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:57

Đồng Nai: Bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng


Theo số liệu từ Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, trong 2 tháng đầu năm nay, tỉnh có hơn 500 ca mắc tay chân miệng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thời điểm bệnh tay chân miệng vào mùa, diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc, trong đó có những ca biến chứng nặng. 

Tại Khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Hiện mỗi ngày tiếp nhận nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị. Triệu chứng chung của trẻ là sốt cao, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc loét miệng, nhiều ca mắc bệnh tay chân miệng với những triệu chứng mơ hồ, trẻ không sốt, không nổi bóng nước ở tay, chân. 

 Đến thời điểm này, tỉnh chưa xuất hiện ổ dịch bệnh tay chân miệng lớn tại các trường mầm non, mẫu giáo; trẻ mắc bệnh đa số ở nhà, không đi học. Tuy nhiên trước số ca đang tăng, ngành chức năng khuyến cáo những gia đình có trẻ nhỏ, giáo viên trường mầm non cần thường xuyên rửa tay cho trẻ và bản thân bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh nơi trẻ chơi, học tập, hàng ngày phải vệ sinh đồ chơi của trẻ. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện để khám, điều trị kịp thời, không cho trẻ đến trường nhằm tránh lây lan, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ dưới 3 tuổi có khả năng mắc bệnh cao hơn do sức đề kháng yếu. Với những trẻ bị mắc tay chân miệng dạng nhẹ có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi thấy trẻ có dấu hiệu giật mình, chới với trong lúc ngủ, đi loạng choạng, da nổi bông tím tái, bứt rứt, thở nhanh, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

ĐINH GIA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh