THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 02:45

Đồng hồ, từ lạ thành quen

 

Có tên gọi đồng hồ, là bởi ngày xưa ở phương Đông, cái dụng cụ đo giờ giấc này được cấu tạo từ một cái hồ (chậu, hoặc âu) đúc bằng đồng. Thật đơn giản, người xưa đổ đầy nước vào trong chậu rồi cho nhỏ từng giọt qua cái lỗ nhỏ, trên thành chậu có nét khắc các vạch ngang để tính giờ theo mực nước bị thẩm lậu từ từ rút xuống. Điều này, cụ Nguyễn Du đã dùng hai chữ “khắc lậu” để tả trong Truyện Kiều: “Đêm thâu khắc lậu canh tàn/ Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương”, chỉ thời điểm khuya khoắt, lúc nàng Kiều lén theo gã Sở Khanh đi trốn khỏi nhà mụ Tú Bà. Truyện Kiều còn có từ “giọt rồng” (trong câu “Giọt rồng canh đã điểm ba”) chỉ giọt nước đồng hồ cũng cùng loại nhưng cầu kỳ hơn, có trang trí hình con rồng. Sử liệu nước ta còn ghi lại, sau khi nhà Lý dời đô khỏi Hoa Lư, trong quá trình tạo lập Hoàng thành Thăng Long, năm 1029 triều đình cho xây điện Phụng Tiên ở trước sân rồng. Trên nóc điện này vua cho dựng lầu Chính Dương, trong lầu có đặt “máy đồng hồ giọt nước” hoạt động theo nguyên lý kể trên và cắt cử người coi giữ, cứ nhìn vào đồng hồ mà điểm trống báo canh, báo thời khắc cho cả triều đình. Như vậy có thể coi chiếc đồng hồ nước trên lầu Chính Dương trong Hoàng thành Thăng Long là chiếc đồng hồ công cộng đầu tiên ở Việt Nam?

Thuở chưa có đồng hồ, người Việt ước định giờ giấc ban ngày qua cách đo bóng nắng theo kinh nghiệm dân gian. Buổi sớm, cứ trông mặt trời lên cao chừng mấy “con sào”. Buổi trưa, mặt trời đến đỉnh đầu là lúc “đứng bóng” hay “tròn bóng”. Đến khi “xế bóng” tức trời đã về chiều. Ban đêm thì xóm dưới làng trên cứ căn theo tiếng gà gáy mà tính đếm những canh gà, kiểu như “canh gà Thọ Xương”. Nhà văn Nguyễn Tuân - tác giả “Vang bóng một thời” trước 1945 - từng nhắc đến một thứ đồng hồ báo chuông rất độc đáo. Đó là thứ hương vòng dành riêng cho vua nhà Lý khi xưa đọc kinh Phật ban đêm. Những hạt ngọc được đính vào từng vòng hương, lửa hương cứ cháy đến cỡ ấy thì hạt ngọc đứt rơi xuống một cái bình hồ kim ngân. Nghe tiếng ngọc gieo mình, người đọc kinh biết là đêm đã vợi đi một canh nữa. 

Thực sự, loại đồng hồ cơ học chính xác có hệ thống đánh chuông tự động, có mặt số và kim chỉ giờ của phương Tây chỉ xuất hiện ở nước ta từ thế kỷ 17, thời trị vì của vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Những chiếc đồng hồ báo thức để bàn hoặc đồng hồ chuông treo tường được các nhà buôn và các nhà truyền giáo mang từ châu Âu sang, cùng với một số sản phẩm công nghệ tiêu dùng khác. Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc, trong cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” (NXB Thanh Niên, Hà Nội 2007), có trích dẫn hồi ức của các nhà truyền giáo: Vào năm 1627, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến vùng Ba Làng (Thanh Hóa, thuộc Đàng Ngoài) và trong một lần nọ, khi ông đang giảng đạo cho dân làng tụ tập ở bãi biển để xem tàu của Pháp thì chúa Trịnh Tráng đi qua, dừng lại. “Ông cố đạo bèn biếu chúa một chiếc đồng hồ và một cuốn sách toán. Thế là ông được phép truyền đạo ở vùng đó…”.

Bộ sách “Đại Nam thực lục tiền biên” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, cho biết thêm: Ở Đàng Trong, vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu, thợ nước ta đã phỏng theo cách thức của đồng hồ phương Tây mà làm ra được loại đồng hồ cũng tự động đánh chuông, gọi là “tự minh chung”. Với hình thù hao hao cái chuông chùa cao chừng một thước ta, đặt trên bệ đỡ, tự minh chung có điểm đặc biệt là tấm đồng ở mặt trước vẽ vòng tròn chia làm 24 giờ, mỗi giờ bốn khắc, tổng cộng kim đồng hồ chạy hết một vòng qua 96 khắc. Ngoài ra, thay vì dùng chữ số La tinh, mặt đồng hồ này được ghi bằng chữ Hán theo hệ thống tính giờ của phương Đông, gồm bát can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Canh, Tân, Nhâm, Quý) và tứ duy (Càn, Khôn, Cấn, Tốn). Từ năm 1733, tất cả các dinh tỉnh và các đồn canh ven biển dưới quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong đều có đặt đồng hồ chuông loại này.

Ảnh minh họa trong bài: HT

Cho đến thời của vợ chồng chị Dậu và ông bà Nghị Quế trong tiểu thuyết “Tắt đèn” nổi tiếng của nhà văn Ngô Tất Tố thì sự thể đã khác nhiều! Không chỉ ở nơi công quyền, chốn thành thị, mà cả ở nông thôn phong kiến và Pháp thuộc bấy giờ, những chiếc đồng hồ đánh chuông đã về ngự trong các tư gia đang muốn làm sang, muốn đua kịp tân thời, kèm theo sự hãnh diện thái quá của gia chủ: “Đồng hồ Tây có bao giờ sai!”. Nhưng điều thú vị là, trong khi ông Nghị Quế đề cao phẩm chất của đồng hồ Tây như thế, thì ở đâu đó trước đình làng Bắc bộ hay tại một dinh cơ phú hộ Nam Kỳ, người ta vẫn dùng đại lượng thời gian tính bằng khoảng mỗi cây nhang (hương) vừa cháy hết. Hoan chủ cứ đếm số chân nhang đã cháy mà trả thù lao cho các đoàn hát chèo hoặc gánh hát bội!

Hãy thử một đêm xuân, ta ngược chiều kim đồng hồ - ngược dòng thời gian qua những trang tư liệu, lắng nghe những “giọt rồng” thánh thót trong cung điện xưa cùng tiếng “tích tắc” đếm giây của bánh xe cơ khí tinh vi hiện đại... Có phải chăng, những chiếc đồng hồ mấy trăm năm qua đã từ tốn và nhẫn nại đẩy nhích cuộc tiếp biến văn hóa Đông - Tây trên đất nước này? 

TRUNG NHÂN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh