THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:31

Đồng hành và tôn vinh các học sinh DTTS tiêu biểu

 

Đồng chí Nông Quốc Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT (người bên phải) trao phần thưởng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu.

Ông Nông Quốc Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT (người bên phải) trao phần thưởng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu.

 Để thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa miền núi và miền xuôi, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi (DT-MN). Bên cạnh các Chương trình 134, 135 và 30a…, Đảng, Nhà nước còn đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DT-MN giai đoạn 2011-2020. Đến nay, trình độ dân trí của vùng đồng bào DT-MN đã được nâng lên; cơ bản, nước ta đã thực hiện thành công sự nghiệp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Quy mô đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tiếp tục tăng; trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề của lao động vùng DT-MN cũng được nâng lên...

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, trình độ khoa học-kỹ thuật và chất lượng của lực lượng lao động vùng DT-MN còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Nhưng để có những cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, tránh tình trạng “chảy máu chất xám” từ miền núi xuống miền xuôi như hiện nay, nhất là nhân lực vùng DT-MN, Ủy ban Dân tộc (UBDT) là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm phối hợp các bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo bền vững cho vùng DT-MN. Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng DT-MN đã đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, những năm qua, chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh, sử dụng nhân tài chưa được coi trọng. Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương cần phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả hơn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DT-MN. Hằng năm, UBDT đã phối hợp các bộ, ngành tổ chức tuyên dương học sinh, sinh viên là người DTTS đầy nghị lực, vượt khó vươn lên trong học tập để khuyến khích các em và tạo nguồn nhân lực cho vùng DTTS trong tương lai…

Ông Nông Quốc Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, Trưởng Ban tổ chức lễ tuyên dương học sinh, sinh viên học giỏi 2015 cho biết: “Những năm gần đây, số lượng học sinh giỏi, học sinh thi đỗ và được tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế là con em DTTS mỗi năm một tăng. Đây thật sự là một tín hiệu đáng mừng đối với sự phát triển nguồn nhân lực cho vùng DT-MN…”.

Năm nay, UBDT phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan tổ chức Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên học giỏi 2015. Đây là một sự kiện chính trị-xã hội nhằm động viên, khuyến khích các em học sinh, sinh viên là con em đồng bào các dân tộc đã vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trong rèn luyện, học tập và đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đỗ đầu trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm học 2014-2015.

Lễ tuyên dương đợt này có 122 em, trong đó có 105 em đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, hai em đỗ thủ khoa và 15 em đạt điểm cao từ 27 điểm trở lên. Điển hình là các em Nay H’Nga, dân tộc M’Nông ở Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Long (Đác Lắc) đoạt giải khuyến khích quốc gia môn địa lý; em Vàng A Minh, dân tộc Mông, Trường THPT DTNT huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) đoạt giải nhì quốc gia môn địa lý; Nông Nhất Quang, dân tộc Tày, Trường THPT Dân tộc nội trú chuyên Lào Cai, đoạt giải ba quốc gia môn tiếng Anh và còn nhiều gương điển hình tiên tiến, xuất sắc là học sinh DTTS đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ… Số các em được tuyên dương đợt này được Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử tặng bằng khen. Đặc biệt các em sẽ được gặp mặt các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đề xuất những tâm tư nguyện vọng của mình.

Là một trong những tỉnh vùng cao Tây Bắc, những năm trước đây, giáo dục Yên Bái thường trong tình trạng lớp học ghép với đủ các trình độ khác nhau. Vào dịp lễ, Tết và ngày mùa, tình trạng học sinh nghỉ học không đến lớp vẫn diễn ra, vì thế có không ít giáo viên bỏ nghề. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái Hoàng Trung Năng cho biết: “Trước thực trạng đó, Yên Bái đã bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ban hành nhiều chỉ thị, văn bản, chính sách, đề án nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo bước đột phá trong sự nghiệp phát triển giáo dục vùng dân tộc. Cho nên, từ năm 2010 đến nay, ngành giáo dục Yên Bái đã chuyển đổi 40 trong số 72 trường tiểu học, THCS thành trường phổ thông dân tộc nội trú. Hiện toàn tỉnh có hơn 40 trường phổ thông dân tộc bán trú với hơn 14 nghìn học sinh được hưởng chính sách bán trú dân nuôi…”.

Trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước trong việc thực hiện, xây dựng, hoạch định chính sách dân tộc, công tác dân tộc cho vùng DT-MN, UBDT đã tham mưu, đề xuất trình Chính phủ nhiều chính sách, giải pháp phù hợp để vùng DT-MN phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững, trong đó có chính sách về đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, UBDT đang tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các chính sách dân tộc hiện hành nhằm tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng dân tộc.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh