Đón xuân mới, nỗ lực mới...
- Tây Y
- 14:53 - 12/02/2015
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của ngành LĐ-TB&XH. Ảnh: MD.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Tạo việc làm mới, phát triển thị trường lao động
Năm 2015, ngành LĐ-TB&XH thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án, nhằm tạo nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là tạo việc làm cho thanh niên, LĐNT, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vùng đồng bào dân tộc, người khuyết tật.
Theo đó, phát triển thị trường lao động trong nước với các hoạt động như: Theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; kết nối hệ thống thông tin thị trường lao động địa phương với hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia, kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động với các tỉnh có nguồn lao động lớn; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm, đặc biệt phát huy vai trò của trung tâm giới thiệu việc làm các khu vực; đa dạng hoá các hoạt động giao dịch việc làm; tăng tần suất, nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm tại địa phương...
Bên cạnh đó, năm 2015 cũng là năm tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ và tăng thị phần ở các thị trường XKLĐ truyền thống như: Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông; đặc biệt, tập trung thực hiện các giải pháp kéo giảm tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp tại thị trường Hàn Quốc để ký kết thỏa thuận hợp tác mới, đồng thời tiếp tục các hoạt động để mở thị trường mới như Ăngôla, Cộng hòa Bêlarút...
Trong đó, đẩy mạnh các hình thức hợp tác đưa lao động có trình độ, tay nghề đi làm việc ở nước ngoài, như: đưa điều dưỡng viên, người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức...
Thực hiện tốt công tác quản lý lao động làm việc ở ngoài nước để bảo vệ quyền lợi NLĐ, đồng thời xử lý kịp thời những vi phạm kỷ luật của người lao động làm ảnh hưởng đến thị trường.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp XKLĐ, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm quy định của Nhà nước, đặc biệt là quy định về mức thu phí của người lao động đối với các doanh nghiệp.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan kịp thời phát hiện và xử lý những tiêu cực, lừa đảo trong hoạt động XKLĐ. Cải cách thủ tục hành chính để thực hiện nhanh, giảm phiền hà, nhũng nhiễu NLĐ khi làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn để trang trải chi phí học nghề, ngoại ngữ, lệ phí, ký quỹ... tham gia XKLĐ.
T.Huyền (ghi)
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Tập trung rà soát chính sách giảm nghèo
Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8 - 2% so với cuối năm 2013 (từ 7,8% xuống còn 6-5,8%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014), hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của chúng ta chưa thực sự bền vững, chính sách quá nhiều và dàn trải, chưa đủ để thúc đẩy người nghèo phát triển sản xuất, tạo thu nhập và vươn lên.
Theo tôi, năm 2015 sẽ tập trung rà soát lại các chính sách, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành có đề xuất để thiết kế lại chính sách trong hệ thống của mình. Các chính sách phải khuyến khích được người nghèo vươn lên, mang tính đặc thù để thu hẹp khoảng cách nghèo của các vùng... với phương châm: Hộ nghèo được ưu tiên nhất, tiếp đến hộ cận nghèo và mới thoát nghèo.
Chính sách cần phân biệt như vậy để tạo động lực cho người nghèo vươn lên. Cuối cùng, chúng ta sẽ đi theo định hướng là tăng cường các chính sách hỗ trợ cho vay và phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho hộ nghèo; giảm dần các chính sách cho không để chống tư tưởng ỷ lại trong một bộ phận người dân.
Cùng với các định hướng là tiến hành thiết kế lại chính sách, tập trung xây dựng thước đo nghèo đói theo tiếp cận đa chiều, đánh giá không chỉ dựa vào thu nhập mà còn phải dựa vào tiêu chí nhà ở, giáo dục, y tế, thông tin, môi trường sống để không bỏ sót những đối tượng nghèo.
Trong năm 2015 phải tập trung đánh giá lại chương trình, giai đoạn vừa qua (5 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ); rà soát lại chính sách, nghiên cứu, đề xuất xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều, bảo đảm đời sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản, phù hợp thực tiễn của Việt Nam.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo theo hướng bền vững, nhất là đối với các huyện nghèo, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc; tập trung cho các huyện, xã, thôn, bản khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhằm giảm dần khoảng cách về thu nhập và đời sống trên từng địa bàn.
Năm nay ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo, kinh phí đầu tư cho các công trình hạ tầng tác động đến nhiều đối tượng hưởng lợi; đầu tư dứt điểm, tập trung, không kéo dài và dàn trải; xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, phù hợp trên địa bàn; mở rộng và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề cho người nghèo để tạo việc làm tại chỗ, tham gia lao động trong nước hoặc XKLĐ để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
PV (ghi)
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Tiền lương tăng, đình công giảm
So với năm trước, tiền lương trong năm 2014 vẫn ổn định và có tăng nhẹ, khoảng 6%. Với mức đó thì doanh nghiệp nhà nước vẫn đứng đầu, bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng; các tập đoàn, tổng công ty cao hơn nữa, khoảng gấp đôi.
Ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lương bình quân khoảng 4,8 triệu đồng/người/tháng, khối doanh nghiệp dân doanh khoảng 4,3 triệu đồng/người/tháng.
Có thể nói, chính sách lương năm 2014 vẫn đi theo 3 nhịp: Thứ nhất, thực hiện Bộ luật Lao động, điều chỉnh lương tối thiểu lên và khi chúng tôi đi kiểm tra thì thấy các doanh nghiệp thực hiện tốt mức điều chỉnh.
Tiền lương của người lao động được tăng lên một phần, nhờ đó mà ổn định được tình hình, tranh chấp lao động, đình công có xu hướng giảm. Thứ hai, chúng ta tiếp tục lương thị trường, tức là tăng cường đối thoại thương lượng.
Tại các doanh nghiệp bây giờ thực hiện tốt hơn đối thoại thương lượng, trong đó nội dung rất quan trọng là vấn đề tiền lương. Thứ ba, chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách lương của khu vực Nhà nước gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu doanh nghiệp, gắn tiền lương với hiệu quả năng suất lao động.
Cùng với chính sách lương, về chính sách bảo hiểm, chúng ta cũng thực hiện Luật Bảo hiểm sửa đổi theo hướng bảo đảm tính bền vững, lâu dài hơn và mở rộng các đối tượng được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Mục tiêu đặt ra theo đúng Nghị quyết Trung ương là phấn đấu thực hiện 50% lực lượng lao động có quan hệ lao động có thể tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh sau này.
Về vấn đề doanh nghiệp nợ lương của người lao động, Trước hết trong Luật và trong Nghị định mới của Chính phủ có nói rất rõ: Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp và trả kịp thời, đúng hạn.
Việc nợ lương trong hoàn cảnh nếu thực sự doanh nghiệp khó khăn, bất khả kháng thì người chủ và người lao động phải có thỏa thuận với nhau, cam kết thực hiện. Trường hợp doanh nghiệp cố tình nợ lương thì phải thanh tra, có quyết định xử phạt.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, trong đó có quy định về việc doanh nghiệp chậm trả lương 15 ngày phải trả thêm tiền. Điều quan trọng nhất là bây giờ phải tổ chức thực hiện.
Tôi xuống các tỉnh thấy lực lượng thanh tra rất mỏng, trong khi số doanh nghiệp rất nhiều. Ví dụ, TP. Hồ Chí Minh có 200.000 doanh nghiệp, nhưng lực lượng thanh tra chỉ có 80 người, các tỉnh đa số chỉ có 5-7 người, nhiều là 10 người, trong khi có hàng nghìn doanh nghiệp.
Vì thế, để kiểm soát, giám sát việc thực thi, tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực tiền lương, tiền công được tốt hơn, theo tôi, hệ thống quản lý công tác thanh tra phải tăng cường trong thời gian tới.
Thái An (ghi)
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa
Trong năm 2015, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục đẩy mạnh chương trình đền ơn đáp nghĩa, phấn đấu 98,5% NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng; hoàn thiện và nâng mức trợ cấp phụ cấp đối với NCC để đảm bảo đời sống của đối tượng được tốt hơn.
Cùng với đó, sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành cho đối tượng NCC; tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng về xác nhận, công nhận NCC, đặc biệt đối với liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong năm nay là tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hồ sơ các đối tượng NCC để bảo đảm chính sách ưu đãi NCC với cách mạng đến đúng đối tượng, xử lý nghiêm các trường hợp đã có kết luận sai phạm, có biện pháp khắc phục các tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách NCC.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án “Xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin” theo Kế hoạch số 12/KH-BCĐ ngày 17/3/2014 của Ban chỉ đạo đề án 150. Năm 2015 sẽ đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, NCC”.
PV (ghi)
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan:
Năm 2015, xây dựng và trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
Tôi mới nhận nhiệm vụ hơn một tháng, được phân công theo dõi lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trên cương vị mới, hiện tôi vẫn đang tiếp cận với công việc của mình. Tuy nhiên, tôi rất vui khi nhìn lại năm 2014, các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có nhiều tiến bộ, đặc biệt là sự quan tâm của các địa phương trong việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ chuyên trách và tình nguyện viên ở cơ sở; bố trí ngân sách, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Năm 2015 là năm chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trước mắt là tập trung xây dựng và trình Quốc hội Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em các cấp. Tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành kiểm tra, giám sát thực hiện luật pháp, chính sách về trẻ em ở các cấp.
Đồng thời, cần tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương vào việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo vệ, chăm sóc trẻ em để đảm bảo cho mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tiếp cận các dịch vụ này thuận lợi, hiệu quả.
Và cuối cùng, cần huy động sự chung tay của toàn xã hội vào việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, gia đình và cộng đồng tham gia bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo mọi điều kiện cho trẻ em được học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí.
Tăng cường vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân vào Quỹ Bảo trợ trẻ em để góp phần cùng Nhà nước thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Nguyệt Hà (ghi)
9 chỉ tiêu, nhiệm vụ các lĩnh vực ngành LĐ-TB&XH năm 2015 1. Tạo việc làm cho 1,6 triệu người, trong đó: Tạo việc làm trong nước 1.510.000 người; xuất khẩu lao động 90.000 người. 2. Giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước từ 1,7 - 2% so với cuối năm 2014, các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP giảm 4%. 3. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%. 4. Tuyển mới dạy nghề 2,15 triệu người, trong đó: Trung cấp nghề, cao đẳng nghề 250.000 người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng: 1,9 triệu người (trong đó hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 550.000 LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg). 5. 98,5% hộ gia đình chính sách NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, NCC; huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa 480 tỷ đồng; trao tặng nhà tình nghĩa cho 31.050 hộ gia đình NCC với cách mạng (trong đó xây mới 17.250 nhà; sửa chữa 13.800 nhà). 6. Thực hiện đầy đủ chế độ trợ cấp thường xuyên cho trên 2,7 triệu đối tượng xã hội tại cộng đồng và trên 41.000 đối tượng nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội; cải thiện, nâng cao mức sống cho đối tượng xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng tự khắc phục khó khăn vươn lên hoà nhập cộng đồng. Đảm bảo ổn định đời sống, kịp thời hỗ trợ cho 100% đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, mất mùa, thiếu đói. 7. Thực hiện các quyền của trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em: 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xuống dưới 5,4%; 70% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em theo quy chuẩn mới; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT khám chữa bệnh không phải trả tiền tại cơ sở y tế nhà nước. 8. Đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình. Tỷ lệ nữ trong tổng số lao động được tạo việc làm đạt 49%; trong đó tuyển mới dạy nghề đạt 49%. 9. Tổ chức cai nghiện cho khoảng 40.000 người; trong đó cai tại trung tâm khoảng 20.000 người, tại cộng đồng khoảng 20.000 người; dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 15.000 người sau cai. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để phòng ngừa, đẩy lùi tệ nạn mại dâm; tư vấn giảm tác hại về phòng, chống HIV/AIDS, tư vấn hướng nghiệp, học nghề, chuyển đổi công việc, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm... cho đối tượng này. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội. |