CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:47

Đón Tết online thời Covid-19

Tết an toàn

Đã 2 cái Tết gia đình ông Trần Văn Bình và bà Nguyễn Thị Thu ở xã Phương Trung, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ đón Tết không có đông đủ con cháu như những năm trước. Vợ chồng ông bà có 3 người con đều làm ăn, sinh sống ở xa. Hai người con trai đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh, cô con gái lấy chồng ở Hà Nội. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dù rất mong con cháu về ăn Tết nhưng ông bà nén nỗi nhớ mong, khuyên các con không về, ai ở đâu ở đấy đón Tết để cùng Nhà nước phòng, chống dịch.

Các bạn trẻ thích thú với cách lì xì online.

Các bạn trẻ thích thú với cách lì xì online.

Ông Bình cho biết, Tết là dịp con cháu sum vầy, đoàn tụ cùng gia đình, nhưng Tết Tân Sửu năm 2021 do dịch bệnh nên chỉ có gia đình cô con gái ở Hà Nội về ăn Tết. Năm nay, ông khuyên các con không nên về. Không khí Tết sẽ buồn, vắng vẻ hơn nhưng các thành viên vẫn gọi điện cho nhau, chia sẻ các hoạt động và động viên nhau chấp hành quy định, khuyến cáo của ngành chức năng về phòng, chống dịch Covid-19. Ai cũng mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để năm mới bình an, hạnh phúc.

Là con trai cả trong gia đình, mỗi dịp Tết đến xuân về, vợ chồng anh Nguyễn Văn Phúc ở quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) lại tất bật mua sắm đồ từ Hà Nội để chiều 29 về quê Thái Bình ăn Tết. Nhưng năm nay do dịch bệnh, anh đã chuyển khoản tiền nhờ chị gái ở nhà sắm Tết cho bố mẹ ở quê, vợ chồng anh ở lại thành phố đón Tết. Anh Phúc chia sẻ: Không thể về sum họp bên gia đình hai bên cũng buồn vì cả năm nay chúng tôi không được về do dịch bệnh triền miên. Nhưng vì an toàn cho bản thân và gia đình, chúng tôi luôn tự hào vì hành động nhỏ bé của mình đã góp một phần vào công cuộc chống lại dịch bệnh cùng cả nước. Tôi gọi video về cho gia đình để chúc Tết. Trong những ngày nghỉ, chúng tôi sẽ dành thời gian cho nhau, chia sẻ, trò chuyện để mọi người cùng hiểu nhau hơn. Đây cũng là cơ hội để cha mẹ và các con trải nghiệm những điều mới mẻ, thú vị của một cái Tết thành phố.

Gắn kết yêu thương nhờ công nghệ

Với những người xa quê, xa gia đình, công nghệ cao phát huy tốt nhất vai trò “cầu nối” tình thân. Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, những người đón Tết xa quê có thể sử dụng video call, live stream… để trực tiếp thấy người thân, trò chuyện, gửi những lời chúc tốt đẹp tới gia đình trong thời khắc giao thừa, đón năm mới.

Anh Nguyễn Văn Chính (công nhân một công ty thuộc lĩnh vực xây dựng tại Hà Nội) cho biết: “Công nhân xây dựng quanh năm gắn với công trường, dự án. Có những năm, do phải đảm bảo tiến độ dự án, tôi và nhiều đồng nghiệp khác phải làm cả những ngày Tết. Điều đó đồng nghĩa với việc phải đón Tết xa nhà, xa gia đình, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19. Nhưng nhờ có công nghệ, internet nên mỗi khi nhớ gia đình, vợ con tôi có thể gọi điện hình ảnh cho mọi người, vì thế nỗi nhớ mong cũng phần nào nguôi ngoai”.

Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, những người đón Tết xa quê có thể sử dụng video call, live stream… để trực tiếp nhìn thấy người thân.

Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, những người đón Tết xa quê có thể sử dụng video call, live stream… để trực tiếp nhìn thấy người thân.

Là người công tác trong ngành công an, anh Lê Trung Nghĩa (TP. Sơn La, tỉnh Sơn La) rất ít khi được về quê Thái Nguyên đón Tết, vì vậy anh đã lập nhóm zalo các thành viên trong gia đình. Có việc gì, mọi người sẽ gọi điện vào nhóm để thảo luận bàn bạc cũng như thăm hỏi tình hình của nhau. Anh Nghĩa cho biết: Từ năm ngoái đến nay, anh em chúng tôi đã thống nhất với nhau đúng thời khắc giao thừa bên mâm cơm Tết mọi người sẽ cùng vào nhóm zalo để chúc tết và cụng ly online đón chào năm mới, sau đó sẽ gửi tiền lì xì biếu ông bà nội và các cháu. Dù không được trực tiếp cùng nhau đón Tết nhưng qua facebook hoặc zalo các anh, chị, em vẫn nhìn thấy nhau và chúc nhau những lời chúc tốt lành nhân dịp đầu năm mới. Khi gọi trực tiếp như thế, tôi cũng cảm nhận được không khí Tết ở quê nhà và thấy ấm áp hơn.

Trong bối cảnh dịch bệnh việc đi lại hạn chế nhưng nhờ công nghệ và mạng xã hội mọi người vẫn có thể trò chuyện, gắn kết với nhau khi không có điều kiện gặp gỡ trực tiếp những ngày lễ, Tết. Chị Trần Vân Anh ở khu đô thị Times City nói: Mọi năm cả nhà tôi thường về quê ở Sao Đỏ, TP. Chí Linh, Hải Dương đón Tết, hiếm khi tôi có mặt ở Hà Nội. Về quê, lúc thì đi chúc Tết bên nội, bên ngoại, rồi bạn bè, khi thì du xuân ở các tỉnh, thành phố. Từ Tết năm ngoái đến nay thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, tôi và các thành viên trong gia đình xác định: Nhà ai ở đâu ăn Tết ở đó, không về quê như mọi năm. Thay vào đó, chúng tôi chúc Tết online, qua zalo, facebook để hạn chế tối đa sự tiếp xúc cá nhân, tụ tập đông người…

 

Anh Vũ Văn Yên (công nhân khu công nghiệp Quang Minh) chia sẻ: Ngày Tết, tất cả mọi người trong khu trọ nơi tôi đang thuê đều về quê. Tuy nhiên, mỗi người một nơi không có nghĩa là không thể gặp gỡ, trò chuyện với nhau. Từ khi có mạng xã hội, chủ nhà trọ đã lập một nhóm zalo gồm tất cả những người trong khu trọ. Ngoài việc hằng ngày trao đổi thông tin cần thiết, vào dịp lễ, Tết, nhóm zalo cũng là nơi để chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện và chúc mừng nhau. Qua cuộc gọi video, chúng tôi đều được nhìn thấy nhau và giới thiệu cho nhau những người thân và không khí Tết tại gia đình mình. Nhờ đó, mối quan hệ giữa các thành viên trong khu trọ càng thêm gắn kết hơn. “Gắn kết, chia sẻ và giúp đỡ nhau cũng là điều mà lao động xa quê luôn mong muốn, bởi như thế chúng tôi sẽ có môi trường sống an toàn để yên tâm lao động sản xuất. Và chính công nghệ, mạng xã hội đã góp phần giúp chúng tôi làm được điều đó”, anh Yên nói.

Tết Nhâm Dần không đông vui, rộn rã như mọi năm nhưng chắc chắn là một năm mới đáng nhớ bởi diễn ra trong tình hình đặc biệt và bởi sự đồng thuận, đoàn kết của nhân dân cùng chung tay ngăn chặn dịch bệnh. Tất cả vì sức khỏe cá nhân, cộng đồng và sự bình an của đất nước. Đấy là mục đích cao nhất của Tết Việt thời Covid.

Theo các chuyên gia y tế, để có Tết an toàn, mỗi người hãy luôn thực hiện 5K. Sử dụng khẩu trang khi ra khỏi nhà sẽ giúp chúng ta giảm mức nguy cơ lây nhiễm xuống rất thấp. Tăng cường khử khuẩn để nếu không may có tiếp xúc thì virus cũng không có nhiều cơ hội để xâm nhập sâu hơn hoặc lan ra rộng hơn. Giữ khoảng cách, hạn chế có mặt ở nơi đông người, không khởi xướng các hoạt động đông người và hạn chế đi lại chính là cách hữu hiệu để ngăn virus phát tán rộng rãi.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh