Dồn dập đề xuất xây dựng sân bay
- Tây Y
- 02:29 - 02/03/2021
Điều đáng chú ý là trong các văn bản đề xuất, địa phương này cũng khẳng định các sân bay hình thành trong tương lai "sẽ phát huy tốt tác dụng và hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách mạnh mẽ".
Đơn cử như Bình Phước - địa phương chỉ cách TP.HCM khoảng 100km, UBND tỉnh cho biết, Bình Phước sẽ là một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước, đồng thời cũng có trên 260km đường biên giới với Campuchia, nên việc quy hoạch và hướng tới xây dựng một sân bay lưỡng dụng trên địa bàn tỉnh "có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng".
Tương tự, văn bản của Sở GTVT Bắc Giang đề nghị Bộ GTVT, đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu bổ sung và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển sân bay Kép (hiện là sân bay quân sự) sang sân bay lưỡng dụng (sử dụng chung quân sự và dân sự) với lý do: Mật độ sân bay tại khu vực còn khá thưa, các sân bay hiện hữu quá tải, đồng thời khoảng cách di chuyển khá xa...
Được biết, tại tờ trình Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 lên Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án đến năm 2030 cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa. Định hướng đến năm 2050, số lượng cảng hàng không cả nước cũng chỉ dừng ở con số 30 cảng hàng không, gồm 15 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không nội địa. Tức tới năm 2050, cả nước sẽ được bổ sung 8 cảng hàng không gồm: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng hàng không quốc tế thứ 2 vùng thủ đô (dự kiến được nghiện cứu từ năm 2040), các cảng hàng không Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Cao Bằng, Sa Pa (Lào Cai), Phan Thiết (Bình Thuận), Quảng Trị.
Theo một số chuyên gia, khoảng cách tối thiểu giữa 2 sân bay ở nhiều nước trong khu vực có nền hàng không phát triển như Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan hay Đài Loan là không dưới 200 km. Không chỉ vậy, việc xác định vị trí đặt sân bay luôn được cân nhắc rất kỹ về lưu lượng khách tiềm năng để tránh nguy cơ thua lỗ.
"Sân bay không chỉ phục vụ riêng cho dân cư tại mỗi tỉnh mà còn vùng lân cận. Nếu sân bay mà bản thân dân cư địa phương không đông, khách du lịch không nhiều thì chắc chắn lỗ" - một chuyên gia hàng không nhận định.
Một điều đáng lưu ý là đi cùng với thông tin về "đề xuất xây dựng sân bay" là các cơn "sốt giá đất" - điều đang xảy ra tại Bình Phước trong những ngày gần đây. Trước đó, tình trạng tương tự đã từng xảy ra tại Long Thành (Đồng Nai) và tỉnh Bình Thuận.
Nhiều chuyên gia giao thông nhận định, việc các địa phương dồn dập đề xuất xây sân bay là điều "không bình thường", nhất là trong số đó có nhiều địa phương chỉ cách các sân bay hiện hữu từ vài chục đến trên dưới 100km. Đặc biệt, khoản kinh phí để đầu tư xây dựng sân bay thường là rất lớn - từ hàng nghìn tỷ đồng trở lên, nếu đầu tư không hiệu quả thì sẽ rất lãng phí. Vì vậy, các địa phương nên cân nhắc kỹ khi đưa ra đề xuất xây dựng sân bay, cơ quan chức năng cũng cần hết sức cẩn trọng trong việc phê duyệt quy hoạch sân bay, tránh phá vỡ quy hoạch và lãng phí các nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội.