THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:55

Đối tượng được WHO khuyến nghị tiêm thêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3

Theo nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO (SAGE), liều vaccine tăng cường nên được cung cấp cho những người "đáp ứng đầy đủ với việc tiêm chủng theo tiêu chuẩn chính nhưng vẫn có nguy cơ cao mắc Covid-19 ở mức nghiêm trọng".

Đề cập đến những người có khả năng miễn dịch thấp hơn do các bệnh lý nền khác, Giám đốc vaccine của WHO Kate O'Brien nói trong cuộc họp báo hôm 11/10: "Khuyến cáo là tiêm liều vaccine thứ 3, bổ sung cho công thức chính, được đưa ra dựa trên bằng chứng cho thấy rằng khả năng sinh miễn dịch và bằng chứng về các ca bệnh nhiễm đột phá đã được phát hiện với một tỷ lệ bất thường ở những người đó".

Nhóm SAGE - bao gồm các chuyên gia độc lập, đưa ra chính sách nhưng không đưa ra khuyến nghị về quy định - được thông báo sẽ xem xét tất cả dữ liệu toàn cầu về tiêm tăng cường vaccine Covid-19 trong một cuộc họp ngày 11/11 tới, trong bối cảnh vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể trả lời về các biến thể và khả năng suy giảm miễn dịch.

Theo bà O'Brien, hiện khoảng 3,5 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng, trong đó ước tính có khoảng 1,5 tỷ liều được cung cấp trên toàn cầu mỗi tháng, đủ để đáp ứng mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số của mỗi quốc gia vào cuối năm nay. Nhưng bà cũng nói thêm rằng sự phân bổ là không đồng đều.

"Việc cung cấp liều vaccine tăng cường cho những người đã có được phản ứng tốt từ công thức tiêu chuẩn (2 mũi tiêm) cũng giống như việc mặc 2 chiếc áo phao cho một số người trong khi số khác lại chưa có chiếc nào" - bà O'Brien nói - "Ở đây, chúng ta đang bàn về việc mặc lại chiếc áo phao đầu tiên cho những người có tình trạng suy giảm miễn dịch".

Giám đốc vaccine của WHO Kate O'Brien.

Giám đốc vaccine của WHO Kate O'Brien.

Theo dangcongsan.vn, Ngày 30/7, Israel đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine nhắc lại mũi thứ 3 cho những người trên 60 tuổi nhằm tăng khả năng đề kháng đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao bệnh trở nặng và tử vong nếu mắc COVID-19. Đây là một trong những biện pháp được Chính phủ Israel đưa ra nhằm đối phó với làn sóng dịch mới do biến thể Delta gây ra ở quốc gia Trung Đông từng được đánh giá "đã viết nên câu chuyện thành công trong cuộc chiến chống COVID-19".

 Nhờ tiến hành chiến dịch tiêm vaccine nhanh nhất thế giới, Israel đã mở cửa trở lại nền kinh tế và dỡ bỏ tất cả những biện pháp phong tỏa còn lại vào ngày 1/6. Israel là một trong những quốc gia triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới với hơn 85% dân số trưởng thành được tiêm đầy đủ hai liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer. Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 tăng cao trở lại do biến thể Delta, nước này đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tiêm chủng là một trong những biện pháp được nước này áp dụng và được coi là “giấy thông hành xanh” cho người dân khi tham gia những sự kiện đông người.

Tại Campuchia,  phát biểu tại lễ khởi động chương trình tiêm phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 12 - 17 ngày 1/8, Thủ tướng Hun Sen cho biết mũi tiêm thứ 3 sẽ được ưu tiên dành cho 500.000 - 1.000.000 nhân viên tuyến đầu chống dịch. Tính đến ngày 31/7, hơn 7,3 triệu người trưởng thành ở Campuchia đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi có 4,7 triệu người đã tiêm mũi thứ 2.

Trong khi đó, Chính phủ Anh cũng đang lên kế hoạch thực hiện chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường cho 32 triệu dân bắt đầu từ tháng 9 nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, trước lo ngại hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 có thể bắt đầu giảm. Chương trình này dự kiến sẽ bắt đầu sau ngày 6/9, với mục tiêu mỗi tuần thực hiện tiêm mũi vaccine thứ 3 cho gần 2,5 triệu người từ 50 tuổi trở lên và những người bị suy giảm miễn dịch.

Chính phủ Anh hiện đang cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường bằng vaccine khác loại với 2 mũi tiêm đầu, sau khi các thử nghiệm ban đầu cho thấy việc trộn vaccine có thể kích thích phản ứng miễn dịch cao hơn.  Đến nay, hơn 85 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng tại Anh, với hơn 72,5% người trưởng thành đã tiêm đủ 2 mũi, và 88,6% đã tiêm 1 mũi, trong khi hơn 68% số người từ 18 đến 29 tuổi cũng đã tiêm 1 mũi. Dự kiến, tới giữa tháng 9, tất cả người trưởng thành ở Anh sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Như vậy có thể thấy qua các nghiên cứu, hiệu quả phòng bệnh của các loại vaccine sẽ giảm dần theo thời gian. Đây chính là lý do để giới khoa học một số nước khuyến cáo về việc tiêm thêm mũi thứ 3 để tăng cường mạnh mẽ khả năng của cơ thể chống lại loại virus nguy hiểm gây dịch COVID-19.

HOÀNG TÙNG ( tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh