THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:02

TP.Tam Kỳ (Quảng Nam): Đối thoại với người có công

Chỉ sợ không công bằng

Cuối tuần qua, điểm đối thoại chính sách đầu tiên được TP.Tam Kỳ tổ chức tại UBND phường An Mỹ. Chủ trì buổi đối thoại có đại diện Phòng LĐ-TB&XH thành phố và Sở LĐ-TB&XH. Tham dự có gần 100 đối tượng chính sách thuộc 6 địa phương, gồm: An Mỹ, Tân Thạnh, Phước Hòa, Hòa Hương, An Xuân và An Sơn. Ngay sau khi đại diện Phòng LĐ-TB&XH thành phố phát biểu khai mạc, hội trường UBND phường An Mỹ “nóng” lên với ý kiến liên tiếp của những người có công. Điều này cho thấy người dân rất quan tâm đến vấn đề giải quyết chế độ chính sách và câu chuyện này hiện nay còn khá nhiều vướng mắc. Chứng kiến toàn bộ thời gian của buổi đối thoại, phóng viên nhận thấy các ý kiến của người có công đều thể hiện những thắc mắc, bức xúc liên quan đến các nhóm vấn đề về chế độ chất độc da cam, nhà ở cho đối tượng chính sách, chính sách cho người bị tù đày, giám định để giải quyết chế độ…

Ông Võ Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường An Xuân nói, chính sách cho người có công hiện còn nhiều điều chưa thỏa đáng. Chẳng hạn chính sách cho người bị địch bắt tù đày, tù 10 năm khác với ở tù 7 ngày, 1 tháng, nhưng bây giờ hưởng chế độ thì bằng nhau. Hay, đều là người tham gia chiến đấu cùng chiến trường, cùng ăn, cùng ở với nhau nhưng khi về làm chế độ thì có người được người không. Hay vấn đề hỗ trợ về nhà ở chưa sát với thực tế, gây bất bình trong dư luận. Ông Anh cũng cho rằng, việc TP.Tam Kỳ tổ chức những buổi đối thoại như thế này là rất tốt, người dân có điều kiện nói lên ý kiến của mình. Thời gian qua, Phòng và Sở LĐ-TB&XH đã có nhiều cố gắng trong vấn đề tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho các đối tượng, nhưng vấn đề căng nhất khi làm chế độ là ở Hội đồng giám định. “Chúng tôi mong muốn Nhà nước có chính sách nới lỏng để cho những người tham gia kháng chiến được hưởng chế độ, vì họ tuổi đã già rồi, không sống được bao nhiêu nữa” - ông  Anh bày tỏ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Khả - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Tân Thạnh cho biết, trên địa bàn phường có gần 400 người tham gia kháng chiến nhưng số được hưởng chế độ chất độc da cam chưa tới 1/3. Nhiều người làm hồ sơ đi giám định nhiều lần không được nên sinh ra bất mãn, muốn ra khỏi tổ chức hội, vì họ cho rằng hội không bảo vệ được quyền lợi cho hội viên. Ông Khả kiến nghị: “Bác Hồ nói không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Do đó, bây giờ việc thực hiện chế độ chính sách cũng vậy. Người tham gia kháng chiến ít hơn, trẻ tuổi thì được hưởng nhiều chế độ, còn những người già yếu, kháng chiến nhiều năm thì giám định đi, giám định lại không được. Vậy, nên chăng cần ưu tiên cho những người tham gia kháng chiến nhiều năm, nay đã lớn tuổi, già yếu được giám định sớm. Bởi vì những người đó họ được hưởng được ngày nào thì tốt ngày đó”.

Người có công TP.Tam Kỳ nêu những vướng mắc về thực hiện chính sách tại buổi đối thoại. Ảnh: VINH ANH

 

Nhiều vướng mắc

Trong những năm qua, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam luôn xác định công tác thương binh liệt sĩ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công, góp phần thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã xác nhận và thực hiện chế độ trợ cấp cho hơn 15 nghìn trường hợp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện công tác thương binh liệt sĩ, người có công vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là vì tính chất phức tạp, nhạy cảm và tính lịch sử nên công tác xác nhận người có công thực sự có tham gia cách mạng bị hy sinh, bị thương và người bị địch bắt tù đày tra tấn nhưng không có hoặc không còn giấy tờ gốc nên chưa được công nhận, đã gây nhiều bức xúc trong đối tượng và thân nhân đối tượng. Mặt khác, quy định của nhiều văn bản chính sách không đồng bộ nên việc tổ chức thực hiện chưa có sự thống nhất cao, dẫn đến phát sinh vướng mắc. Một số chế độ chính sách tuy có được điều chỉnh theo từng giai đoạn nhưng nhìn chung là quá thấp, chưa đảm bảo người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Đặc biệt, một số chế độ trợ cấp một lần với mức quy định từ năm 1995 đến nay vẫn chưa được điều chỉnh.

Báo cáo mới nhất do Sở LĐ-TB&XH gửi Cục Người có công Bộ LĐ-TB&XH về việc tình hình, kết quả công tác người có công cũng đã chỉ ra đến 6 vấn đề còn vướng mắc, cần sự hướng dẫn, trả lời kịp thời từ cấp trung ương để tháo gỡ. Chẳng hạn, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 31, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH quy định: Bệnh binh mắc thêm bệnh do nhiễm chất độc hóa học thì Sở LĐ-TB&XH giới thiệu đi giám định tổng hợp để hưởng trợ cấp bệnh binh theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 26 của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Nhưng đến nay, Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn về việc khám giám định tổng hợp. Hoặc như Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH không hướng dẫn trường hợp người đang hưởng trợ cấp thương binh, đồng thời đang hưởng trợ cấp bệnh binh mà mắc thêm bệnh do nhiễm chất độc hóa học theo danh mục bệnh tật quy định thì việc giới thiệu sang Hội đồng giám định y khoa kèm theo hồ sơ bệnh binh hay ghi rõ tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật…

VINH ANH

 

G.S

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh