Đối thoại với doanh nghiệp về chính sách pháp luật lao động
- Tây Y
- 14:02 - 22/07/2017
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, công tác hoàn thiện thể chế pháp luật về lao động luôn được Quốc hội hết sức quan tâm. Việc thực thi pháp luật đóng vai trò quan trọng. Chính phủ luôn hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt pháp lý để doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, tránh rủi ro cũng như nâng cao uy tín cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH luôn coi trọng công tác tuyên truyền về pháp luật và lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp, để từ đó tham mưu hoàn thiện các chính sách, pháp luật về lao động.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng khẳng định, thời gian qua, Bộ đã ban hành nhiều chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tổ chức một số cuộc đối thoại về bảo hiểm xã hội, tiền lương…; xây dựng các bộ tài liệu, tập huấn, lắng nghe ý kiến đa chiều từ phía các doanh nghiệp.
Cũng theo Thứ trưởng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ra khỏi chương trình kỳ họp Quốc hội năm 2017. Chính phủ đặt kế hoạch sửa đổi, bổ sung Bộ luật này vào năm 2018. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương lập hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động để năm 2018 trình Quốc hội quyết định đưa vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội.
“Do đó, cuộc đối thoại với doanh nghiệp là cơ hội để cơ quan chức năng được lắng nghe và trả lời tất cả các câu hỏi từ phía doanh nghiệp. Câu hỏi nào chưa thể trả lời ngay thì sẽ sẽ được ghi nhận và trả lời bằng văn bản” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.
Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về lương tối thiểu, ông Lê Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Hội đồng tiền lương quốc gia mới họp có 1 phiên và các bên đưa ra các mức tăng khác nhau, trong đó Tổng Liên đoàn đề nghị mức tăng hơn 13% và VCCI đề nghị mức tăng khoảng 5%.
Cũng theo ông Thành, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ dựa trên sự hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước phải đảm bảo công ăn việc làm; Doanh nghiệp đảm bảo mức chi phí sản xuất; Người lao động đảm bảo quyền lợi với mức sống tối thiểu.
Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, thành phố đã thành lập các ban chỉ đạo để nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn giai đoạn 2016- 2020, trong đó tập trung thực hiện tốt 7 giải pháp như: cải thiện môi trường kinh doanh, rà soát, sửa đổi các quy định thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt định kỳ tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt những khó khăn để tháo gỡ.
Quang cảnh hội nghị
Trong nhiều năm qua, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND thành phố triển khai rất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn, như: tổ chức triển khai Đề án nâng cao hoạt động của sàn giao dịch việc làm thành phố để nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp về thông tin thị trường lao động, công tác tuyển dụng lao động phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp; triển khai các dịch vụ công…
Bà Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh, đối thoại lần này hết sức quan trọng, là cơ hội để các cơ quan quản lý nắm bắt những vướng mắc, khó khăn tại các doanh nghiệp; đồng thời là cơ hội cho các doanh nghiệp có những quan điểm, ý kiến liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực lao động.
Do đó, tất cả ý kiến của doanh nghiệp đang được bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia tiếp nhận, phân tích để có bức tranh tổng thể. Việc tăng lương tối thiểu sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố như mức sống tối thiểu, chỉ số giá tiêu dùng…
Việc đảm bảo mức sống tối thiểu đã được quy định trong Luật Lao động và căn cứ trên thực tế, vì vậy, lương tối thiểu vùng năm 2018 vẫn sẽ tăng, nhưng tăng bao nhiêu sẽ quyết định tại phiên họp Hội đồng tiền lương sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 này.