CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:12

Đối thoại cao cấp ASEM: Thúc đẩy quyền năng kinh tế phụ nữ trong đại dịch Covid-19

Diễn đàn có sự tham dự của gần 130 đại biểu tại hơn 40 điểm cầu trực tuyến từ 41 nước thành viên ASEM và 7 tổ chức quốc tế và khu vực.

Đối thoại là sáng kiến do Việt Nam đề xuất, được các thành viên ASEM ủng hộ mạnh mẽ, trong đó 8 nước, gồm Ốt-xtrây-lia, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, In-đo-nê-xi-a, I-ta-ly, Nhật Bản, Na Uy đã tham gia đồng bảo trợ và phối hợp triển khai sáng kiến.

Đối thoại cao cấp ASEM về thúc đẩy quyền năng kinh tế phụ nữ trong bối cảnh dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam

Đối thoại là một trong những hoạt động quan trọng nhất của ASEM trong năm 2020 và cũng là hoạt động thiết thực đầu tiên triển khai chỉ đạo của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEM về ứng phó với Covid-19 được thông qua trong Tuyên bố ngày 9/7/2020.

Đối thoại tập trung thảo luận những tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh tế của phụ nữ, từ đó đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác Á – Âu nhằm nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong nỗ lực phục hồi kinh tế hiện nay.

Phát biểu tại Phiên khai mạc của Đối thoại, tiến sĩ Sok Siphana, Trưởng Quan chức Cao cấp (SOM) ASEM của Campuchia đánh giá cao sáng kiến tổ chức Đối thoại của Việt Nam.

Ông nhấn mạnh, Đối thoại đóng góp vào thúc đẩy các cam kết mạnh mẽ của ASEM về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ, đề xuất các khuyến nghị quan trọng để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 13, sẽ diễn ra tại Campuchia trong năm 2021.

Cũng tại Phiên khai mạc Đối thoại, Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, diễn biến phức tạp của đại dịch, kéo theo những khủng hoảng về kinh tế - xã hội đã và đang đe doạ thành tựu trong thu hẹp khoảng cách giới trong suốt những thập kỷ qua.

Đối thoại cao cấp ASEM về thúc đẩy quyền năng kinh tế phụ nữ trong bối cảnh dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Toàn cảnh diễn đàn

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh đai dịch Covid-19 trở thành một trong những quan tâm hàng đầu của cộng động quốc tế.

Việc tổ chức Đối thoại có ý nghĩa thiết thực, kịp thời, góp phần thúc đẩy triển khai Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự Phát triển Bền vững (SDGs).

Phát biểu tại Phiên khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định, 2020 là một năm dấu ấn trong việc hiện thực hoá mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ, đánh dấu đúng 25 năm thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh và Nền tảng Hành động thúc đẩy bình đẳng giới, 20 năm Nghị quyết 1325 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về Phụ nữ, Hoà bình và An ninh, 5 năm thực hiện các Mục tiêu SDGs.

Diễn đàn liên khu vực quan trọng hội tụ 53 thành viên của hai châu lục Á – Âu, ASEM đã có những đóng góp góp quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Thứ trưởng đề nghị, hơn bao giờ hết, ASEM cần  tăng cường hơn nữa hợp tác kết nối Á – Âu, thống nhất nhận thức để có những chính sách phối hợp nâng cao quyền năng phụ nữ nhằm đạt "mục tiêu kép" trong ứng phó, giảm thiểu ảnh hưởng và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

ASEM cần tiên phong trong hiện thực hoá mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau" và không để người phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau.

Cùng với thành công của Phiên họp đặc biệt của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số (dịp HNCC ASEAN 36, tháng 6/2020), Đối thoại Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) về "Thúc đẩy quyền năng kinh tế phụ nữ trong bối cảnh đại dịch Covid-19" sẽ góp phần tiếp tục khẳng định vai trò và đóng góp của Việt Nam tại các khuôn khổ đa phương.

Cũng như trong các nỗ lực của khu vực và toàn cầu về thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh