Phòng, chống các bệnh tiêu hóa thường gặp ngày Tết
- Sức khỏe
- 00:23 - 10/02/2016
Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Quang cho biết, ngày Tết đi kèm với rất nhiều phiền toái và rủi ro liên quan đến vấn đề ăn uống, thực phẩm.
Đầy bụng ngày Tết
Tết gắn liền với mâm cao cỗ đầy, thịt nguội, bánh chưng, dưa hành củ kiệu… Những bữa ăn này rất "nặng" về số lượng và "lạ" về chất lượng. Nặng là một bữa ăn rất nhiều món, nhiều thịt mỡ, nhiều calories. Nặng còn do dồn dập, bữa trước chưa qua bữa sau đã đến. Nhiều khi đến nhà bà con bạn bè dù đã no nhưng vì nể tình lại phải cố ăn.
Duy trì những bữa ăn như thế này suốt dịp Tết là nguyên nhân gây nên tình trạng đầy bụng, khó chịu. Hệ tiêu hóa bị quá tải nghiêm trọng. Dạ dày phải nỗ lực co bóp để nghiền nát đủ thứ thức ăn đang chen chúc bên trong. Tình trạng tăng áp suất trong dạ dày cũng như trong ổ bụng là cơ chế gây ra các triệu chứng trên. Một hậu quả thường thấy của sự tăng áp suất này là trào ngược dạ dày thực quản hoặc nôn ói. Không phải ngẫu nhiên mà các bệnh nhân bị trào ngược luôn được khuyến cáo phải ăn từng ít, đừng ăn nhiều quá.
Mặt khác dạ dày còn phải đối phó với "lạ". Những vật liệu lạ (hải sản, thịt rừng, thú hoang dại) được chế biến lạ (ăn tươi sống, tái, tiết canh…) kèm với những thức uống lạ (rượu thuốc, rượu bổ, rượu gia truyền...) khiến dạ dày phải gia tăng hoạt động. Điều này nhanh chóng góp phần gây nên sự đầy bụng, khó tiêu.
Một thực trạng ở nước ta hiện nay là tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP rất cao, lên đến 70% dân số. Với tình hình vệ sinh thực phẩm và môi trường yếu kém như hiện nay, số người bệnh dạ dày rất cao. Một số lớn bệnh nhân không có biểu hiện gì rõ ràng nhưng những dịp vui thế này là yếu tốt thúc đẩy để căn bệnh tiềm ẩn nhanh chóng xuất hiện.
Ăn quá nhiều đạm trong ngày Tết dễ gây đầy bụng
Đau bụng ngày Tết
Đầy bụng gây khó chịu không ít nhưng thường bệnh nhân vẫn có thể chịu được. Cách giải quyết tự phát đơn giản, nhưng cũng khá hiệu quả là ngưng ăn hoặc tìm cách để ói ra cho bằng hết. Một khi bao tử trở nên xẹp lép, triệu chứng đầy bụng sẽ giảm ngay.
Đáng tiếc một số trường hợp cơn đau ngày càng tăng lên và không giảm dù người bệnh chẳng dám ăn nữa hoặc đã nôn ói rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng liên quan đến một bữa ăn thịnh soạn. Trước hết cần loại trừ ngay tình trạng viêm dạ dày cấp do virus/vi khuẩn hay do các độc tố. Bộ ba đau bụng - nôn ói - tiêu chảy là một gợi ý cho tình trạng viêm dạ dày - ruột cấp. Ở người lớn, Norovirus là một tác nhân gây bệnh có khả năng lây mạnh qua tay và qua nguồn nước.
Việc chế biến và bảo quản thức ăn không hợp lý là nguyên nhân khác làm nảy sinh các chất độc trong thức ăn. Việc dư thừa thức ăn, hâm tới hâm lui trong mấy ngày Tết là rất phổ biến và nếu cảm thấy thức ăn bị biến chất thì cần bỏ đi.
Ở phương Tây, đau bụng sau một bữa tiệc làm người ta nghĩ ngay đến vấn đề sỏi mật. Ở Việt Nam, bệnh sỏi mật cũng khá phổ biến nhưng thường là sỏi ống mật hơn là túi mật. Tuy nhiên, cả hai loại sỏi này đều có thể gây nên một cơn đau quằn quại, mà danh từ chuyên môn là “cơn đau quặn gan” thường khởi phát từ một bữa ăn nhiều mỡ.
Một nguyên nhân khác cũng hay gây đau bụng nghiêm trọng sau ăn quá no là viêm tụy cấp. Bệnh hay gặp trên các bệnh nhân bị tiểu đường hay đã có sẵn tiền căn viêm tụy mãn. Đau thượng vị ra sau lưng kèm theo nôn ói nhiều là triệu chứng gợi ý viêm tụy cấp.
Trong cả ba trường hợp, việc điều trị đều nằm ngoài tầm tay của người bệnh và thường phải cần đến bác sĩ hay bệnh viện để có thể tìm ra nguyên nhân và xử trí. Điều trị các chứng này đều đơn giản và chỉ cần vài ngày nằm viện nhưng sẽ ảnh hưởng đến việc vui chơi Tết.
Đói bụng ngày Tết
Giới trẻ chưa có gia đình thường coi Tết là một dịp để phát huy tinh thần tự do bằng cách chơi game, chơi bài bất kể giờ giấc ăn uống. Việc bỏ bữa không ai để ý này dẫn đến tình trạng ngược đời là thiếu ăn trong ngày Tết. Đã có những đứa trẻ vui sướng vì có tiền và miệt mài trong các tiệm game cho đến khi ngất hoặc thậm chí tử vong. Do vậy phụ huynh nên chú ý, đừng để con em mình bị “đói”trong ngày Tết.