CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:09

Đổi mới trên quê hương Đồng Khởi

 

* Xin ông cho biết, sau 42 năm giải phóng, kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đã có những thay đổi cơ bản như thế nào?

Ông Cao Văn Trọng: - Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bến Tre cũng như các tỉnh, thành phố của cả nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong khắc phục hậu quả chiến tranh, chăm lo phát triển kinh tế và kiến thiết tỉnh nhà. Với xuất phát điểm thấp của nền kinh tế, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cùng với tình trạng thiếu lương thực và thiên tai công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gần như chưa có gì ngoài các cơ sở xay xát lúa gạo, ép dầu dừa thô; hệ thống hạ tầng xuống cấp và hư hỏng nặng; các công trình công cộng như công sở, trạm y tế, trường học,... đều tạm bợ. Nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, quân và dân trong tỉnh, 42 năm sau giải phóng, Bến Tre đã có những đổi mới tiến bộ và đạt được một số thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội như: Quy mô kinh tế của tỉnh đến cuối năm 2016 đạt 35.820 tỷ đồng, tăng gấp 62,9 lần so với năm 1976 ( 568.924 ngàn đồng), GRDP bình quân đầu người đạt 28,3 triệu đồng (năm 1976 là 477 đồng). Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức hợp lý, trong đó tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 5,64%/năm.


 

 Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà gia đình chính sách.

 

*Ông có thể nêu một vài chương trình trọng điểm mà tỉnh đã triển khai nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội?

- Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh Bến Tre đã và đang triển khai thực hiện một số chương trình kinh tế trọng điểm như tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh. Phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch thông qua hình thành các trung tâm thương mại hiện đại và xây dựng chợ nông thôn. Thực hiện Đề án ngành nông nghiệp gắn với xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như bưởi da xanh, dừa, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo bò, tôm biển,...Song song đó, tỉnh còn tập trung thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp - phát triển doanh nghiệp; Chương trình phát triển sinh kế cho người nghèo; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có công với cách mạng,..

* Cả nước đang hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, vậy Bến Tre đã và chuẩn bị gì để chương trình này được thực hiện tốt ?

- Hướng tới 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), bên cạnh việc tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách và các hoạt động tri ân đối với người có công với cách mạng, tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, bổ sung và xây dựng mới các công trình nhà ở cho người có công; đẩy mạnh công tác quyên góp, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa; tăng cường công tác quản lý, thu thập thông tin và tìm mộ liệt sĩ; họp mặt, thăm hỏi gia đình người có công với cách mạng; họp mặt sinh hoạt truyền thống cho hội viên Hội Phụ nữ kết hợp đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đội quân tóc dài; tổ chức khám, sàng lọc bệnh cho thương binh, bệnh binh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức thắp nến tri ân và thực hiện nghi lễ cầu siêu vong linh các anh hùng liệt sĩ,...

Trao quà cho trẻ em nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi.

 

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020, trong đó phấn đấu mỗi năm có 3.000 hộ có điều kiện phát triển sinh kế vươn lên thoát nghèo bền vững, tập trung thực hiện các hoạt động hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập như ưu đãi vốn vay, hướng dẫn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, kỹ năng quản lý chi tiêu và các chính sách hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch - vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý,...

Về thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Mục tiêu năm 2017 có 86% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; 71% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, tỉnh Bến Tre tiếp tục tập trung thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em; triển khai kế hoạch thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; phòng, chống đuối nước ở trẻ em vùng sâu, vùng bãi ngang ven biển,... Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các hội quan tâm, thực hiện một số hoạt động về bảo vệ và chăm sóc trẻ em, góp phần tạo môi trường lành mạnh cho trẻ phát triển nhanh về tri thức và thể lực.

Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thực hiện phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông gắn với mục tiêu “Đồng Khởi khởi nghiệp”. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác hướng nghiệp, giáo dục và tư vấn định hướng nghề nghiệp. Tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn; nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội.

* Xin ông cho biết những kỷ niệm, những câu chuyện đáng nhớ của mình về Ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975?

- Vào thời khắc thiêng liêng khi Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân miền Nam giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, lúc đó tôi mới 14 tuổi, sống ở vùng quê. Tuy không trực tiếp tham gia kháng chiến, nhưng tôi được sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, cả ba mẹ và anh trai tôi đều tham gia cách mạng. Cha tôi tham gia du kích xã, bị bắt, tù đày và mất khi tôi mới 2 tuổi. Mẹ tôi một mình vất vả lao động, đảm nhận vai trò vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi dạy anh em tôi và tiếp tục tham gia làm cơ sở nuôi giấu cán bộ và giao liên cho Huyện ủy. Sự mất mát tình thân yêu từ người cha đã để lại trong ký ức tuổi thơ tôi một nỗi buồn và sự căm ghét chiến tranh vì nó đã liên tục làm nhiều người thân của gia đình thoát ly và hy sinh. Nên khi hòa bình lập lại, từ giây phút lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Dinh Độc Lập và toàn miền Nam hát vang bài ca chiến thắng, thống nhất đất nước, niềm vui mừng trong tôi không thể nào tả nổi. Và cũng từ đó, tôi được đi học và được đào tạo trở thành cán bộ như bây giờ. Chính vì thế, tôi luôn tâm niệm, phải phấn đấu đóng góp công sức cho sự phát triển tỉnh nhà, đáp ứng kỳ vọng của nhiều người đã ngã xuống trên mảnh đất Bến Tre này. Đã 42 năm qua đi kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng với riêng tôi và trong ký ức của mỗi người Việt Nam - những người được chứng kiến thời khắc thiêng liêng, vĩ đại của dân tộc thì niềm vui mừng, hân hoan tột độ vẫn vẹn nguyên khi Quốc kỳ Việt Nam tung bay trên Dinh Độc Lập. Những ai đã trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, đất nước hai miền chia cắt mới cảm nhận sâu sắc về giá trị và ý nghĩa to lớn  ngày đại thắng 30/4/1975 của dân tộc. Từ đó, mới trân trọng giá trị quý báu to lớn của những năm tháng hòa bình và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

*Trân trọng cảm ơn ông.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh