THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:18

Đổi mới, nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế

 

Chưa có kiểm định về chất lượng đào tạo

Hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế của Việt Nam đang đứng trước không ít những khó khăn thách thức từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, dân số tăng và già hóa, đòi hỏi chuẩn mực chăm sóc sức khỏe cao hơn cả về số lượng đến mô hình bệnh tật thay đổi theo xu hướng tỉ lệ các bệnh không lây nhiễm gia tăng liên tục ở mức cao. Ngoài ra, Việt Nam đã ký thỏa thuận khung công nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực ASEAN về các lĩnh vực Y khoa, Nha khoa và Điều dưỡng đòi hỏi Nhà nước phải công bố chuẩn năng lực cơ bản cho từng đối tượng và tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo các chuyên gia y tế, mặc dù là ngành y liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, tuy nhiên hiện nhiều tiêu chí đối với chuyên ngành đào tạo này chưa được chú trọng đúng mức. Tiêu chí thành lập cơ sở đào tạo y tế còn đơn giản, chuyên môn của giảng viên chưa được đánh giá. Hiện cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo y khoa chưa rõ ràng, mới ở mức kiểm định cơ sở đào tạo mà chưa tiếp cận đến chương trình đào tạo; đánh giá sinh viên nặng về kiến thức thay vì năng lực, kỹ năng thực hành. Trong lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề chưa có cơ chế rõ ràng để kiểm soát chất lượng khi không thi sát hạch; cấp một lần được sử dụng vĩnh viễn; cơ chế giám sát đào tạo liên tục kém hiệu quả, không kiểm định…

Cùng với đó, tình trạng chênh lệch về số lượng, chất lượng và sự phân bố cán bộ y tế giữa các vùng, miền thiếu đồng đều đến nay vẫn là một bài toán nan giải. Một số chuyên ngành như truyền nhiễm, tâm thần, xét nghiệm, y tế dự phòng thiếu bác sĩ cả ở các đơn vị trung ương và địa phương. Sự chênh lệch về chất lượng các dịch vụ y tế giữa các vùng miền đang là vấn đề lớn cần quan tâm khi dịch vụ y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo còn ở mức độ thấp so với vùng đồng bằng, thành thị. Điều đó dẫn tới chỉ số về sức khỏe của người dân có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền.

 

Sinh viên y tế vẫn yếu về kỹ năng thực hành

 

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, công tác đào tạo nhân lực y tế hiện nay chưa có đánh giá khách quan, độc lập (các trường tự ban hành chuần đầu ra, chấm điểm và công bố đạt). Trong đào tạo còn lẫn giữa năng lực nghiên cứu và năng lực khám chữa bệnh. Vai trò cốt lõi của đào tạo y (năng lực khám chữa bệnh) chưa được hệ thống bằng cấp nhìn nhận đúng mức. Phương pháp đào tạo nặng về truyền đạt kiến thức, chưa thực sự thiết kế để tạo ra năng lực...

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản về đào tạo hiện hành còn thiếu những quy định cho đào tạo nhân lực y tế; việc phân bổ nguồn nhân lực y tế chưa hợp lý, thiếu về số lượng, không đồng đều về chất lượng giữa các vùng, các tuyến. Ngoài ra, việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ y tế chưa tốt còn xảy ra tiêu cực, gây phiền hà đối với người bệnh. Một số cán bộ y tế mặc dù đã được tập huấn, nhưng còn cứng nhắc, không thân thiện trong giao tiếp, ứng xử với người bệnh…

Đổi mới mô hình đào tạo nhân lực y tế

Hiện việc xây dựng mô hình đổi mới đào tạo y khoa tại Việt Nam được tổ chức theo hướng nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế với điểm thay đổi chính là phân định rõ hai hướng đào tạo là hệ nghiên cứu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và hệ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết,  Bộ Y tế đã nghiên cứu, đề xuất mô hình đổi mới đào tạo nhân lực y tế và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam, trong đó đào tạo y khoa có bác sỹ y khoa và bác sỹ chuyên khoa, theo đó bác sỹ y khoa tương đương trình độ thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa tương đương trình độ tiến sỹ.Bộ cũng đã hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về việc tổ chức thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe và trình Chính phủ xem xét ban hành; triển khai xây dựng các tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường quản lý chất lượng đào tạo thông qua giám sát thường xuyên, kiểm định chất lượng đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về nhân lực y tế. Đồng thời,  phối kết hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác chỉ đạo và quản lý chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế. Năm 2016, Bộ đã hoàn thành xây dựng và ban hành Chuẩn năng lực cơ bản của Bác sỹ Răng Hàm Mặt, tiếp tục triển khai xây dựng Chuẩn năng lực cơ bản các ngành Y tế công cộng, Dược, Dinh dưỡng; phát triển mạng lưới đào tạo liên tục cán bộ y tế để triển khai thực hiện đào tạo liên tục cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế. Bên cạnh  việc tiếp tục triển khai Dự án Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, Bộ tổng hợp nhu cầu nhân lực y tế trên cơ sở báo cáo và đề xuất của các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Đông Nam Bộ để đề xuất và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân cho các khu vực này. 

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh