CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:24

“Đôi chân gỗ” phi thường

 

Được sinh ra trên một vùng quê nghèo, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn thì bất hạnh lại ập lên anh Vỹ. Năm lên 4 tuổi, một cơn bạo bệnh đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân lành lặn, khiến anh phải chống gậy cả đời. Đến tận bây giờ, anh Vỹ vẫn rưng rưng khi hồi tưởng lại. Anh kể: “Từ hồi hai chân bị liệt, làm chi cũng thấy khó. Nhất là lúc đi học, tôi phải lê lết ngoài đường cả mấy cây số. Đường xá khi đó lầy lội dữ lắm nên bị vấp ngã hoài nhiều khi cũng nản. Ở gần nhà có người thấy tôi như thế lại coi thường, nghĩ tôi là gánh nặng cho gia đình, nên tôi hay mặc cảm, tự ti lắm”.

 

Hàng trăm sản phẩm như được thổi hồn qua bàn tay của anh Lê Tiến Vỹ.

 

Học xong lớp 9, vì gia đình khó khăn, trường mới lại quá xa, nên anh xin ba mẹ nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Một lần tình cờ, anh đi ngang qua một xưởng gỗ và bị cuốn theo những động tác đục, dũa điêu luyện của những người làm mộc. Từ đó, anh xin đi học nghề. Sau 16 năm học tập và rèn luyện tay nghề, anh bắt đầu mở riêng cho mình xưởng điêu khắc gỗ mang tên Lạc Việt. Đầu tiên, anh tập hợp những thanh niên có điều kiện khó khăn hoặc chưa có công ăn việc làm sang đào tạo nghề miễn phí. Rồi từ đó, anh bắt đầu tìm đầu ra cho sản phẩm.

Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm kinh doanh, khách hàng chưa có nên anh gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lần anh phải lặn lội nhiều nơi từ Hội An ra Đà Nẵng và một số tỉnh khác,.. với mong muốn mặt hàng của mình được đón nhận. Anh Vỹ cho biết: “Việc gì cũng có khó khăn nhất định của nó. Nhưng nhiều khi gặp nhiều bất trắc tôi cũng buồn lòng nhiều. Nhưng tôi biết, xung quanh tôi có gia đình, bạn bè và bà con lối xóm luôn luôn ủng hộ, đó là động lực lớn nhất để tôi vượt qua tất cả mà đứng lên”..

Thế rồi, ông trời không phụ người có tâm, những cố gắng của anh Vỹ cuối cùng cũng  được đền đáp. Sau 7 năm thành lập, cơ sở điêu khắc Lạc Việt của anh ngày càng ăn nên làm ra. Sản phẩm của anh dần tạo được danh tiếng, nhận được đơn đặt hàng của các thương nhân trong và ngoài tỉnh.Các sản phẩm ở đây khá đa dạng, bao gồm các bức phù điêu, tượng,.. được chạm khắc cẩn thận và tinh tế. Ngoài ra anh Vỹ cũng nhận đóng khung cửa, giường gỗ, bàn ghế,... phục vụ cho các chùa chiền, doanh nghiệp và những người đam mê sản phẩm từ gỗ. Khấu trừ toàn bộ chi phí, ước tính mỗi năm gia đình anh thu lãi hơn 300 triệu đồng.

 

Học viên ở cơ sở Lạc Việt được đánh giá là lực lượng có trình độ chuyên môn cao.

 

Với 20 thành viên, gồm 6 thợ chính và 14 học viên đa phần còn trong độ tuổi thiếu niên. Anh Lê Tiến Vỹ được xem là một trong những người có công lớn trong việc “cảm hóa” nhiều thanh niên ham chơi, lêu lỏng trong vùng có công ăn việc làm. Nhờ chiếc “cần câu” và sự giúp đỡ tận tình của anh Vỹ, nhiều bạn trẻ đã thay đổi bản thân chăm lo làm việc. Với mức lương 6-7,5 triệu/tháng cho thợ lành nghề và 3 triệu/ tháng cho học viên, anh Vỹ đã giúp cho họ thay đổi hoàn toàn cuộc sống, cải thiện kinh tế gia đình. Cũng chính vì thế mà anh luôn được mọi người yêu mến.

Anh Nguyễn Văn Á (23 tuổi), một trong những người được anh Vỹ cưu mang cho biết: “Em học tới lớp 7 thì phải nghỉ học, ở nhà không biết làm chi. May nhờ anh Vỹ  tận tình giúp đỡ cho em cái nghề. Trong 7 năm làm việc ở đây, anh Vỹ đã chỉ dạy cho em rất nhiều điều từ công việc đến phương châm sống, em rất lấy lòng biết ơn”.

Hoài bão lớn nhất của nhà điêu khắc khuyết tật này chính là mở rộng thêm cơ sở để đào tạo, giúp đỡ thêm nhiều người khác có công ăn việc làm. Nhất là những thành phần cá biệt, thất nghiệp trong vùng và những người có hoàn cảnh như anh.

Anh Lê Tiến Vỹ là một trong những tấm gương “tàn nhưng không phế”, không ngừng phấn đấu vượt qua bệnh tật để vươn lên làm giàu. Tinh thần thép đó rất đáng để học tập và noi theo.

Hồ Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh