THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:21

Đổi 1.000 nhà vệ sinh, Hà Nội có 'loạn' quảng cáo?

 

Các NVSCC của Hà Nội trong tình trạng vừa thiếu, vừa bẩn thỉu. Ảnh: Tú Anh
UBND thành phố Hà Nội vừa đồng ý về chủ trương để Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing (Công ty Vinasing), triển khai dự án đầu tư 1.000 NVSCC; 10 xe bồn chuyên dụng; 50 cây lọc nước tự động uống trực tiếp và 200 ghế đặt tại các nơi công cộng để phục vụ cộng đồng. Đổi lại Công ty Vinasing được khai thác quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn thành phố trong 10 năm để thu hồi vốn. Đồng thời, chịu trách nhiệm duy tu, duy trì các cầu vượt theo quy định.
Thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị liên quan và nhà đầu tư khảo sát địa điểm đặt NVSCC. Còn Sở Văn hóaThể thao hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện việc khảo sát, thiết kế quảng cáo tại các địa điểm cụ thể. Đồng thời, rà soát và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quảng cáo tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Minh Thơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinasing cho biết, doanh nghiệp sẽ tự bỏ tiền để đầu tư 1.000 NVSCC bàn giao cho Hà Nội. “Chúng tôi chỉ chi tiền còn việc thiết kế, thi công phải thuê các đơn vị có chuyên môn”, ông Thơ cho biết.
Theo lãnh đạo Công ty Vinasing, đơn vị đang gấp rút thực hiện mẫu NVSCC để trình thành phố phê duyệt. Phương án mà doanh nghiệp này đưa ra là có hai loại NVSCC với diện tích gần 7m2 và loại 4 m2. “Số vốn để đầu tư cho 1.000 NVSCC này khoảng trên 100 tỷ đồng, chúng tôi không chỉ thực hiện ở Hà Nội mà còn đề xuất với TPHCM để xây 1.000 NVSCC”, đại diện Công ty Vinasing cho hay.
Tránh nơi thừa, nơi thiếu
Về yêu cầu trang thiết bị của 1.000 NVSCC, Hà Nội đưa ra tiêu chí là phải đồng bộ về trang thiết bị, đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan của từng địa điểm. “Hiện mẫu NVSCC của nhà đầu tư chưa trình thành phố phê duyệt, còn về địa điểm lắp đặt Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang khảo sát. Nhưng ở TPHồ Chí Minh, nhà đầu tư đưa ra phương án các NVSCC được thiết kế dạng lắp ghép (bán kiên cố), không phải đào bới đường. Hệ thống xử lý nước, xả thải, môi trường thông qua xe bồn. Thời gian thực hiện dự án khoảng 10-12 tháng”, một quan chức cho biết.
Trao đổi với phóng viên, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc Hà Nội cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa là rất cần thiết trong bối cảnh thành phố rất thiếu NVSCC. “Cho doanh nghiệp làm NVSCC là tốt nhưng cần phải có quy hoạch, bố trí địa điểm lắp đặt khoa học, hợp lý. Con số 1.000 NVSCC là rất lớn nên phải có quy hoạch về địa điểm đặt 1.000 NVSCC này ở đâu, nơi nào. Chứ không rồi sẽ xảy ra tình trạng có nơi nhiều quá, nơi thiếu quá. Hơn nữa, địa điểm này phải do cơ quan chức năng giới thiệu trên cơ sở đúng quy hoạch chứ không để cho doanh nghiệp tự làm”, ông Tùng phân tích.
Theo KTS Tùng, mẫu thiết kế NVSCC cũng cần phải thống nhất, tránh tình trạng mỗi doanh nghiệp làm một kiểu. Trong đó, phải tính đến việc tiết kiệm diện tích lắp đặt NVSCC (10 - 20m2). “Doanh nghiệp bỏ tiền ra họ phải có lợi nhưng cho quảng cáo trên các cầu vượt phải nằm trong sự kiểm soát, không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Hơn nữa, vì Hà Nội đang lập lại trật tự về tình trạng bát nháo trong quảng cáo thì việc cho phép doanh nghiệp khai thác quảng cáo ở những vị trí này phải xem xét kỹ lưỡng”, ông Tùng nói.      
Theo Sở Xây dựng, toàn thành phố có 340 NVSCC, trong đó có 236 nhà xây cố định, phân bố trong các ngõ xóm, khu tập thể cũ và 104 nhà vệ sinh bằng thép được đặt trên đường phố, nơi vui chơi giải trí, điểm chờ xe buýt.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh