Đoàn đại biểu Bộ LĐ-TB&XH tham dự Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC tại Hoa Kỳ
- Tây Y
- 06:47 - 23/08/2023
Các nội dung tại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm nay được thảo luận xoay quanh chủ đề “Tạo dựng một tương lai kiên cường và bền vững” với 4 ưu tiên chính: 1) xây dựng cơ sở hạ tầng chăm sóc; 2) thu hẹp khoảng cách số về giới; 3) mối tương quan giữa bình đẳng giới và biến đổi khí hậu; 4) đảm bảo công bằng, bình đẳng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu khai mạc, bà Jen Klein, Trợ lý Tổng thống Hoa Kỳ, nhấn mạnh các mục tiêu của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm nay có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đã và đang phải trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu mang lại, trong đó phụ nữ và trẻ em gái luôn thuộc nhóm đối tượng bị tổn thương nhiều nhất và bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nghiên cứu được thực hiện gần đây đã chỉ ra rằng việc thu hẹp khoảng cách giới trong lực lượng lao động có thể bổ sung từ 12 đến 28 nghìn tỷ đô la Mỹ vào GDP toàn cầu trong một thập kỷ. Vì vậy, sự hợp tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế thành viên APEC, với các đối tác đa phương, đặc biệt là với khu vực tư nhân càng trở nên cần thiết để APEC có thể vượt qua những thách thức hiện nay, đồng thời giải quyết các khoảng cách về giới trong kinh tế, vì sự thịnh vượng và ổn định trên toàn khu vực.
Tại Phiên Đối thoại chính sách cấp cao diễn ra trong khuôn khổ của Diễn đàn, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã có bài phát biểu chia sẻ những thành tựu của Việt Nam, đồng thời truyền đi những thông điệp đầy ý nghĩa. Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2023 diễn ra khi mà tất cả 21 nền kinh tế thành viên đang phải đối mặt với những thách thức gia tăng của biến đổi khí hậu cùng với những rủi ro về thiên tai và môi trường, Việt Nam cũng như các nền kinh tế khác đang nỗ lực tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tăng cường các cơ hội thụ hưởng cho người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương nhất. Trong tiến trình này, việc phát huy vai trò bình đẳng của phụ nữ qua tiếng nói, sự tham gia và lãnh đạo ở cả khu vực công lẫn khu vực tư nhân có ý nghĩa quan trọng. Việc tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đã được đưa vào trong các chiến lược, chương trình, đề án lớn. Công tác triển khai thực hiện cũng gắn liền với các khuôn khổ chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, bình đẳng giới còn được lồng ghép và thúc đẩy trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia cụm liên kết chuỗi giá trị, tiếp cận tài chính và các mô hình sản xuất xanh. Các nỗ lực trên đã góp phần bước đầu đưa lại những tiến bộ đáng khích lệ.
Để tiếp tục duy trì các thành tựu đã đạt được, đảm bảo vai trò chủ thể của phụ nữ trong quản trị, vận hành nền kinh tế xanh, các thành viên APEC cần tiếp tục đoàn kết, chung tay hành động, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và ủng hộ lẫn nhau. Việt Nam sẵn sàng tham gia, phối hợp trong các sáng kiến vì tương lai bền vững, bình đẳng cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực. Phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã được ghi nhận và đánh giá cao tại phiên Đối thoại.
Các nội dung phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà và các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã được tiếp thu, chắt lọc và đưa vào Tuyên bố của Chủ tịch Diễn đàn. Tuyên bố phản chiếu con đường phía trước của APEC trong việc thúc đẩy sự tham gia kinh tế của phụ nữ; đề ra các định hướng cho các nền kinh tế thành viên trong việc triển khai thực hiện Lộ trình La Serena về Phụ nữ và Tăng trưởng bao trùm. Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn cũng cam kết tạo ra các chính sách chăm sóc và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng; gắn kết nam giới và trẻ em trai trong việc gánh vác và chia sẻ trách nhiệm bình đẳng; hỗ trợ cải cách chính sách mạnh mẽ có đáp ứng giới hơn; và giải quyết khoảng cách kỹ thuật số theo giới.
Tiếp theo Đối thoại chính sách cấp cao là Phiên họp chung lần đầu tiên giữa các Bộ trưởng/Trưởng đoàn phụ trách về phụ nữ & kinh tế và các Bộ trưởng/Trưởng đoàn phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cùng tham dự Phiên họp. Các nội dung được thảo luận tại Phiên họp chung là: mở rộng khả năng tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; thúc đẩy phụ nữ kinh doanh thông qua thương mại điện tử; các nhà sáng tạo nữ và vấn đề biến đổi khí hậu.
Phiên Đối thoại chính sách cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế và Phiên Đối thoại chung giữa hai Bộ trưởng đã thành công tốt đẹp, khép lại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2023 với nhiều kết quả và dấu ấn.