Độ tuổi thích hợp cho bé đi nhà trẻ?
- Y học 360
- 14:17 - 08/03/2021
Việc quyết định đưa trẻ tới trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như gia đình không có người chăm sóc, trẻ cứng cáp, dễ thích nghi, ham học hỏi hoặc bố mẹ muốn cho con có môi trường được giao lưu học hỏi và va chạm nhiều hơn.
Đi nhà trẻ (mẫu giáo) là tạo một không gian xã hội khác gia đình, nơi đó vừa mang những lợi ích cho sự phát triển, cũng vừa mang những tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe.
Lợi ích: bé có cơ hội giao tiếp xã hội, độc lập, học hỏi, vui chơi bài bản, khoa học.
Nguy cơ: Gần đây, Gs.Bs. Saltz, BV New York, Mỹ cho biết: nhà trẻ cũng tiềm ẩn các nguy cơ như bệnh (cúm, và các bệnh nhiệt đới), stress (có sự liên quan giữa gia tăng tỷ lệ táo bón với tỷ lệ stress, tối về ngủ hay mơ và khó ngủ).
Tuổi nào thích hợp đi nhà trẻ?
Nhiều nơi chấp nhận tuổi mẫu giáo là 2 tuổi và nhiều cha mẹ cho bé đi sớm hơn vì tính chất công việc của cha mẹ các bé. Ở Anh, chấp nhận các bé từ 3-4 tuổi là độ tuổi nên học mẫu giáo của các bé, tuy nhiên ở 1 số địa phương ở Scotland có thể chấp nhận 2 tuổi (nhưng rất hạn chế).
Theo báo cáo của Gs.Bs. Anna, chuyên gia tâm lý trẻ em cho biết: chưa có độ tuổi tốt nhất cho bé đi nhà trẻ. Theo Gs. Anna: "Độ tuổi hiện nay được các nước đồng ý, kể cả Mỹ, là phù hợp và mang nhiều lợi ích cho bé là 3 tuổi, nhưng tùy một số địa phương, tính chất công việc, và sự phát triển của trẻ mà có thể điều chỉnh sớm hơn, nhưng tốt nhất là không nhỏ hơn 2 tuổi."
Việc chọn độ tuổi thích hợp cho bé đi nhà trẻ là phụ thuộc vào sự phát triển não bộ và những kĩ năng giao tiếp tối thiểu của bé. Phải đạt được 2 điều này mới mang lại nhiều lợi ích cho việc đi mẫu giáo, nếu không sẽ mang nhiều tác hại hơn là lợi ích, đặc biệt về tâm lý của các bé.
Gs.Linda, ĐH de Montréal, chuyên gia cố vấn giáo dục sớm cho Bộ Giáo dục Canada cho biết 2 yêu cầu cần phải có của 1 trường mẫu giáo:
Thứ nhất: không phải là nơi học CHỮ hoặc VIẾT là chính. Điều này có nghĩa là nơi này học chữ và viết là phụ, vui chơi và các hoạt động xã hội, giao tiếp để phát triển kĩ năng cho các bé là chính. Học chữ và viết là dành cho tiểu học.
Thứ hai: Các chương trình giáo dục trên máy tính và TV là dưới 2 tiếng/ngày. Gs. Linda cho biết: "chúng tôi không khuyến khích dùng nhiều chương trình TV, video, hoặc game máy tính trong các trường mẫu giáo, dù là cho mục đích giáo dục vì nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng : việc gia tăng 1.5 giờ/ngày tương tác trên các thiết bị điện tử này ở các bé trên 2.5 tuổi thì sẽ giảm khả năng đọc hiểu và tư duy cho các bé khi bước vào lớp 1".
Do đó, cha mẹ nên tìm các nhà trẻ ít sử dụng các thiết bị điện tử trong giảng dạy là tốt nhất, họ nên có những chương trình tương tác xã hội và giao tiếp với bé là chính.
Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), trẻ đi đến nhà trẻ trước 18 tháng thì dễ bệnh vặt, còn đi trễ sau 2, 3 tuổi thì khó hòa nhập và có thể chậm nói. Quan trọng nhất, phụ huynh cần phải chuẩn bị trước khi đưa trẻ tới lớp và quan sát tâm lý sau khi trẻ tới lớp.
Trước khi khi đưa trẻ tới lớp, để tránh những bệnh vặt trẻ có thể mắc phải thì phụ huynh cần phải cho trẻ chích ngừa đầy đủ, vẫn tiếp tục cho trẻ bú mẹ để tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần phải rèn giờ ngủ, rèn giờ ị, rèn trẻ tự múc ăn, rèn cầm muỗng, giải thích cho bé vì sao nên đi nhà trẻ, nếu cần có thể cho trẻ đến nhà trẻ chơi trước hay đi nửa buổi cho trẻ làm quen.
Dấu hiệu nào biết trẻ chưa sẵn sàng đi mẫu giáo?
Đi mẫu giáo sẽ là lợi ích nếu bé có đủ 2 yếu tố phát triển là não bộ và 1 vài kĩ năng giao tiếp tối thiểu.
Nếu bé có 1 hoặc cả 2 dấu hiệu sau đây là vẫn chưa nên cho đi nhà trẻ sớm, nên để 1 thời gian (2-3 tháng nữa) thì hãy quyết định.
Nếu bé chỉ thích bám vào mẹ, ít hoạt động và ít chơi với các bé khác gần nhà, hoặc cả người thân khác ngoài mẹ; Bé vẫn chưa biết 1 số kĩ năng cơ bản như nói bập bẹ, biết kêu mẹ khi đi vệ sinh, biết tự mang giày, dép, quần, đầm (nhưng áo có thể chưa biết vì não bộ chi phối kĩ năng phần trên sẽ trễ hơn), biết tự nhai.
Làm gì để khuyến khích bé đi mẫu giáo
Tuần đầu tiên đi mẫu giáo có lẽ làm bé rất nhiều áp lực vì bé phải làm quen với nhiều cái mới và nhiều người lạ. Cha mẹ có thể làm giảm áp lực cho bé bằng các cách sau:
Vì vậy, hãy giành 2 tuần trước ngày đi nhà trẻ để nói về các hoạt động trong lớp mẫu giáo sẽ có. Cụ thể như có cô giáo, có bạn học, có đồ chơi, con phải xin đi vệ sinh khi con mắc tiểu. Ở Anh, cha mẹ thường dẫn bé đến 1 số lớp mẫu giáo mà họ định cho bé học để xem và chơi cùng 10-15 phút để các bé quen dần không khí trước ngày đi mẫu giáo chính thức.
Luôn hỏi bé về việc liêu con có chia sẻ đồ chơi với mẹ không khi chơi cùng bé ở nhà.
Buổi sáng ngày đến trường thì khuyến khích bé tự mặc đồ, tự lấy balo, tự đánh răng và lấy món đồ chơi mà bé yêu thích muốn mang theo. Bạn đừng làm dùm bé.
Đừng đến trường quá sớm, đợi có cô giáo và các bạn khác đã đến, nói với bé là bạn sẽ đến đón bé và tạm biệt bé nhẹ nhàng và bước đi nhanh, đừng nhìn lại. Bé sẽ sớm hòa nhập vào lớp, Theo những nghiên cứu, Gs. Anna nói: nếu bạn nhìn lại làm bé khó hòa nhập với lớp hơn, bé sẽ ngồi 1 góc chỉ ôm đồ chơi và chờ bạn đến đón.
Phương pháp giáo dục sớm
Theo xu hướng thế giới, tại Việt Nam cũng có một số phương pháp giáo dục đã có mặt như Steiner, Montessori và Reggio emilia. Vậy phương pháp nào là tốt nhất cho bé?
Theo Gs.Laura, chuyên gia giáo dục Bartimore, Mỹ cho biết: không có phương pháp giáo dục nào là tốt nhất, mà phải hỏi là phương pháp nào là phù hợp với bé.
Lời khuyên là cha mẹ nên đến trường tìm hiểu về phương pháp giáo dục, thiết bị trong lớp và dẫn bé đến học vài buổi thử trong lớp, để bé làm quen với dụng cụ sử dụng trong lớp. Bên cạnh đó bạn cũng xem xét cách mà bé vui thích và phát triển, trước khi quyết định phương pháp nào phù hợp với bé.