CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:22

“Đỏ mắt” tìm sữa giá trần

Loạn giá sữa

Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, hiện nay giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đang bán vượt giá trần và mỗi nơi một giá. Điển hình là sản phẩm sữa Similiac Gain Plus IQ. Giá niêm yết sản phẩm này trong siêu thị là 790.000 đồng/hộp/1,7kg, nhưng mức trần bán lẻ được cho phép chỉ 712.000 đồng/hộp/1,7kg. Dễ thấy, mỗi đứa trẻ ăn 1 hộp sữa này người bán hàng đương nhiên thu lợi 78.000 đồng, chưa kể phần chiết khấu mà họ được hưởng.  Tại một đại lý sữa ở Hà Nội, cũng loại sữa Similiac Gain Plus IQ hộp 1,7 kg không niêm yết giá nhưng khi có khách hỏi mua chủ cửa hàng cho biết, giá hộp sữa này là 750.000 đồng, không tính VAT… So với mức giá trần đã bao gồm 10%  VAT, mức giá này đắt hơn 38.000 đồng/hộp.

Nhiều người thường xuyên mua mặt hàng sữa qua mạng vẫn cho rằng, giá bán trên mạng sẽ rẻ hơn so với cửa hàng vì không phải tốn chi phí thuê mặt bằng, nhân công. Khi khảo sát một số website bán sữa Similiac Gain Plus IQ hộp 1,7 kg trên mạng hiện thị mỗi nơi một giá. Mức thấp nhất là 700.000 đồng/hộp, thậm chí có những trang mạng bán với giá cao ngất ngưởng: 810.000 đồng/hộp.

Giá sữa hiện mỗi nơi bán một giá, thậm chí vượt mức trần của Bộ Tài chính.

Chị Nguyễn Thanh Hương, ở Linh Đàm (Hà Nội) cho biết, khi có quy định bán sữa bột trẻ em dưới 6 tuổi theo đúng giá trần người tiêu dùng rất phấn khởi. Tuy nhiên, chị đã đi khảo sát giá tại rất nhiều đại lý nhưng không tìm đâu ra cửa hàng nào bán giá rẻ bằng hoặc tương đương với mức giá trần. Thường các cửa hàng chị hỏi đều có giá cao hơn từ 10.000-50.000 đồng/sản phẩm.

Thậm chí, một số loại sữa còn chênh nhau cả 100.000 đồng/hộp. Ví dụ, dòng sữa Physiolac số 1 loại 900g, giá bán tại các cửa hàng phố Thái Hà, Trương Định dao động từ 370.000-379.000 đồng/hộp thì siêu thị B. bán giá cao ngất ngưởng, lên đến 475.000 đồng/hộp. Theo lý giải của một cửa hàng sữa trên phố Bạch Mai, giá sữa có sự chênh lệch là do người bán. Họ muốn lãi nhiều thì bán đắt, lãi ít thì bán rẻ hơn. Hoặc, tại các siêu thị, do chi phí thuê địa điểm, nhân công, quảng cáo,... nhiều nên họ phải bán ở mức cao hơn để bù đắp chi phí. 

Cơ quan nhà nước quản không xuể

Giá sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi luôn là chủ đề nóng được Quốc hội, Chính phủ quan tâm. Thậm chí, Bộ Tài chính đã có quy định áp mức giá trần đối với mặt hàng này nhưng tình trạng mỗi nơi một giá, bán vượt giá trần vẫn ngang nhiên diễn ra.

Bà Vũ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Giá (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết, theo quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được quyền quyết định giá. Trường hợp tổ chức, cá nhân chỉ bán buôn thì kê khai giá bán buôn, chỉ bán lẻ thì kê khai giá bán lẻ,...  Khi doanh nghiệp đã kê khai giá bán lẻ tối đa thì trách nhiệm theo dõi, giám sát giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc Sở Tài chính, UBND cấp huyện, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan quản lý nhà nước khác (thanh tra thành phố, thanh tra Bộ Tài chính, thanh tra các quận,... ).

Theo bà Hằng, khi triển khai bình ổn giá sữa trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội đã giao cấp huyện xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra. Tuy nhiên, Hà Nội là địa phương có địa giới hành chính rộng, dân số đông, số lượng các tổ chức kinh doanh bán lẻ sữa rất lớn và phân bố tại nhiều nơi. Việc một số tổ chức cá nhân chưa tuân quy định về giá bán lẻ sữa theo quy định của pháp luật có thể xảy ra. Khi phát hiện thấy sự chênh lệch này, đề nghị người tiêu dùng phản ánh về Phòng Tài chính kế hoạch hoặc đội quản lý thị trường - nơi có cửa hàng bán lẻ sữa để kiểm tra xử lý theo thẩm quyền, bà Hằng cho hay.

Còn ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho rằng, tình trạng sữa loạn giá đã có từ lâu, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc. Song, việc quản lý giá sữa theo kiểu hành chính, đi kiểm tra một năm được vài lần thì không đủ để kiểm soát được. Như ở địa bàn Hà Nội, có đến hàng vạn người bán sữa, nên không thể đủ lực lượng để đi kiểm tra giá bán hàng ngày.

Khánh Vân (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh