THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:05

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5: "Bệnh" cũ tái phát

Nơi đông đúc, chỗ đìu hiu

Những ngày này, trên các con phố của Thủ đô khá thưa vắng và tĩnh lặng thì nhiều điểm di tích, khu vui chơi, giải trí lại chật kín khách. Ngay từ những ngày nghỉ đầu tiên, người dân từ khắp mọi miền đất nước đổ về Thủ đô viếng Bác. Đỉnh điểm, sáng 1/5, đông đảo người dân đã xếp hàng từ phố Ông Ích Khiêm, cách Lăng tới gần 3km. Các khu vui chơi, giải trí như Times City, Royal City, Công viên Thủ Lệ, Bảo tàng Dân tộc học..., lượng khách lên tới hàng nghìn người. Bà Phạm Thu Nga, Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hà Nội cho biết, lượng khách đổ về Công viên nước Hồ Tây trong ngày 30/4 lên tới 5.500 lượt người. Theo ông Nguyễn Việt Giao, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì, trong 2 ngày đầu nghỉ lễ (30/4 và 1/5), các khu du lịch Ao Vua, Khoang Xanh, Đầm Long, Thiên Sơn... thu hút khoảng trên 100.000 lượt khách.

Bãi biển Sầm Sơn đông nghẹt du khách trong những ngày nghỉ lễ. Ảnh: Hoàng Việt


Tại Thanh Hóa, bãi biển Sầm Sơn chật kín người. Nhiều du khách phải mang hành lý ra bãi biển và thay nhau trông vì không thuê được phòng nghỉ. Biển Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng vậy, bãi biển còn không có chỗ đứng để tắm, chật kín người. Tại Phú Yên cũng ghi nhận lượng khách tăng đột biến. Chỉ tính riêng hai khu vực có thu phí là Gành Đá Đĩa và Bãi Môn - Mũi Điện, tổng số khách ngày đầu nghỉ lễ đã là 5.000 lượt, bằng một nửa lượng khách cả đợt nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhiều điểm tham quan ở khu vực trung tâm như nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, dinh Độc Lập tấp nập khách tham quan. Phòng làm việc của cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ tại dinh Độc Lập lần đầu mở cửa thu hút lượng khách lớn đến thăm, đặc biệt là khách nước ngoài.

Ghi nhận tại các công ty lữ hành, lượng khách đi du lịch trong và ngoài nước đều tăng. Đơn cử, lượng khách do Fiditour phục vụ dịp này tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Vietrantour phục vụ trên 10.000 lượt khách, trong đó, với thị trường nội địa, các tour biển đảo thu hút khách nhất, bao gồm: Phú Quốc, Nha Trang, Côn Đảo, Đà Nẵng (miền Trung), Cô Tô, Quan Lạn (miền Bắc). Các tour quốc tế gần và giá cả hợp lý như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Australia cũng rất đông khách. Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Fiditour cho biết, tại Fiditour, không có trường hợp hủy tour, do các tour miền Trung tại Fiditour dịp lễ 30/4, 1/5 năm nay tập trung vào các tuyến điểm tại TP Đà Nẵng và Hội An. Riêng tại Huế, du khách chủ yếu tham quan kinh thành, lăng tẩm, chùa chiền, quần thể di sản văn hóa,... nên lượng khách không suy giảm. Còn tại Vietrantour, với đặc thù lượng khách ở phía Bắc chiếm phần lớn, có không ít khách yêu cầu hoãn tour, hủy tour... 

Vườn thú Hà Nội thu hút rất nhiều du khách trong ngày nghỉ lễ. Ảnh: Thanh Hà


Vẫn "cháy" phòng, đội giá

Tại Hà Nội, điều đáng ghi nhận là giá cả dịch vụ đều ở mức chấp nhận được. Xung quanh Công viên Thủ Lệ, Công an và Đoàn thanh niên phường Ngọc Khánh (Ba Đình) còn tổ chức 10 điểm trông xe miễn phí, nên du khách không bị chặt chém như mọi năm. Các công viên khác như Cầu Giấy, Nghĩa Đô... đón một lượng lớn du khách đến vui chơi, nhưng các địa điểm này không thu vé vào cửa, giá vé gửi xe máy chỉ từ 3.000-5.000 đồng/chiếc.

Tuy nhiên, tại một số khu vực trên cả nước lại xuất hiện tình trạng tăng giá vô tội vạ. Chiều 29/4, anh Nguyễn Hoài An, ở Khu tập thể Thành Công gọi điện đặt phòng nghỉ tại Hạ Long (Quảng Ninh) nhưng không thể đặt được do giá phòng nghỉ quá cao. Tại khách sạn Hạ Long Plaza, giá trung bình là 2,5 triệu đồng, trong khi ngày thường là 1 triệu đồng. Các cơ sở lưu trú bình dân khác cũng tăng khoảng 2-3 lần. Không chỉ tăng giá, một số khách sạn, nhà nghỉ còn cố gắng nhồi khách vào một phòng để làm dư số phòng chờ cho thuê. Tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), giá phòng tăng khá cao, khoảng 800.000 đồng đối với khách sạn dưới 2 sao nhưng vẫn "cháy" phòng; giá dịch vụ thuê phao từ 20.000 đến 50.000 đồng/chiếc.

Kỳ nghỉ lễ năm nay cũng chứng kiến việc làm ăn bát nháo của một số cơ sở lưu trú tại Đà Lạt. Chiều 29/4, các cơ sở lưu trú khu vực quanh hồ Xuân Hương, các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Lê Đại Hành... có giá cao gấp 2-3 lần so với ngày thường. Giá phòng đơn ở những cơ sở lưu trú bình dân ngày thường chỉ 200.000 đồng, nay tăng lên 600.000 đồng, nhiều cơ sở lưu trú treo biển hết phòng. Thế nhưng, đến chiều tối 30-4, các cơ sở lưu trú lại treo bảng thông báo còn phòng và giá chỉ bằng hơn một nửa so với hôm trước. Theo các chuyên gia du lịch, đây là chiêu trò "ém phòng" của các cơ sở lưu trú. Họ cố tình tạo ra cơn khát để tăng giá phòng, khi du khách tới Đà Lạt không tăng như kỳ vọng, họ buộc phải giảm giá phòng.

Tình trạng ém phòng, "cháy" phòng, đội giá vào các kỳ nghỉ diễn ra từ rất lâu và khó giải quyết. Nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tình trạng này là do không ít người Việt Nam đi du lịch theo cảm hứng, không có kế hoạch và thường nhằm đúng ngày nghỉ lễ. Theo ông Đặng Tiến Đạt, đại diện Lạc Hồng Travel, để giảm tình trạng này, tốt nhất, du khách nên lên kế hoạch các kỳ nghỉ của mình trước vài tháng, chọn các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú uy tín, tránh đi vào dịp lễ. Làm như vậy sẽ giúp du khách không bị chặt chém, nhồi nhét, mệt mỏi và tạo điều kiện thuận lợi cho cả các đơn vị lữ hành lẫn nhà quản lý.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh