THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:45

Đình chỉ công tác Phó Giám đốc bệnh viện vụ nữ sinh bị cưa chân

 

Theo đó, bác sĩ Trịnh Đức Lam, Phó giám đốc bệnh viện, kiêm trưởng khoa ngoại và điều dưỡng Lê Thị Long bị đình chỉ công tác 15 ngày. 

Trước đó, bác sĩ Y Tâm (người trực tiếp bó bột cho em Vi) và điều dưỡng Vũ Thị Kim Len (cùng công tác tại Khoa ngoại - Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin) bị đình chỉ công tác 15 ngày để phục vụ công tác điều tra, xác minh.

Chân nạn nhân Vi bị hoại tử phải cắt bỏ do sự tắc trách của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin - ảnh do gia đình nạn nhân cung cấp

Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin đã có báo cáo gửi Sở Y tế về việc đình chỉ công tác đối với các cá nhân trên. Ngoài ra, bệnh viện cũng cho sắp xếp, điều chỉnh nhân lực tại một số khoa phòng để phù hợp tình hình vì một số bác sĩ, điều dưỡng bị đình chỉ công tác.

Chiều cùng ngày, ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, Sở đã cử đoàn cán bộ xuống TP.Hồ Chí Minh để thăm hỏi, động viên em Vi cùng gia đình. Ngoài ra, sở đã cho thành lập đoàn xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin xác minh, nắm bắt tình hình vụ việc.

Về thông tin, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin nói rằng, đã có ý kiến đề xuất bố trí, sắp xếp việc làm cho em Vi sau khi em này học tập xong, ông Long nói rằng, Sở chưa có hướng xử lý cụ thể và chưa thống nhất việc này. “Việc bố trí, sắp xếp nhân sự là phải theo quy định của Bộ Y tế, không thể tùy tiện được” – ông Long trao đổi.

Liên quan đến vụ việc, trước đó, vào trưa ngày 6/3, em Lê Thị Hà Vi trên đường đi học về thì bị tai nạn giao thông và được người dân đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin cấp cứu.

 

Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin nơi xảy ra sự việc
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Vi bị gãy mâm chày bên phải và tiến hành bó bột. Đến tối cùng ngày, do bó bột chật, Vi liên tục kêu đau và bị tê chân, phần dưới không còn cảm giác. Tuy nhiên, các bác sĩ không thăm khám mà chỉ bảo bị thương nhẹ, không sao.

Đến sáng ngày 8/3, thấy chân Vi xuất hiện nhiều vết bỏng, sưng vù, gia đình yêu cầu chuyển viện và tháo bột, nhưng các bác sĩ vẫn giữ lại để điều trị.

Đến ngày 11/3, khi chân của Vi nổi nhiều bỏng nước lớn, gia đình đã yêu cầu các bác sĩ chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chân em Vi bị hoại tử có nguy cơ phải cưa chân và cho chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh cấp cứu. Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ gần hết chân phải nạn nhân Vi.

Sau khi xảy ra sự việc, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin cho biết, phía bệnh viện đã vận động cán bộ, nhân viên trong toàn bệnh viện quyên góp được 20 triệu đồng, sau đó cử một phó giám đốc bệnh viện trực tiếp xuống TP.Hồ Chí Minh thăm hỏi cháu Vi. “Số tiền này chúng tôi phải vay mượn từ tiền lương của anh em. Tiền thu viện phí chúng tôi thu ngày nào chi hết ngày đó. Tiền quỹ của chúng tôi đã hết sạch” - ông Tâm giải thích.

Về việc gia đình nạn nhân Vi yêu cầu bệnh viện đền bù toàn bộ chi phí thuốc men và nuôi dưỡng bé suốt đời, ông Tâm cho biết: “Chúng tôi đồng ý chi trả toàn bộ thuốc men, cũng như công chăm sóc cháu Vi. Tôi có đề nghị với lãnh đạo sở, sau này cháu Vi lớn lên, sẽ nhận cháu vào làm tại bệnh viện. Sở cũng đã đồng ý. Tôi đề xuất là để lỡ sau này tôi nghỉ hưu, người kế cận phải thực hiện lời hứa này”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh