Điều tra, xử lý trách nhiệm tai nạn lao động quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 14:08 - 01/12/2016
Huấn luyện an toàn lao động
Tai nạn lao động gia tăng !
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 tỉnh/thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra 3.674 vụ TNLĐ làm 3.777 người bị nạn, trong đó có 323 vụ chết người làm 356 người chết; 54 vụ có 2 người bị nạn trở lên; số người bị thương nặng là 854 người. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ TNLĐ, số nạn nhân và số người chết trong 06 tháng năm 2016 đều tăng, cụ thể: số vụ TNLĐ tăng 258 vụ (tăng 7,5%), tổng số nạn nhân tăng 278 người (tăng 7,9%), số người chết tăng 79 người (tăng 28,5%). Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn là: Xây dựng (chiếm 21,6% tổng số vụ tai nạn và 22,3% tổng số người chết); Khai khoáng (chiếm 18,3% tổng số vụ và 17,6% tổng số người chết); Cơ khí chế tạo (chiếm 13,5 % tổng số vụ và 11,8% tổng số người chết); Nông, lâm nghiệp (chiếm 12,8,% tổng số vụ tai nạn và 11,8% tổng số người chết); Dệt may, da giầy (chiếm 9,4% tổng số vụ và 10,5% tổng số người chết).
Nguyên nhân của các vụ TNLĐ được đánh giá là do cả phía chủ sử dụng lao động, người lao động và phía cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể: Nguyên nhân do chủ sử dụng lao động chiếm 56,6%, trong đó: Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 24,3% tổng số vụ; Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 8,1% tổng số vụ; Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 10,8% tổng số vụ; do tổ chức lao động chiếm 4,0% tổng số vụ. Nguyên nhân do người lao động chiếm 22,9%, trong đó: Người lao động vi phạm quy trình, nội quy an toàn lao động chiếm 18,9% tổng số vụ; Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 4,0% tổng số vụ. Còn lại 29,9% xảy ra do các nguyên nhân khách quan khác nhau. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, chưa thường xuyên thanh, kiểm tra, chưa có các biện pháp kịp thời để xử lý vi phạm; Một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể, các làng nghề chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước hướng dẫn đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động, chưa được thanh tra, kiểm tra nên việc vi phạm và xảy ra tai nạn không ít.
Điều tra, xử lý còn chậm
Mặc dù số vụ tai nạn lao động làm chết người xảy ra nhiều, nhưng việc điều tra, xử lý còn chậm, chưa đúng tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ tính răn đe. Trong số 323 vụ TNLĐ gây chết người trong 6 tháng đầu năm 2016, đến thời điểm này này chỉ có 74 biên bản điều tra chuyển về Bộ LĐTBXH. Số lượng biên bản điều tra các vụ tai nạn chết người rất ít, thậm chí, nhiều tỉnh, thành phố không báo cáo một vụ nào như: Hà Tĩnh, Trà Vinh, Long An. Ninh Thuận, Nam Định.
Trong số các vụ TNLĐ gây chết người nêu trên, ngoài một số vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý, chỉ có 05 vụ được chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị khởi tố, trong đó có 03 vụ đã khởi tố vụ án, cụ thể: Cơ quan Cảnh sát điều tra TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn do sạt lở tầng xảy ra vào 11g00 ngày 8/5/2016 làm 02 người chết tại công trường khai thác 2, công ty cổ phần than Cao Sơn; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn sập giàn giáo xảy ra vào 18g30 ngày 09/01/2016 làm 04 người chết tại công trường thi công Suối Quanh, bản Tà Pán, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa do “Vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng” và vụ tai nạn do sạt lở vách đá xảy ra vào 10g30 ngày 22/01/2016 làm 08 người chết tại mỏ đá của Doanh nghiệp TNHH Tuấn Hùng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định.
Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH cho biết: Thời gian qua, số vụ TNLĐ được đưa ra truy tố chỉ chiếm khoảng 2-3 % trong tổng số các vụ TNLĐ do nhiều nguyên nhân, trước hết chỉ truy tố các vụ TNLĐ nếu nguyên nhân do lỗi của người sử dụng lao động. Trong khi kết quả điều tra thông thường là lỗi hỗn hợp (do cả người sử dụng lao động và người lao động). Một nguyên nhân phải kể đến là do lực lượng thanh tra còn quá mỏng, tính chung cả nước, hiện chỉ có khoảng 150 thanh tra viên ATVSLĐ. Với cơ cấu tổ chức, số lượng thanh tra viên như vậy mà đối tượng phải thanh tra là hàng trăm nghìn doanh nghiệp, chưa kể các cơ sở sản xuất trong làng nghề, trong lĩnh vực nông nghiệp, cho nên mỗi năm, thanh tra toàn ngành LĐ-TB&XH chỉ tiến hành thanh tra pháp luật lao động và ATVSLĐ được khoảng 5.600/525.000 doanh nghiệp (chiếm 0,22% tổng số doanh nghiệp). Có những doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động hơn 10 năm nhưng chưa một lần có đoàn nào đến thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ. Tình trạng doanh nghiệp hoạt động thường xuyên vi phạm quy định về ATVSLĐ, nhưng chưa lần nào bị xử phạt vi phạm; nhiều vụ TNLĐ, người sử dụng lao động tự thỏa thuận với gia đình người bị nạn, giấu giếm thông tin, không khai báo, mà cơ quan chức năng hoàn toàn không biết khá phổ biến.
Bên cạnh đó, cho đến nay, cả nước vẫn chưa có trường hoặc ngành học đào tạo thanh tra viên ATVSLĐ. Trình độ chuyên môn, kỹ năng thanh tra của thanh tra viên còn nhiều hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm quy định về ATVSLĐ diễn ra tràn lan, dù các văn bản pháp luật về lĩnh vực an toàn lao động hiện nay đã khá đầy đủ, nhất là từ khi Luật ATVSLĐ có hiệu lực thi hành. Ông Tùng cho biết thêm: Để thực hiện có hiệu quả Luật ATVSLĐ về công tác thanh tra, trong khi số lượng thanh tra viên lao động chưa thể tăng do sức ép của tinh giản biên chế, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Cục An toàn lao động đề xuất Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ cho phép giao Cục An toàn lao động thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ.
Trong những năm tới, tình hình TNLĐ được dự đoán có xu hướng tăng mạnh dưới tác động của các nhân tố: Sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với trình độ công nghệ còn lạc hậu và không chú ý đến an toàn lao động, vệ sinh môi trường; Việc nhập khẩu và đưa vào sử dụng các máy, công nghệ, vật liệu mới, ngoài những mặt tích cực, còn tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn lao động; Lực lượng lao động tăng nhanh cùng với sự chuyển dịch của một lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp với trình độ tay nghề thấp, chưa có tác phong công nghiệp làm tăng nguy cơ xảy ra TNLĐ. Chính vì vậy, bên cạnh việc mỗi doanh nghiệp, người lao động cần chủ động tăng cường các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN và cháy nổ thì các cơ quan chức năng cần thường xuyên thanh kiểm tra, xử lý, yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục những tồn tại nhằm bảo vệ cho chính doanh nghiệp và người lao động.