THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:43

Điều kiện cơ sở hạ tầng của địa bàn nghèo đã có sự thay đổi rõ rệt

Tại phiên họp, thừa Ủy quyền của Chính phủ báo cáo về kết quả 6 năm (năm 2015, giai đoạn 2016-2020) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Quốc hội, Chính phủ đã rất quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Kinh phí thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội được Chính phủ giao ổn định để các địa phương chủ động thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ người nghèo nâng cao thu nhập, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo thông qua các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Các Bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao. Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa bàn nghèo, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, từng bước tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu. Kết quả giảm nghèo và cách tiếp cận giải quyết vấn đề nghèo đói ở nước ta thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 76 đặt ra; Việc rà soát, tích hợp văn bản chính sách về giảm nghèo cũng như việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn triển khai chưa hiệu quả; các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống.

Cùng với đó, tình trạng phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt; chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Hơn nữa, nguồn lực đầu tư cho người nghèo và các địa bàn nghèo, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm.

Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo  - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, Công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo đã được tăng cường và đổi mới.

Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trong 6 năm qua, Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan, các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ được Quốc hội giao, đạt được những kết quả tích cực và đến nay cơ bản hoàn thành phần lớn các nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 76: Đạt và vượt được một số mục tiêu cụ thể trong Nghị quyết 76; Việc rà soát, tích hợp, sửa đổi, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giảm nghèo đã được quan tâm; Đã bố trí tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo; Một số chính sách hỗ trợ cho không dần được bãi bỏ và tăng dần các chính sách hỗ trợ có điều kiện, chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Đảm bảo tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; Nguồn lực đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được ưu tiên bố trí; từng bước thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ định canh, định cư, ổn định các hộ dân di cư tự do và giao đất, giao rừng cho các hộ dân tộc thiểu số; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số; Phổ cập giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả tích cực, chất lượng giáo dục được nâng cao; chính sách hỗ trợ học sinh được duy trì ổn định; các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú được đầu tư, nâng cấp và phát triển mạnh mẽ; Công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo được tăng cường và đổi mới.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị xem xét dứt điểm việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và giải quyết đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa được hỗ trợ đất sản xuất còn hạn chế; tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm.

Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo  - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị phải thực hiện được chủ trương đến năm 2025 đảm bảo hoàn thành việc giao đất ở, đất sản xuất cho người dân. Bên cạnh đó, vấn đề chênh lệch giàu nghèo rất cần được quan tâm, tỷ lệ này ngày càng cao.

Về nguồn lực, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, vốn cho các chương trình giảm nghèo chủ yếu là nguồn ngân sách trung ương, còn lại vốn huy động bên ngoài rất là ít và khó. Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá làm rõ các cơ chế, chính sách về nguồn lực đã đảm bảo thu hút chưa.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc thực hiện các Chương trình giảm nghèo đã có hiệu quả, tỷ lệ giảm nghèo của các tỉnh là rất tốt. Thời gian tới, đề nghị Chính phủ rà soát cho kỹ xem là đối tượng nghèo hay là đối tượng bảo trợ xã hội để có báo cáo rõ về chất lượng của giảm nghèo bền vững. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 báo cáo đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tới đây.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh