CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:04

Điều khiển xe máy dưới 50 cm3 và xe máy điện sẽ phải có bằng lái

Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 2060/QĐ-TTg Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sắp tới, đi xe máy dưới 50 cm3 và xe máy điện sẽ phải có bằng lái - Ảnh 1.

Sắp tới, đi xe máy điện phải có bằng lái (Ảnh minh họa)

Với mục tiêu tổng quát là hàng năm giảm 5 - 10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ một cách bền vững… Thủ tướng đã đưa ra một loạt giải pháp về thể chế, chính sách; kết cấu hạ tầng giao thông; phương tiện và vận tải; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông…

Trong nhóm giải pháp về người điều khiển phương tiện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan chức năng điều chỉnh phân hạn giấy phép lái xe cơ giới đường bộ phù hợp với công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ và đặc thù phương tiện tải Việt Nam; Đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy có dung tích xy lanh dưới 50 cm3, xe máy điện có công suất động cơ dưới 4 kW.

Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2030, giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các đầu mối giao thông chính, tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

Bên cạnh đó, sẽ loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh không được tham gia giao thông; triển khai kiểm soát phát thải khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông. Đồng thời, 100% chủ xe ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ và nộp phạt vi phạm.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu chủ động ứng dụng và phát triển thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện đồng bộ 05 trụ cột về an toàn giao thông đường bộ, gồm: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt, thân thiện; Ứng dụng các công nghệ về an toàn trong lắp ráp, sản xuất, kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, nhằm nâng cao điều kiện an toàn cho phương tiện khi tham gia giao thông…

Đại diện Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho biết, quá trình xây dựng dự luật, Ban soạn thảo đã tính các phương án đào tạo, sát hạch với nhóm phương tiện này, cụ thể sẽ xây dựng các bài sát hạch tương đồng với hệ thống sát hạch xe gắn máy, môtô hiện nay để đảm bảo tính an toàn và hạn chế tối đa việc phải mất thời gian thi lại hoặc nâng cấp bằng lái cho người dân.

Để quy định này được thực thi phải mất từ 6 tháng đến hơn một năm để luật hóa, xây dựng nghị định và các văn bản hướng dẫn.

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đề xuất người đi xe máy dưới 50cc và đi xe đạp điện phải có GPLX là phù hợp với Công ước Vienna mà Việt Nam đã tham gia. Bởi theo Công ước trên, xe có động cơ là xe cơ giới và người điều khiển phải có GPLX.

Quy định người đi xe máy điện, xe đạp điện và xe máy dưới 50cc phải có bằng lái là cần thiết. Qua khảo sát cho thấy, học sinh THCS trở lên đi xe đạp điện gây khoảng 70% số vụ TNGT có thương vong. Vì vậy, loại hình xe máy điện, xe đạp điện phải được quản lý và người điều khiển phải có GPLX.

Tuy nhiên, trong trường hợp đề xuất trên được thông qua thì việc triển khai cần được tính toán kỹ để ít ảnh hưởng nhất đến các bậc phụ huynh, người giám hộ và bản thân các em học sinh. Theo tôi, trước khi triển khai quy định người đi xe điện và xe máy dưới 50cc phải có GPLX cần phải có số liệu thống kê, phân tích nhu cầu từng địa bàn, từng địa phương, khu vực, kết hợp với việc so sánh công suất, năng lực đáp ứng của các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, lúc đó mới có phương án phù hợp.

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, TS Trần Hữu Minh

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh