Điều gì xảy ra khi 'dòng sông giao thông' bị… chặn lại?
- Tây Y
- 23:19 - 23/07/2019
Có thể nhận định một cách chung nhất, là hầu hết các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông được đề xuất từ trước tới giờ đều có chung một tính chất, đó là “đẩy” phần khó khăn, thiệt thòi về phía người dân.
Tình trạng ùn tắc giao thông đang là vấn nạn mà TP.HCM và nhiều thành phố lớn ở khu vực Đông Nam Á
Lẽ ra, khi đô thị càng ngày càng phát triển, không gian đô thị ngày càng trở nên chật chội, bức bối, nạn ùn tắc giao thông trầm trọng hơn, thì phải phát triển hệ thống giao thông công cộng, hoặc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch nhằm giãn dân ra các khu vực lân cận để “giảm tải”. Ở những nước có hạ tầng phát triển, trình độ kỹ thuật, công nghệ cao, người ta đã phát triển song hành rất nhiều loại phương tiện công cộng và đã chứng tỏ hiệu quả. Còn với hạ tầng đô thị ở mức khá thấp kém như Việt Nam, thì hiện tại xe buýt vẫn được coi là loại phương tiện thích hợp nhất.
Nhưng, thực tế những năm qua cho thấy xe buýt vẫn chưa phát huy được tác dụng rõ ràng. Thậm chí, đã có không ít tuyến xe buýt buộc phải ngưng hoạt động do không hiệu quả, doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ mặc dù Nhà nước không ngừng tăng khoản tiền bù lỗ.
Lượng xe cộ đổ dồn vào khu trung tâm TP.HCM đang ngày một đông, đơn giản bởi đó là khu vực tập trung hầu hết cơ quan công sở, văn phòng của các doanh nghiệp, đồng thời cũng là nơi có hoạt động thương mại sôi động nhất. Và để hạn chế lượng xe cá nhân đổ vào trung tâm, việc dựng lên các trạm thu phí “án ngữ” quanh khu trung tâm có thể coi là “giải pháp” đơn giản nhất, được kỳ vọng là có thể mang lại hiệu quả tức thì.
Sơ đồ vị trí 34 trạm thu phí phương tiện vào khu trung tâm mà TP.HCM đề xuất
Tuy nhiên, với hình thức thu phí thủ công, mọi xe cộ đều phải đi qua các trạm thu phí, hạn chế tốc độ hoặc dừng lại để mua vé, trả tiền, thì đã có nhà đô thị học ví như việc những “dòng sông giao thông” bị chặn lại, khiến cho “dòng chảy” bị ùn ứ ở phía “thượng nguồn. Khi ấy, tình trạng kẹt xe ở khu vực trước các trạm thu phí sẽ trở nên cực kỳ nặng nề, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động chung của cả thành phố. Thậm chí, có người còn đặt vấn đề: thật khó hiểu khi hệ thống giao thông công cộng lại có thể dùng tiền để mua quyền ưu tiên!
Tình trạng xe cộ tập trung nhiều về các trung tâm đô thị không phải là vấn nạn riêng của TP.HCM. Những đô thị lớn của các nước láng giềng có trình độ phát triển hơn TP.HCM như Singapore, Kuala Lumpur hay Bangkok,… cũng từng phải đối mặt tới vấn nạn này. Tuy nhiên, việc quản lý xe đi vào khu trung tâm được những nước này giải quyết dựa trên nền tảng công nghệ phát triển, bằng hình thức thu phí tự động, sử dụng các ứng dụng để thu phí mà không cần dừng phương tiện và cũng không cần lập các trạm, đã giúp cho việc lưu thông của phương tiện được thông suốt.
Còn về lâu dài, các nước phát triển đều có xu hướng phát triển các trung tâm vệ tinh để không tập trung công sở, trung tâm thương mại về một điểm, mà trải rộng khắp bề mặt đô thị. Khi ấy, bài toán giải quyết ùn tắc giao thông ở khu trung tâm sẽ được giải quyết một cách căn cơ.
Đó mới chính là những điều mà ta cần học hỏi, áp dụng, chứ không phải là những “giải pháp” đẩy khó cho người dân như hiện nay.