THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:14

Diện tích trồng liên tục mở rộng khiến giá cam trượt dốc không phanh

 

Giá cam liên tục giảm…

Tháng 3 là thời điểm cuối vụ thu hoạch cam sành Hàm Yên, Tuyên Quang, nhưng giá bán tại vườn hiện chỉ ở mức 10 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá bằng 1/3 so với 3 năm trước. Để có cam cuối vụ bán với giá 10 nghìn đồng/kg, người trồng cam cần xử lý kỹ thuật ra hoa, chấp nhận hao hụt lớn hơn vì đến thời điểm hiện tại cam đã bị rụng khá nhiều và quả thu hoạch cũng bị xốp, xuống nước nên khối lượng giảm đáng kể.

Năm nay tiếp tục là một năm giá cam rớt thảm của người trồng cam Tuyên Quang, Hà Giang. Bởi, ngay cả thời điểm nhu cầu tăng mạnh như dịp trước Tết Mậu Tuất, cam sành bán tại vườn cũng chỉ 8.000 đồng/kg. Chưa khi nào cam sành có giá bán thấp như năm nay, khi có thời điểm, giá cam bán tại vườn chỉ 4.000 đồng/kg. Thời điểm cam sành được giá nhất là năm 2015 khi lên tới 25.000 đồng/kg khiến nhiều gia đình mở rộng diện tích, coi cây cam là cây làm giàu cho bà con. Khi diện tích liên tục được mở rộng, trong khi thị trường tiêu thụ không đổi, việc giá cam liên tục giảm là điều dễ hiểu. Theo chia sẻ của người trồng cam ở Hàm Yên, Tuyên Quang: “Cùng một diện tích trồng cam nhưng 3 năm nay, cứ sau một năm, lợi nhuận lại giảm mất đi một nửa”.

 

Cam sành Tuyên Quang, Hà Giang rớt giá.

 

Còn tại H.Lục Ngạn (Bắc Giang), giống cam V2 bắt đầu vào mùa thu hoạch nhưng giá thương lái thu mua tại vườn loại đẹp chỉ 30.000 đồng/kg, giảm 7.000 đồng/kg so với mùa vụ năm 2017. Những mùa vụ trước, cam V2 được giá nên nhiều hộ dân phá bỏ vải thiều chuyển sang trồng loại cam này.

Thủ phủ cam Cao Phong (Hòa Bình) dù đã xây dựng được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường nhưng cũng không nằm ngoài cơn bão giảm giá. Nếu như  thời điểm đỉnh cao, giá mỗi kg cam Cao Phong đạt 40 nghìn đồng/kg thì vụ cam năm 2017 chỉ còn 25 - 30 nghìn đồng và người trồng cam nơi đây lo sợ giá cam sẽ còn giảm trong những năm tới khi diện tích mở rộng, thị trường bão hòa…

Vụ cam vừa qua, nhiều nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long bạc mặt vì cam sành không chỉ liên tục rớt giá mà còn đối mặt với dịch bệnh tấn công. Những vụ trước đây, mỗi công cam sành cho năng suất từ 1 - 1,5 tấn trái năm nay năng suất giảm hơn 50%. Không chỉ cam mất mùa mà còn rớt giá thê thảm. Có thời điểm, giá cam xuống mức thấp kỷ lục, chỉ 4.000 đồng/kg. Theo người trồng cam, với mức gia 4.000 đồng/kg thì chỉ hòa vốn, người dân không có lãi.

Còn tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, người trồng cam kém vui vì vụ cam vừa qua giá bán xuống thấp hơn những năm trước.

Cung đã vượt cầu

Theo lý giải của người trồng cam, sở dĩ giá cam liên tục giảm trong nhưng năm gần đây vì diện tích không ngừng mở rộng theo cấp số nhân, phá vỡ quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu. Đây là nguyên nhân chính khiến giá cam cứ mỗi năm một rẻ. Thậm chí, nhiều người lo ngại, nếu diện tích trồng cam liên tục mở rộng trong khi thị trường vẫn giữ nguyên thì chỉ ít năm nữa cung vượt quá cầu, việc cam ế, phát động phong trào “giải cứu cam”, mua cam ủng hộ như ủng hộ củ cải Tráng Việt (Hà Nội), su hào, bắp cải (Hưng Yên, Hải Dương) là điều rất có thể sẽ xảy ra.

 

Cam được mùa nhưng lợi nhuận của người dân giảm đáng kể do giá cam xuống thấp.

 

Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Long thừa nhận, sự phát triển nhanh của cam sành trên địa bàn tỉnh đã tới mức không thể kiểm soát và đang đặt ra cho ngành nông nghiệp rất nhiều áp lực. Nếu không có động thái ngăn chặn thì từ 1 đến 2 năm nữa, dịch bệnh sẽ bùng phát, gây tổn thất rất lớn.

Theo kết quả điều tra mới nhất, có đến trên 50% hộ dân mua cam giống từ vườn cam của hộ dân khác; trên 36% mua giống trôi nổi. Không những chất lượng cây giống không đảm bảo, khi trồng, người dân còn để mật độ quá dày (trung bình 5.000 cây/ha); sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để ép cây cho trái sớm. Theo đặc tính cây cam sành, sau 5 năm trồng mới cho trái ổn định. Nhưng thực tế cây cam bây giờ chỉ hơn 1 năm là nông dân đã ép cho trái, từ 2 - 3 năm là đã phải đốn bỏ vì cây kiệt sức, chỉ cho trái nhỏ và bị bệnh liên tục. không riêng tỉnh Vĩnh Long, các địa phương khác như Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng…,  nhiều diện tích cam cũng được trồng theo hình thức tương tự, bất chấp khuyến cáo trồng theo quy hoạch của ngành chức năng và nhà khoa học.

Việc nông dân thu lợi “khủng” từ việc trồng cam sành là đáng mừng nhưng việc trồng ồ ạt, tự phát như trên đã phá vỡ quy hoạch, khó kiểm soát, tạo điều kiện cho bệnh vàng lá xanh gân (chưa có thuốc đặc trị) tồn tại, lây lan, đặc biệt là khi thị trường tiêu thụ chưa ổn định, vẫn chủ yếu qua thương lái. PGS-TS Trần Văn Hâu (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, trong thời điểm tái cơ cấu nông nghiệp thì việc chuyển đổi cây cam trên đất lúa là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cần phải xem xét, chuyển đổi sao cho phù hợp và phát triển ổn định. Tức là bà con phải trồng theo quy hoạch, có khoảng cách hợp lý, đầu tư giống sạch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chứ không phải trồng theo kiểu quảng canh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đại Thành cũng cho rằng, giá cam giảm trong thời gian quan là do lượng cung quá nhiều. Theo đề án phát triển cam sành tại Tuyên Quang đến năm 2020 là 5.255 ha, nhưng hiện diện tích trồng cam đã lên tới 7.730 ha, trong đó 4.300 ha đang cho thu hoạch. Dự báo, diện tích cam sành cho thu hoạch tăng lên, giá bán loại quả này sẽ còn giảm mạnh. Ông Thành cho biết, thực tế người dân thường thấy cây gì đang trồng bán được giá là ồ ạt trồng theo, phá vỡ mọi quy hoạch. Trong thực tế, rất khó có thể kiểm soát được vì không thể áp dụng các biện pháp hành chính để can thiệp, không cho nông dân trồng cam. Nếu càng trồng nhiều thì giá càng giảm, nông dân thua thiệt.

Tại huyện Lục Ngan (Bắc Giang), quy hoạch nhóm cây có múi (cam, bưởi, quýt) đến năm 2020 trong khoảng diện tích 5.000 ha nhưng thực tế đến cuối năm 2017 diện tích đã vượt quy hoạch vài trăm héc ta. Trong khi đó, những giống cây ăn quả này cũng phát triển rất mạnh ở các tỉnh Hưng Yên, Hòa Bình...

Theo số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT, diện tích cây ăn quả có múi của cả nước hiện đạt 70.000 ha. Dù chưa đạt kịch trần quy hoạch là 75.000 ha đến năm 2020, nhưng dự báo đến thời điểm đạt ngưỡng quy hoạch trên thì giá sẽ còn giảm sâu. Vì thế, Bộ NN&PTNT cần tính toán quy hoạch và hướng dẫn người dân không mở rộng diện tích ồ ạt tránh tình trạng cam rớt giá xuống dưới giá thành.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu nông sản và mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu là điều cần thiết. Đồng thời, việc tạo điều kiện để các nhà máy chế biến sản phẩm từ cam và các loại hoa quả, nông sản cần được quan tâm đúng mức. Chỉ khi nào, các nhà máy chế biến bao tiêu được sản phẩm cho người dân mới không xảy ra tình trạng rớt giá. Thậm chí, các nhà máy chế biến sẽ nâng cao giá trị nông sản Việt.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh