THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:57

Thủ đô Hà Nội 69 năm sau ngày giải phóng (10/10/1954-10/10/2023):

Diện mạo, tầm vóc mới

Hồ Hoàn Kiếm biểu tượng của Hà Nội.

Hồ Hoàn Kiếm biểu tượng của Hà Nội.

Giữ vai trò đầu tàu về kinh tế

Trong 15 năm qua, Hà Nội luôn duy trì mức tăng trưởng cao hơn và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Theo thống kê, bình quân giai đoạn 2011-2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước (cả nước tăng 5,94%/năm). Quy mô GRDP năm 2022 đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (tương đương khoảng 5.950 USD), gấp 1,45 lần cả nước, gấp 3,5-3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng - tương đương khoảng 1.697 USD).

Đặc biệt, sau dịch bệnh COVID-19, kinh tế thủ đô phục hồi và phát triển nhanh. Năm 2022, GRDP trên địa bàn Hà Nội đã tăng 8,89% so với năm 2021 (vượt kế hoạch đề ra là từ 7,0% đến 7,5%), hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, với 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 333 nghìn tỷ đồng, bằng 106,8% dự toán (trong đó, thu nội địa đạt 303 nghìn tỷ đồng, cao nhất cả nước). 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ bình quân GRDP đạt 5,97%, cao hơn 1,6 lần so với mức bình quân của cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 22,9% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã ban hành và thực hiện các kế hoạch hàng năm về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư... Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dần được nâng lên. Giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động tăng hàng năm 11,04%. So với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích, 41,7% và 8,1% về dân số, nhưng Hà Nội đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP, 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước, 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu, 29,77 và 10,77% kim ngạch nhập khẩu của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Năm 2022, toàn thành phố thu hút 1,692 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 10,3% so với năm 2021. 6 tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hà Nội đạt 2.265 triệu USD vốn FDI.

Xác định chương trình xây dựng nông thôn mới có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn đối với phát triển thủ đô. Đến nay, Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 56,3 triệu đồng/người/năm. Toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 2.167 sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên, đứng đầu cả nước; …

Đi đầu trong các chính sách xã hội

Những bước chuyển trong việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; trong đó, thành phố đã ban hành chuẩn nghèo riêng cao hơn 1,6 lần so với chuẩn nghèo quốc gia; ban hành một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của Hà Nội, nhờ vậy, hết năm 2022, thành phố giảm được 1.582 hộ nghèo, đạt 218,8% kế hoạch, số hộ nghèo còn 0,095% tổng số hộ dân. Cùng với đó, chính sách người có công luôn được quan tâm đặc biệt, đời sống người có công không ngừng được nâng cao. Hiện tại, Hà Nội có gần 800.000 người có công và thân nhân người có công với cách mạng, trong đó có gần 84.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, với tổng kinh phí chi trả hơn 152 tỷ đồng/tháng. Thêm nữa, chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đúng, đủ, kịp thời theo quy định, mở rộng các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn của thành phố.

Thực hiện công tác chăm lo các đối tượng xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch tặng quà đối với các đối tượng hưởng chính sách, người có công; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; hộ nghèo; hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, đơn vị thực hiện chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thành phố Hà Nội đã nâng mức quà đối với hộ nghèo từ 300.000 đồng/hộ lên mức 500.000 đồng/hộ. Mức quà (bằng tiền mặt) 300.000 đồng/người: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng. Mức quà (bằng tiền mặt) 500.000 đồng/người: Người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (theo đề xuất của Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội).

Thủ đô Hà Nội ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại.

Thủ đô Hà Nội ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại.

Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt với sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp Thành phố đến cơ sở, với quyết tâm giúp người dân, doanh nghiệp sớm được thụ hưởng chính sách, góp phần chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, toàn Thành phố đã thẩm định và phê duyệt hỗ trợ cho 2.610.829 lượt đối tượng với kinh phí 2.659,769 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đã tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ hỗ trợ cho 417 nghìn lượt lao động của gần 14 nghìn doanh nghiệp với số tiền 219 tỷ đồng. Thành phố đã giải quyết hơn 23,5 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công và thân nhân người có công với cách mạng với số tiền 85,5 tỷ đồng…

Xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"

Phát biểu tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”, vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2023 và phát động phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ươnng khẳng định: Được thế giới biết đến là Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến, hào hoa, thanh lịch, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; với truyền thống là "Thành phố gương mẫu cho cả nước", trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong các phong trào thi đua, yêu nước của cả nước. Cùng với cả nước, kinh tế Thủ đô tiếp tục đà tăng trưởng ngày càng rõ nét hơn, chuyển biến tích cực. Những thành tích nổi bật đó là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và sự vào cuộc của nhân dân Thủ đô.

Thủ tướng nhấn mạnh, bước vào những tháng cuối năm 2023 - là giai đoạn cao điểm để cả nước và Thủ đô Hà Nội nỗ lực phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi và thời cơ. Nhiệm vụ đặt ra là vô cùng nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang và có ý nghĩa quan trọng với Thủ đô Hà Nội.

Kế thừa, phát huy truyền thống Thủ đô văn hiến, anh hùng, thành phố Hà Nội cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, đặc biệt là các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi làm việc với Hà Nội. Hà Nội cần tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, chung sức, đồng lòng, huy động sức mạnh tổng hợp, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào "Người tốt, việc tốt", xây dựng Thủ đô to đẹp, giàu có, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước.

Huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hội nhập quốc tế; động lực có tính dẫn dắt, lan tỏa đối với vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tập trung thi đua đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để xây dựng và phát triển; đẩy mạnh phát triển văn hóa, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh lan tỏa văn hoá của cả nước, của dân tộc Việt Nam, trở thành nguồn lực phát triển mới; hoàn thiện hệ thống pháp luật với cơ chế, chính sách vượt trội, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Hoàn thành việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh