Điện Biên: Mưa lũ phát lộ chuyện thi công kém chất lượng
- Tây Y
- 15:42 - 13/10/2018
Vạch mặt thi công gian dối
Bà Thùng Thị Nết, Trưởng bản Nà Sự 1 tâm sự sau mưa lũ: “Công trình thủy nông bị tàn phá đồng nghĩa với việc đẩy cuộc sống bà con 2 bản: Nà Sự 1, 2 đối mặt với đói nghèo, vì nguồn sống của người dân nơi đây chủ yếu trông vào việc canh tác lúa nước thuộc bãi tưới của thủy nông này. Việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo ở Nà Sự 1, 2 đã khó khăn, bây giờ sẽ càng khó khăn hơn”.
Bên cạnh nuối tiếc của người dân Nà Sự sau khi công trình thủy nông bị tàn phá, những tàn tích của công trình này sau lũ lớn cho thấy chất lượng công trình không đảm bảo yêu cầu. Đặc biệt, có dấu hiệu đơn vị thi công sử dụng vật liệu không đảm bảo chất lượng.
Tường cánh công trình thủy nông Nà Sự bị mưa lũ "thổi bay" để lộ những hòn đá suối có đường kính 30cm trong khối bê tông
Theo đó, ngày 14.4.2014, UBND huyện Nậm Pồ ban hành Quyết định 2142/QB-UBND về việc phê duyệt báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình: Sửa chữa thủy nông Nà Sự. Theo đó, công trình có tổng vốn đầu tư 5,26 tỷ đồng, được sử dụng nguồn vốn ngân sách huyện năm 2014 - 2015. Công trình do Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Trung Dũng, địa chỉ Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Hội làm tư vấn, khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật; đơn vị thi công là Công ty TNHH Điện Biên Phủ. Quy mô công trình là công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp IV.
Khoảng cách sợi thép trong khối bê tông hơn 30cm, theo chuyên gia Nguyễn Cao Khải, không ai đổ bê tông cốt thép công trình thủy lợi lại có bước thép cách xa như thế.
Có mặt tại công trình thủy lợi Nà Sự ngày 2.10, phóng viên Dân Việt đã ghi lại những hình ảnh mưa lũ “bóc mẽ” việc thi công ẩu, có dấu hiệu ăn bớt nguyên vật liệu dẫn đến công trình thủy nông bị hỏng nặng.
Theo ghi nhận của phóng viên, tường cánh bên trái công trình thủy lợi này dài 25m, chiều dày tường 40cm, đã bị mưa lũ “thổi bay”, trơ lại những khối bê tông với những hòn đá suối to có đường kính khoảng 30cm. Khoảng cách thép trong khối bê tông trơ ra, để lộ việc thi công gian dối, không đảm bảo, bước thép có chỗ dày 10cm có chỗ 30cm...
Các sợi thép không có định vị, nên khi đổ bê tông, trộn đá suối to dẫn đến các sợi thép bị xô, lệch; không đảm bảo kết cấu bê tông vững chắc. Kênh dẫn nhiều đoạn bị đứt rời để lộ ra những mẩu sắt phi 6 lòi ra như xương cá mong manh.
Một mảng bê tông tường cánh thủy nông Nà Sự còn sót lại sau trận lũ ngày 28.8.
Sử dụng vật liệu không đảm bảo?
Khi phóng viên đưa những hình ảnh chụp tại hiện trường, tham khảo ý kiến của ông Nguyễn Cao Khải, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, giám sát thủy lợi (nguyên kỹ sư Viện Quy hoạch Thủy lợi - Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT), ông Khải đã chỉ ra những nguyên nhân khiến công trình bị hỏng.
Ông Khải cho rằng: “Nguyên nhân đầu tiên là việc nhà thầu thi công gian dối, sử dụng vật liệu không đúng trong hồ sơ, bản vẽ thiết kế. Không ai cho phép đổ bê tông tường cánh M200 lại độn đá cuội suối, khoảng cách các bước thép 30cm. Nhìn bê tông tôi khẳng định đơn vi thi công đã sử dụng cát không đủ mô đun, cường độ, có độ PH cao, vì thế bê tông tự phá hủy sau thời gian công trình đưa vào sử dụng. Đối với tường cánh, bê tông M200 thì bắt buộc sử dụng đá 4x6, cát phải to, đủ mô đun, cường độ, bước thép cách nhau 15cm khi đổ bê tông cần lưu ý sắt bị xô, lệch, như thế mới tạo khối bê tông vững chắc”.
Theo ông Nguyễn Cao Khải, việc đổ bê tông độn đá cuội to như thế này là sai nghiêm trọng, dẫn đến kết cấu bê tông, thép bị phá vỡ, dẫn đến công trình kém chất lượng
Theo ông Nguyễn Cao Khải, một nguyên nhân nữa dẫn đến sập tường cánh là không có tường chống, sau khi thi công xong tường cánh, không đắp đất trong tường vì thế khi mưa lũ, tường cánh sẽ bị “thổi bay”. Cost tường cánh thấp hơn so với mức nước lũ khoảng 2m, nước lũ tràn vào trong tường, đẩy vỡ tường. Nối thép không đúng kỹ thuật, khiến tường 25m đứt rời. Đối với tường cánh, bê tông M200 phải sử dụng đá 4x6, bước thép cách nhau 15cm khi đổ bê tông.
Vì buộc thép sai, kỹ thuật đãn đến tường cánh bị "thổi bay"
Ông Khải khẳng định đơn vị tư vấn, khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật không nắm chắc về thiết kế các công trình thủy nông khu vực miền núi, hay có lũ.
“Tôi khẳng định đơn vị tư vấn, khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật không có kinh nghiệm, lý do tôi đưa ra chính là vị trí đặt đập đầu mối, không đơn vị tư vấn khảo sát nào lại thực hiện đập đầu mối dài hơn 40m như thế. Vì công trình chỉ phục vụ tưới cho 7ha ruộng, làm đập như thế quá lãng phí và nguy hiểm cho công trình khi có mưa lũ. Đối với công trình này chỉ cần làm cửa thu nước, không làm đập đầu mối. Thứ 2 đơn vị tư vấn, khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật không tính được thủy văn trên dòng suối, mới tư vấn xây đập dưới mực nước lũ đến hơn 2m”, ông Khải cho biết thêm.
Không thể chấp nhận!
Ngày 3.10, phóng viên đã đặt lịch làm việc với ông Đỗ Thủy Trung, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Nậm Pồ, đơn vị chủ đầu tư dự án. Khi phóng viên đề nghị Ban Quản lý dự án cung cấp hồ sơ, bản vẽ thiết kế công trình thủy nông Nà Sự, ông Đỗ Thủy Trung không cung cấp. Trước những câu hỏi của phóng viên về công trình kém chất lượng, vật liệu để thi công không đúng với bản vẽ, thiết kế, ông Đỗ Thủy Trung đã đẩy toàn bộ trách nhiệm sang đơn vị tư vấn giám sát.
Một đoạn kênh dẫn còn sót lại sau trận lũ, khi xem những hình ảnh này, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ đã khẳng định có việc ăn bớt vât liệu, thi công kém chất lượng
Ông Đỗ Thủy Trung cho biết: “Thời điểm năm 2014, cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý Dự án thiếu, vì thế chúng tôi phải thuê đơn vị giám sát để giám sát công trình. Để công trình kém chất lượng là trách nhiệm của đơn vị giám sát và nhà thầu”.
Trước câu hỏi có hay không việc nhà thầu và đơn vi chủ đầu tư bắt tay nhau thi công gian dối, sử dụng vật liệu không đúng theo thiết kế... ông Đỗ Thủy Trung, từ chối trả lời
Tuyến kênh bị mưa lũ "cắt đứt"
Trước những hình ảnh phóng viên ghi lại tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ đã thừa nhận công trình kém chất lượng.
“Không thể chấp nhận được việc thi công kiểu này. UBND huyện sẽ thành lâp đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn bộ thiệt hại, mức độ vi phạm của nhà thầu và Chủ đầu tư. Chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ vấn đề để trả lời báo chí”, ông Nguyễn Văn Thái cho biết.
Công trình hơn 5 tỷ đồng đã “bay” theo dòng nước lũ, chỉ vì việc làm thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị giám sát, thi công. 134 hộ dân bản Nà Sự chỉ trông chờ vào 7ha ruộng nước 2 vụ giờ cái đói đã hiện hữu trước mắt.