THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:01

Diễn biến Covid-19 đến sáng ngày 23/10

Sáng ngày 23/10 tại Việt Nam có 881.522 ca mắc COVID-19, hơn 803.000 bệnh nhân đã được chữa khỏi, Dự kiến khoảng 780.000 trẻ từ 12-17 tuổi ở TP HCM cần tiêm vaccine phòng COVID-19, Bình Dương tập trung bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên.

Từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 881.522 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.951 ca nhiễm).

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 876.788 ca, trong đó có 800.509 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 01/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn. Có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (423.406), Bình Dương (227.799), Đồng Nai (60.498), Long An (34.071), Tiền Giang (15.392).

Số bệnh nhân khỏi bệnh: Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 22/10 là 5.202 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 803.326

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 71 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.543 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

Ngày 22/10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM ban hành kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vaccine.

Ban chỉ đạo dự kiến có khoảng 780.000 trẻ từ 12-17 tuổi cần tiêm vaccine. TP tiêm trước cho trẻ từ 16-17 tuổi.

Theo đó, trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng chống dịch. Trẻ không đi học sẽ được tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động do TP Thủ Đức và các quận huyện lựa chọn.

Ngoài ra, trẻ có bệnh nền sẽ tiêm tại bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi. Các trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi sẽ được lập danh sách để tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế, kể cả cư trú tại các tỉnh thành khác.

Hình ảnh tại phòng xét nghiệm PCR

Hình ảnh tại phòng xét nghiệm PCR

Theo kế hoạch, TP ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Mũi 1 sẽ tiêm trong 5 ngày, thời gian bắt đầu ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm vét trong 2 ngày. Mũi 2 tiêm trong 7 ngày, sau khi đã đủ thời gian tiêm mũi 2.

Vaccine tiêm là loại được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho trẻ từ 12-17 tuổi, tiêm 2 liều/người và tiêm cùng loại vaccine.

Ban chỉ đạo yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm rà soát, lập danh sách tiêm cho tất cả học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Sở Lao động - thương binh và xã hội lập danh sách trẻ không đi học hoặc các học sinh đang học, đang nuôi dưỡng tại các trường, trung tâm thuộc sở.

Theo tổng hợp của Bộ Y tế, tất cả các tỉnh thành đã thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch bệnh Covid-19. Kết quả có 26 địa phương ở vùng xanh, trong đó có TP. Hà Nội. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng ở vùng vàng- cấp 2. 63 tỉnh, thành đã thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Phạm vi đánh giá ở cấp tỉnh, huyện và phường/xã.

Theo tổng hợp của Bộ Y tế cập nhật đến 17h ngày 21/10, cả nước có 26 tỉnh, thành đang ở cấp độ dịch 1 (màu xanh, bình thường mới) gồm Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái.

Bộ Y tế nhận định, sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch.

Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, số người mắc và số người tử vong trong thời gian qua liên tục giảm. Cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, từ cố gắng dập dứt điểm ca bệnh sang "chung sống an toàn".

Thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk

Thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk

Tỉnh Đắk Lắk trong 7 ngày qua đã ghi nhận 427 ca mắc mới với hàng chục ổ dịch tại các địa phương, làm tình hình dịch COVID-19 tại địa phương này đang diễn biến phức tạp.

Chiều ngày 22/10, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ 16 giờ ngày 21/10 đến 16 giờ ngày 22/10, đã ghi nhận thêm 174 trường hợp mắc COVID-19, là số ca mắc trong ngày được ghi nhận nhiều nhất từ trước đến nay tại tỉnh này, có 82 ca ở cộng đồng, 72 ca ở các khu phong tỏa, còn lại là trong khu cách ly.

Theo ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, trên thực tế ngành y tế đã dự đoán trước được tình hình dịch bệnh khi trong 14 ngày qua, mỗi ngày tại địa phương tiếp nhận từ 600-700 người từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê. Trong số công dân về tỉnh có 225 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đặc biệt, nhiều chùm ca bệnh liên quan đến các chợ, các tiểu thương... khiến công tác truy vết, kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.

“Các biện pháp chống dịch hiện nay vẫn tập trung vào việc truy vết thần tốc để kịp thời phát hiện F0, F1. Sau đó là tập trung lực lượng, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, ưu tiên cho người dân trong vùng nguy cơ cao. Ngoài các vùng có dịch, ngành y tế các địa phương cũng cần chủ động xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm trong cộng đồng để kịp thời triển khai cách ly, khoanh vùng, điều trị phù hợp”.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Ana ông Bùi Công Sự cho biết, địa phương cũng vừa xuất hiện thêm 2 ổ dịch trong cộng đồng tại xã Bình Hòa và thị trấn Buôn Trấp. Đến đầu giờ chiều ngày 22/10 có tổng cộng 18 trường hợp có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 13 trường hợp đã có có kết quả xét nghiệm RT-PCR. Đáng chú ý, trong số này có 2 trường hợp là tiểu thương buôn bán tại khu chợ lớn nhất huyện và 1 trường hợp là nhân viên y tế thôn buôn. Cả 3 trường hợp này đều có tiếp xúc với rất nhiều người. Toàn bộ nhân viên tại Trạm Y tế thị trấn Buôn Trấp đều phải cách ly tại chỗ do có liên quan đến nhân viên y tế thôn buôn nói trên.

Tiếp đó tại huyện Cư Kuin, từ 1 ca bệnh ghi nhận trong cộng đồng ngày 18/10 ở buôn Ciêt, xã Ea Tiêu, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm 31 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại buôn này. Tại huyện Krông Búk, cũng từ một ca bệnh phát hiện trong cộng đồng ngày 18/10, tính đến ngày 21/10 địa phương đã ghi nhận thêm 67 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến ca bệnh.

Đến nay tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 2.930 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1.856 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh và 22 trường hợp tử vong.

LN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh