Dịch tay chân miệng xuất hiện tại 28 quận, huyện
- Y học 360
- 17:15 - 13/04/2021
Lãnh đạo TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm việc phòng chống COVID-19, đồng thời phải chú trọng phòng chống dịch bệnh tay chân miệng cùng các dịch bệnh khác trong lúc giao mùa như sốt xuất huyết. Yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền để người dân biết, nắm rõ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.
Sở Y tế đề nghị các quận huyện, thị xã chỉ đạo Phòng GD&ĐT cùng Trung tâm y tế tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch cho giáo viên, học sinh; khuyến cáo phụ huynh; hướng dẫn nhà trường vệ sinh môi trường lớp học bằng xà phòng hoặc Cloramin B; thông tin kịp thời các trường hợp mắc cho cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, xử lý dịch.
Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4 - 5 và tháng 9 - 10 hàng năm.
Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, cả cha mẹ và trẻ phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy nhiều lần trong ngày. Đôi bàn tay của cha mẹ hay người chăm trẻ cũng cần phải rửa sạch bằng xà phòng, nhất là thời điểm trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và sau khi đi vệ sinh, thay bỉm, tã… Cha mẹ không nên mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi.
Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Với trẻ đang bị mắc tay chân miệng cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày, không nên đưa trẻ đến lớp hay nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.