THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:31

Cục Thú y xác nhận: Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại Hưng Yên và Thái Bình

 

Thông tin về dịch tả lợn Châu Phi (ASF), Cục Thú y cho biết, tại thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), đã phát hiện virus  gây bệnh ASF tại 2 hộ chăn nuôi là hộ ông Dương Văn Vũ (Đội 5, thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, TP.Hưng Yên) và hộ ông Lê Xuân Tình (thôn Khoá nhu 2, xã Yên Hoà, Yên Mỹ).

Tiêu hủy lợn bị bệnh.

 

Ngay khi nhận được thông tin, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương và chính quyền các cấp của địa phương thực hiện tiêu hủy toàn bộ 33 con lợn của hộ chăn nuôi ông Dương Văn Vũ và 101 con lợn của hộ ông Lê Xuân Tình; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao.

Ngành NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã khẩn cấp thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn. Tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch.

Sau khi xét nghiệm, tại địa bàn lân cận hộ chăn nuôi của gia đình ông Vũ cho kết quả âm tính. Riêng kết quả xét nghiệm đàn lợn tại khu vực lân cận gia đình ông Tình đang chờ kết quả xét nghiệm.

Tại tỉnh Thái Bình, đã phát hiện có 6 hộ chăn nuôi thuộc 4 thôn thuộc xã Đông Đô, huyện Hưng Hà có bệnh ASF.

Đến thời điểm này, 123 con lợn của các hộ chăn nuôi đã bị tiêu hủy hoàn toàn. Cơ quan thú y và chính quyền địa phương đã thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn. Rất mừng là sau khi tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch, kết quả đều âm tính.

Cũng theo Cục trưởng Cục Thú y, bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Người dân và người tiêu dùng không nên hoang mang, tẩy chay các sản phẩm thịt lợn. Trong đó, người chăn nuôi lợn cần áp dụng ngay các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng vôi bột rắc khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi.

Về nguyên nhân của bệnh dịch ghi nhận tại Hưng Yên và Thái Bình, ông Phạm Văn Đông cho rằng, nguyên nhân là chim di cư mang theo nguồn bệnh, buôn bán và vận chuyển lợn từ các quốc gia đang có dịch. Nhiều người dân vì lợi ích trước mắt, vì giá lợn hơi các tháng cuối năm cao nên vẫn buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, chăn nuôi tại Việt Nam hiện tại phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Thời tiết biến đổi bất lợi, trời rét và mưa nhiều cũng là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan và hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị được bệnh dịch bệnh tả lợn châu Phi.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh