Thủ tướng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”
- Sức khỏe
- 19:21 - 04/03/2019
Các cấp, các ngành cùng xắn tay, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
Thủ tướng cho biết, đặc điểm chăn nuôi lợn ở Việt Nam khác với các nước. Cả nước có 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, chiếm 49% tổng đàn lợn và trên 10.000 trang trại. Thịt lợn chiếm 70% sản phẩm thịt các loại. “Khẩu hiệu đặt ra là “chống dịch như chống giặc” để huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi. Hiện dịch đã xâm nhập vào 7 tỉnh/ thành phố của Việt Nam. Nếu có biện pháp mạnh, ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lây lan rộng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Nói về sự quyết liệt trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng lấy ví dụ Trung Quốc, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đến nay họ đã khống chế dịch được đến 90%. Đây là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý.
Nhắc nhở một số địa phương chỉ cử chi cục thú ý dự hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi không phải đơn thuần là việc của chi cục thú y, Bộ NN&PTNT mà mỗi địa phương đều phải ra tay thì mới hiệu quả. Do đó, các cấp, các ngành, theo chức năng được phân công, phải xắn tay áo vào cuộc, bao gồm cử cán bộ, cung cấp phương tiện, không chỉ ra văn bản chỉ đạo mà có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời. Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Tài chính có hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, để người dân hiểu không hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch, không để do vấn đề này mà ngành chăn nuôi ở Việt Nam bị ứ đọng, đình trệ. Đồng thời, người chăn nuôi hiểu và cam kết thực hiện “5 không” trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Các tuyến đường giao thông vào thôn Chanh (Hà Nam) đã thành lập 3 chốt kiểm tra, ngăn chặn không để vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra vào vùng có dịch.
Đồng thời, cần tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm khắc địa phương nào không làm. Từ Chỉ thị 04, các cấp, các ngành cần cụ thể hóa, triển khai rõ ràng hơn, chứ không chung chung, đại khái.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu ra một số câu hỏi: Tại sao dịch lại bùng phát từ 1 tỉnh, 2 tỉnh nay đã lan đến 7 tỉnh và có nguy cơ lan rộng dù đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Nguyên nhân thật sự do đâu? Giải pháp trong thời gian tới là gì?
Thủ tướng đặt vấn đề: “Tại sao có hiện tượng thương lái gia tăng số lượng vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam, có phải đây là nguyên nhân dịch đi sâu vào các tỉnh phía Nam hay không?”. Thủ tướng cho rằng, cần kiểm soát tốt việc vận chuyển này chứ không phải ngăn chặn hoàn toàn.
Về vấn đề hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi và các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng đề nghị các địa phương kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy lợn. Thủ tướng đồng ý theo đề xuất của Bộ NN&PTNT là hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và mức cao hơn đối với lợn nái, lợn đực giống buộc phải tiêu hủy.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng đặt vấn đề về cách tổ chức triển khai công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh của các cơ quan chức năng đã quyết liệt? Các cấp, các ngành cần phải làm gì để củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống thú y đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong hoàn cảnh hiện nay. Vì thiếu tiền, thiếu cách làm hay vô ý thức để dịch lan rộng? Định hướng phương pháp tổ chức thực hiện, Thủ tướng nêu rõ: “Giao kinh phí hỗ trợ cho địa phương tổ chức thực hiện, tự chịu trách nhiệm là tốt nhất. Phải nêu cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, để tránh tình trạng “tiêu hủy 5 con lợn thì khai 8 con, không có dịch mà nói có dịch”. Bên cạnh đó, cần giám sát thực hiện để bảo đảm tính chính sách, đúng đối tượng, chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách”.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải tốt công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn, cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Công tác vệ sinh chuồng trại, môi trường đang được chính quyền và người dân thực hiện nghiêm túc.
Tiêu hủy hơn 4 nghìn con lợn bị bệnh
Theo số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT, từ ngày 1/2 – 3/3/2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 15 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
"Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đại đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý tiêu hủy ngay lập tức", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, qua công tác kiểm tra đánh giá tình hình cho thấy các địa phương đã vào cuộc rất gấp gáp, từ lãnh đạo tỉnh, huyện cho đến người dân đều áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn, tích cực tiêu độc khử trùng, phun vôi bột và tiêu huỷ khi có lợn mắc dịch. Tuy nhiên chúng ta có 14 triệu hộ chăn nuôi quy mô nông hộ, bởi vậy việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Trong công tác phòng, chống một số ổ dịch tại địa phương cũng đã nảy sinh một số vấn đề về cơ chế chính sách. Thủ tướng cũng đã có ý kiến chỉ đạo để tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất để các địa phương triển khai hỗ trợ người dân trong phòng chống dịch, không để ảnh hưởng đến ngành hàng chăn nuôi.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: “Chúng tôi chủ trương hỗ trợ tiêu huỷ lợn ở mức cao nhất là 38.000 đồng/kg. Và đến nay, các ổ dịch đã qua 25 ngày nhưng không có phát sinh, điều đó chứng tỏ nếu quyết tâm cao trong công tác phòng chống dịch thì sẽ hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh". Ông Nguyễn Hồng Diên cũng kiến nghị Chính Phủ hỗ trợ kinh phí để xét nghiệm mẫu, phục vụ công tác kiểm soát giết mổ, kinh doanh thịt lợn vì Thái Bình là tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn. Đồng thời hỗ trợ kinh phí chống dịch tại các địa phương, vì để tìm kiếm nguồn hỗ trợ lợn tiêu huỷ gặp rất nhiều khó khăn.
Chốt kiểm dịch động vật tại huyện Yên Định (Thanh Hóa).
Các địa phương căng mình phòng, chống lây lan
Xã Yên Hòa, Huyện Yên Mỹ là nơi phát hiện lợn bị dịch tả châu Phi đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên. Có mặt tại xã Yên Hòa (Yên Mỹ), ngay từ cổng vào duy nhất của thôn, chốt kiểm dịch động vật đã được lập với lực lượng và cơ số vật tư thú y đầy đủ. Mỗi khi có người, phương tiện qua lại đều phải dừng và tiến hành phun thuốc khử trùng. Lối đi vào thôn và đường vào các hộ chăn nuôi trong thôn đều được rắc vôi bột khá dày; hệ thống truyền thanh của xã thường xuyên phát các bài tuyên truyền về bệnh dịch tả lợn Châu Phi và biện pháp phòng, chống bệnh dịch.
Gia đình anh Lê Văn Nghĩa (thôn Khóa Nhu 2, xã Yên Hòa) là 1 trong 6 hộ đầu tiên ở thôn phát hiện lợn bị dịch tả châu Phi. Anh Nghĩa cho biết, ngày 14/2, anh phát hiện đàn lợn trong chuồng có một vài con có biểu hiện sốt, ốm. Nghĩ lợn chỉ bị bệnh thông thường nên anh tiêm thuốc hạ sốt và cho uống kháng sinh, tuy nhiên, lợn vẫn yếu. Sau đó, anh liền báo cáo lên cán bộ thú y xã để xét nghiệm. Kết quả cho thấy những con lợn ốm này dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Toàn bộ số lợn 124 con ngay sau đó đã bị tiêu hủy (trong đó có 20 lợn nái, 10 con nái hậu bị, hơn 90 lợn con và lợn thịt) và được khử trùng theo đúng quy định. Toàn thôn Khóa Nhu 2 có hơn 80 hộ chăn nuôi lợn, các hộ đều được tuyên truyền về bệnh dịch tả lợn Châu Phi, có sự phối hợp chặt chẽ với ngành thú y và chính quyền địa phương để kiểm soát đàn, theo dõi diễn biến bệnh dịch. Ông Lê Văn Duyệt, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: “Ngay khi phát hiện có lợn bị dịch tả châu Phi, xã đã chủ động trích kinh phí mua 3 tấn vôi bột để khử trùng tại các khu vực công cộng, chợ, khu chăn nuôi… Tuyên truyền để hộ chăn nuôi lợn tự giác trong công tác phòng, chống bệnh dịch, chủ động thông tin kịp thời cho cán bộ thú y cơ sở khi phát hiện lợn có biểu hiện bệnh dịch để có biện pháp xử lý đúng, tuyệt đối không để hộ chăn nuôi giấu bệnh dịch, vứt xác lợn bừa bãi hoặc bán lợn bệnh”.
Công tác tiêu độc khử trùng được các địa phương quyết liệt triển khai.
Tại Thanh Hóa, từ ngày 15/2, một số con lợn nái của 7 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Định Long, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có hiện tượng chết bất thường. Ngày 23/2, UBND huyện Yên Định và trạm thú y huyện nhận được tin báo về hiện tượng lợn bị ốm tại gia trại của gia đình ông Lê Văn Thanh ở thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định.
Ngay khi nhận được tin, Chi cục thú y cùng các đơn vị chức năng đã lấy 5 mẫu của đàn lợn của gia đình ông Thanh và 12 mẫu máu trên đàn lợn của 2 hộ xung quanh. Đến ngày 24/2, kết quả có 5 bệnh phẩm lấy tại hộ ông Thanh dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi (ASF). Cùng ngày, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 226 con lợn trong gia trại của gia đình ông Lê Văn Thanh đồng thời tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại của nhiều hộ dân trên địa bàn. UBND huyện Yên Định đã ban hành quyết định công bố Dịch tả lợn châu Phi tại địa phương. Ngoài ra, huyện Yên Định cũng lập các chốt trực 24/24 tại mọi tuyến đường vào địa bàn huyện giúp người dân được biết để có biện pháp phòng tránh. Đến thời điểm hiện tại, ngoài huyện Yên Định ra, tại Thanh Hóa chưa phát hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi. Các địa phương trong tỉnh hiện đang tích cực triển khai nhiều biện pháp, chủ động theo dõi, giám sát để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, tránh để dịch bệnh tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng.
Ngày 27/2, đàn lợn của gia đình ông Chu Văn Vỹ, thôn Chanh Trung Đồng, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam xảy ra tình trạng lợn ốm, chết bất thường. Nhận được thông tin Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Hà Nam đã tiến hành lấy tổng số 5 mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn 15 con nuôi tại chuồng đưa đi xét nghiệm. Ngay trong ngày đã có kết quả cả 5 mẫu bệnh phẩm đều dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi. Xã Văn Xá đã họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, phân công trách nhiệm cho các thành viên thực hiện công tác chống dịch. Ông Bùi Trung Kiên, Trưởng thôn Chanh cho biết: “Số lợn mắc dịch tả Châu Phi tại gia đình ông Chu Văn Vỹ là do mua giống lợn từ các nơi khác, không phải có nguồn gốc từ địa phương. Kể từ khi phát hiện có dịch, chính quyền địa phương cùng người dân đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Nhanh chóng khoanh vùng, dập tắt ổ dịch, tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc hệ thống chuồng trại 1 lần/ngày, phun thuốc khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột toàn bộ môi trường xung quanh, kể cả đường làng, ngõ xóm... Đặc biệt, các đoàn thể trong thôn đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch của bà con, không xảy ra trường hợp giấu dịch, vận chuyển lợn bệnh trái phép ra khỏi địa bàn, tránh gây hoang mang dư luận”. Đến nay, sau 6 ngày phát hiện ổ dịch đầu tiên tại gia đình ông Chu Văn Vỹ, tỉnh Hà Nam chưa ghi nhận bất kỳ đàn lợn nào lây lan bệnh dịch.