Địa phương quyết tâm nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT 2016
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 12:46 - 05/04/2016
Gia Lai: Phát động phong trào thi đua nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT 2016
Gia Lai có lẽ là tỉnh duy nhất trong cả nước thời điểm hiện tại phát động phong trào thi đua chuyên đề "Nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016".
Chỉ tiêu Sở này đặt ra là phấn đấu đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT tối thiểu bằng tỷ lệ tốt nghiệp bình quân của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 hệ giáo dục thường xuyên trên 65% và hệ giáo dục phổ thông trên 90%; tỷ lệ tốt nghiệp khá, giỏi tăng 3% so vởi năm 2015.
Một trong những giải pháp được đưa ra là chỉ đạo các tổ chuyên môn tập trung bổ sung, hoàn thiện đề cương ôn tập, tài liệu nội bộ cho 8 môn thi sao cho phù hợp với chương trình thi THPT quốc gia năm 2016; có các biện pháp ôn tập, bồi dưỡng kiến thức phù hợp từng đối tượng học sinh.
Dạy lớp 12 là những giáo viên có năng lực tốt, tinh thần trách nhiệm cao dạy lớp 12. Về phía nhà trường, sẽ tạo điều kiện và động viên giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đánh giá đúng mức sự đóng góp của từng giáo viên, tổ chức tuyên dương, khen thưởng kịp thời.
Có kế hoạch bồi dưỡng, sử dụng giáo viên phù hợp năng lực và phẩm chất từng người. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có “tâm” với nghề, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, hết lòng vì học sinh.
Các hội nghị chuyên đề cũng thường xuyên được tổ chức, kịp thời bàn các biện pháp đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, nội dung chương trình ôn tập, quản lý chất lượng giờ dạy, động viên học sinh đến lớp,., để nâng cao chất lượng dạy và học.
Sở GD&ĐT cũng phát động phong trào thi đua trong học sinh, quyết tâm “vượt khó - học tập tiến bộ”. Quan tâm đặc biệt đến những học sinh thuộc diện hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh gặp nhiều khó khăn trong học tập,., động viên các em quyết tâm vượt, qua mọi khó khăn, cố gắng trong học tập, phấn đấu đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Tổ chức tuyên dương, khen thưởng kịp thời những học sinh vượt khó tiêu biểu và phát động học sinh toàn trường học tập.
Phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh, Đoàn thanh niên trong việc rèn luyện, giáo dục và động viên khen thưởng học sinh.
Cụ thể, xây dựng mối liên hệ phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để rèn luyện, chăm lo cho học sinh, nhất là các học sinh ý thức học tập chưa tốt.
Những học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn giáo viên chủ nhiệm báo cáo nhà trường để phối hợp quan tâm động viên, giúp đỡ. Đoàn thanh niên tổ chức các đợt “thi đua học tốt”, “các hội nghị học tốt”, nhằm tạo ra phong trào tự học cho học sinh.
Sở GD&ĐT đặc biệt nhấn mạnh việc tạo tâm thế tốt nhất cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi, ngoài việc trau dồi cho học sinh lượng kiến thức thật đầy đủ để tham gia thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp cùng với cha mẹ học sinh phối hợp tạo cho các em một tâm thế tốt trước khi bước vào kì thi bằng việc chăm sóc sức khỏe, động viên, khích lệ các em. Phân tích cho các em thấy đây là một kỳ thi quan trọng nhưng sẽ không gây nhiều áp lực nếu các em chuẩn bị tốt tâm thế.
Khi kiểm tra học kì II kết thúc, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị tổ chức đánh giá chất lượng, hiệu quả việc dạy học trong năm qua, đặc biệt là chất lượng, hiệu quả các giờ phụ đạo.
Chủ động xây dựng kế hoạch ôn luyện cho học sinh dự thi THPT quốc gia phù hợp với trình độ. Trong quá trình ôn luyện, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học sinh nhằm động viên và kíp thời uốn nắn học sinh.
Giải thích học sinh ý nghĩa việc tham gia thi thử THPT quốc gia, động viên học sinh tham gia đầy đủ và làm bài nghiêm túc. Chấm trả bài, củng cố kiến thức còn hổng của học sinh kịp thời, giúp các em tự tin trong kỳ thi sắp tới.
Hải Dương: Tập trung mạnh vào công tác ôn tập
Một trong những nội dung quan trọng được Sở GD&ĐT Hải Dương chú trọng trước kỳ thi THPT quốc gia là tuyên truyền để học sinh, cha mẹ học sinh nắm chắc những quy định, nhất là những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Đồng thời, nắm rõ tình hình học tập của từng học sinh, đặc biệt là những học sinh có học lực yếu, kém có thể không đủ điều kiện dự thi để phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho việc học và ôn tập của học sinh.
Việc phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, của lớp cũng được nhấn mạnh để làm tốt công tác tư vấn giúp học sinh đăng ký dự thi đúng khả năng, trình độ và nguyện vọng của bản thân.
Hiện nay, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường kịp thời kiểm tra, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung đầy đủ, kịp thời hồ sơ cá nhân của học sinh đang học lớp 12 theo quy định.
Cùng với đó, tổ chức phổ biến, học tập quy chế thi THPT quốc gia cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh lớp 12 dự thi để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh làm nhiệm vụ coi thi và dự thi chấp hành nghiêm túc Quy chế thi.
Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập, thi THPT quốc gia năm 2015 và điều kiện cụ thể của nhà trường về chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Sở GD&ĐT Hải Dương yêu cầu Hiệu trưởng các trường, Giám đốc Trung tâm trên địa bàn xây dựng kế hoạch và tổ chức ôn tập thi THPT quốc gia theo nguyện vọng ôn tập của học sinh lớp 12.
Sở này nói rõ việc tập trung chỉ đạo các tổ chuyên môn và giáo viên bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập thi năm 2016, chú ý đến các nội dung kiến thức của chương trình đã được điều chỉnh theo Công văn số 5842/BGDĐT-VP của Bộ GD&ĐT.
Tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức theo tinh thần Công văn số 8773/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn biên soạn đề kiểm tra theo ma trận với 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Chú ý các yêu cầu chỉ đạo mới về dạy và học đã nêu tại hướng dẫn nhiệm vụ năm học, trong đó, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước.
Đối với môn Ngoại ngữ, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
Với nhà trường, Sở GD&ĐT đề nghị chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi để phân nhóm học sinh trong lớp theo khả năng nhận thức, theo các môn thi tự chọn để có hình thức, phương pháp hướng dẫn ôn tập phù hợp, hiệu quả; quan tâm giúp đỡ học sinh học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình.
Đối với học sinh khá, giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường tự học có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Nhà trường cần hỗ trợ cho học sinh tự học một số điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu bổ trợ và giải đáp thắc mắc cho học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cần thống nhất với học sinh việc tổ chức học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi THPT quốc gia phải thực hiện theo đúng quy định; đặc biệt là đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học.
Đối với những học sinh đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp nếu có nguyện vọng ôn tập, trường THPT, trung tâm GDTX cần tạo điều kiện tổ chức ôn tập cho các em.
Các trường ở Gia Lai được yêu cầu tổ chức cho học sinh học tập quy chế thi thật nghiêm túc để tránh tình trạng các em bỡ ngỡ, mắc lỗi khi thi, hướng dẫn cách làm bài thi trắc nghiệm, tự luận và tự tin trong khi làm bài. |
Học sinh khối 12 của Hải Dương sẽ kiểm tra cuối học kỳ theo hình thức kiểm tra chung toàn tỉnh 8 môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ (đối với học viên lớp 12 GDTX không kiểm tra môn Ngoại ngữ). Thời gian hoàn thành đánh giá, xếp loại học sinh lớp 12 chậm nhất là ngày 14/5/2016. |