CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:24

Chủ động, sẵn sàng trước kỳ thi THPT Quốc gia 2016

 

Thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015.


Khẳng định điều này, ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc - đồng thời cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2016, Vĩnh Phúc sẽ tập trung nâng cao các chỉ số:

Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT; điểm trung bình các bài thi; tăng số học sinh có tổng điểm các môn thi cao; tăng số học sinh có môn thi đạt điểm tuyệt đối ; phấn đấu là một trong các tỉnh có kết quả cao của cả nước.

Giải pháp nào sẽ được nhấn mạnh để Vĩnh Phúc có thể đạt được những mục tiêu khá cụ thể như trên, thưa ông?

- Chúng tôi yêu cầu mỗi trường THPT căn cứ điều kiện thực tiễn về đội ngũ, về chất lượng học sinh làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, thực hiện tốt công tác phân luồng ngay trong cấp học, đồng thời chủ động triển khai các giải pháp phù hợp với đơn vị, quyết tâm nâng cao chất lượng thi THPT quốc gia của trường mình.

 

 

Ông Nguyễn Xuân Trường .

Đồng thời, các trường phải thực hiện nghiêm túc việc ra đề, thẩm định đề kiểm tra đánh giá chất lượng dạy-học đáp ứng yêu cầu kì thi THPT quốc gia theo sự phân công của Sở.

Công tác tuyên truyền cho kỳ thi THPT 2016 tiếp tục được chú trọng. Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường cập nhật, phổ biến tới toàn thể giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh đối với các thông tin về kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

Lưu ý nhấn mạnh những điểm mới của kì thi THPT quốc gia năm 2016 và phương án tuyển sinh ĐH, CĐ giúp học sinh chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động bước vào kỳ thi THPT quốc gia.

Căn cứ kết quả học tập, kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh trong các năm học, Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo Ban Hướng nghiệp phối hợp cùng các đoàn thể, cơ quan hữu quan tổ chức việc tư vấn cho học sinh, phụ huynh học sinh về định hướng nghề nghiệp, tư vấn lựa chọn cụm thi phù hợp năng lực học sinh.

Đánh giá đúng chất lượng học sinh, thực hiện tốt việc phân luồng học sinh ngay trong cấp học đối với những học sinh không đáp ứng yêu cầu kiến thức của cấp THPT.

Những chỉ số Vĩnh Phúc đưa ra chủ yếu liên quan đến vấn đề điểm số, như vậy chắc chắn công việc ôn tập của các trường sẽ khá áp lực?

- Về vấn đề này, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo rõ các trường: Việc tổ chức cho HS ôn tập theo các lớp chuyên đề phải được thực hiện theo đúng Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh; cần có sự thống nhất giữa nhà trường với phụ huynh học sinh nhằm đạt hiệu quả cao nhất, không gây quá tải cho học sinh, giáo viên.

Ngoài nguyên tắc chung như trên, chúng tôi cũng hết sức lưu ý kế hoạch tổ chức ôn tập cần thể hiện được các nội dung cơ bản sau: Bám sát định hướng đổi mới của Bộ GD&ĐT; kết quả thực hiện của các năm học trước; phân tích, đánh giá được nguyên nhân của kết quả, nguyên nhân của các tồn tại hạn chế; nêu rõ đánh giá về chất lượng nguồn học sinh tham dự thi kì thi THPT quốc gia năm 2016 của trường;

Xác định rõ các giải pháp về quản lý, về đội ngũ, về chuyên môn đảm bảo đáp ứng kiến thức môn học, rèn luyện kỹ năng, phát triển năng lực cho học sinhtheo yêu cầu của từng môn học nhằm nâng cao chất lượng thi; khung thời gian ôn tập cho từng môn (thời điểm bắt đầu, kết thúc, buổi/tuần); phân công xây dựng chương trình, phê duyệt chương trình; phân công giáo viên giảng dạy; công tác quản lí, kiểm tra, theo dõi hoạt động dạy - học; lịch kiểm tra, đánh giá chất lượng ôn tập.

Khi xây dựng tài liệu giảng dạy ôn tập, yêu cầu dựa vào tài liệu chuẩn kiến thức kỹ năng bộ môn, sách giáo khoa, sách bài tập; đề thi THPT quốc gia năm 2015; năng lực và nguyện vọng của học sinh.

Bên cạnh đó, cần tổ chức lớp ôn tập phù hợp đối tượng, nguyện vọng và năng lực của HS (theo các khối thi ĐH, CĐ truyền thống và tổ hợp các môn thi theo đề án riêng của các trường ĐH, CĐ).

Giáo viên khi dạy ôn tập phải có giáo án giảng dạy riêng cho từng loại đối tượng học sinh, hướng dẫn học sinhvận dụng các phương pháp ôn tập phù hợp, chú trọng hướng dẫn phương pháp tự học.

Nội dung, phạm vi, kiến thức ôn tập bám sát chương trình phổ thông, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, đảm bảo đáp ứng chuẩn kiến thức, kĩ năng và thái độ của từng bộ môn từ cơ bản đến nâng cao (yêu cầu học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản); tùy theo đối tượng học sinh để phát triển kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, mức độ vận dụng sáng tạo (theo hướng mở, tích hợp) của từng môn học cho phù hợp.

Ngoài việc đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với việc ôn tập thi THPT quốc gia, liệu có cần các biện pháp để kiểm tra, đánh giá nội dung này?

- Hiện nay, chúng tôi đã có kế hoạch tổ chức hai đợt khảo sát chất lượng ôn tập thi THPT quốc gia, lần 1 vào ngày 15 - 17/1/2016 và lần 2 vào ngày19 - 21/3/2016.

Việc tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng ôn tập thi THPT quốc gia được yêu cầu phải đảm bảo nghiêm túc, đánh giá đúng chất lượng học sinh, công khai kết quả đến học sinh, phụ huynh học sinh, Hội đồng giáo dục nhà trường.

Sau mỗi lần khảo sát đều phải tổ chức phân tích, đánh giá kết quả đến từng học sinh (kết quả chung và kết quả tổ hợp các môn theo nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ), từng môn, từng lớp; đánh giá công tác quản lý, công tác giảng dạy của từng GV, đánh giá về nội dung chương trình và kịp thời điều chỉnh các nội dung nếu cần.

Cụ thể hình thức khảo sát sẽ như thế nào, thưa ông?

- Hình thức đề kiểm tra tự luận hoặc trắc nghiệm khách quan (tự luận đối với các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí; trắc nghiệm đối với các môn: Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngoại ngữ).

Cấu trúc đề kiểm tra chung cho tất cả các học sinh (không có phần dành riêng cho chương trình cơ bản hay nâng cao), đảm bảo theo 4 mức độ: nhận biết và thông hiểu chiếm 60%, trong đó mức độ nhận biết không dưới 30%; mức độ vận dụng cơ bản (HS có học lực khá dễ dàng đạt điểm tối đa trong phần này) chiếm 30%; vận dụng cao (tổng hợp, sáng tạo) chiếm 10%; thời gian làm bài đối với các môn thi theo hình thức tự luận là 180 phút, các môn thi theo hình thức trắc nghiệm là 90 phút.

Mức độ yêu cầu của đề kiểm tra phải phù hợp với đối tượng học sinh và đồng thời bám sát yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng của môn học, xác định trọng tâm kiến thức, số tiết phân phối cho từng chủ đề/ nội dung kiến thức, từ đó xác định số câu, mức độ kiến thức đối với từng chương, từng phần kiến thức đảm bảo:

Đánh giá năng lực, trình độ học sinh, kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức đã học để xử lý những vấn đề thực tiễn, đồng thời có khả năng phân hóa trình độ học sinh, nhằm đánh giá đúng chất lượng học sinh, từ đó giúp giáo viên điều chỉnh về nội dung và phương pháp giảng dạy, học sinh điều chỉnh phương pháp và nội dung học tập.

Khi chấm, chấm chữa bài cần nhận xét, đánh giá chi tiết, thông qua đó rèn kỹ năng làm bài cho học sinh, kĩ năng trình bày để học sinh không “mất điểm” và có thể đạt điểm cao tuyệt đối.

Công tác bồi dưỡng giáo viên có vai trò như thế nào trong việc nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia 2016? Ông có thể chia sẻ kế hoạch của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc về công tác này?

- Bồi dưỡng giáo viên là một giải pháp quan trọng giúp đạt được các mục tiêu đặt ra trong kỳ thi THPT quốc gia tới. Ở Vĩnh Phúc, cùng với công tác bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ do Sở tổ chức, các trường tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác tự bồi dưỡng của mỗi cán bộ, giáo viên, tự bồi dưỡng trong tổ nhóm chuyên môn theo định hướng:

Mỗi đơn vị nhà trường là một trung tâm bồi dưỡng giáo viên, đổi mới công tác sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn tập trung xây dựng các chuyên đề dạy học, nghiên cứu nội dung bài học, tìm hiểu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

Xây dựng hoặc chủ động phối hợp với các trường bạn để sớm hình thành đội ngũ giáo viên cốt cán ở tất cả các bộ môn đáp ứng yêu cầu hướng dẫn học sinh ôn tập và thi THPT quốc gia đạt kết quả cao.

Sở GD&ĐT cũng đưa yêu cầu tổ chức Hội thảo các chuyên đề ôn thi cấp trường, đánh giá cụ thể kết quả triển khai thực hiện các chuyên đề. Trong quá trình tổ chức viết chuyên đề, cần lưu ý một số nội dung:

Thứ nhất: Hệ thống kiến thức sử dụng trong chuyên đề. Từ kiến thức cơ bản trong SGK đến kiến thức nâng cao; liên hệ vận dụng kiến thức môn học trong việc xử lí các tình huống thực tiễn trong đời sống, xã hội; kích thích tư duy sáng tạo, chủ động tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Thứ hai, phân loại, dấu hiệu nhận biết đặc trưng các dạng bài tập của chuyên đề.

Thứ ba là các phương pháp cơ bản, đặc trưng để giải các dạng bài tập trong chuyên đề.

Cuối cùng, hệ thống ví dụ, bài tập cụ thể cùng lời giải minh họa cho chuyên đề; tập hợp các bài tập tự giải; hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tìm hiểu chuyên đề.

Căn cứ hiệu quả của công tác ra đề và trao đổi đề kiểm tra chất lượng ôn tập thi THPT quốc gia đối với công tác bồi dưỡng đội ngũ, năm học 2015-2016, chúng tôi yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc với chất lượng cao nhất công tác ra đề, trao đổi và thẩm định đề kiểm tra chất lượng giữa các trường.

Chúng tôi coi đây là một tiêu chí quan trọng đánh giá công tác xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán và bồi dưỡng đội ngũ của mỗi trường.

Xin cảm ơn ông!

Theo HIẾU NGUYỄN / giaoducthoidai.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh