CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:47

Người chữa rắn cắn bằng... thần chú

 

Sự báo mộng “huyền bí”?

Phải đi đường rừng mất gần nửa giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được nhà ông Hà Văn Án, 70 tuổi (khu Tiến Minh, xã Thu Cúc, Tân Sơn, Phú Thọ). Căn nhà sàn rộng thênh thang lọt thỏm giữa khu rừng yên ắng và tĩnh mịch. Thấy khách đến, ông niềm nở mời vào nhà. Ông bảo vừa mới đi chữa rắn cho người bà con ở Hải Phòng về.

 

Ông Hà Văn Án đang chia sẻ cách hút độc rắn cắn. Ảnh: Cù Hiền.


Kể về cơ duyên đưa ông tới công việc chữa rắn cắn, cứu người, ông bùi ngùi cho biết, trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vào năm 1973, trong một lần đi tắm suối, một đồng chí của ông bị rắn cạp nong cắn. Không lâu sau đó, người này đã ra đi vì chất độc ngấm vào máu. Suốt mấy đêm liền, ông không ngủ được vì đau buồn khi mất đi một đồng đội thân thiết.

Trong lúc quá mệt, ông thiếp đi và thấy mẹ mình hiện về trong giấc mơ. Bà nói: “Sau này, con sẽ trở thành một lương y giỏi, chữa được nhiều bệnh, nhưng nhất định con phải thành tâm. Có như vậy, bài thuốc mới có tác dụng. Có một người đàn ông sẽ giúp con...”.

Tháng 8/1975, ông trở về quê hương và vô cùng ngỡ ngàng khi người yêu vẫn chờ đợi sau bao năm xa cách. Hai người tổ chức đám cưới ngay sau đó. Một thời gian sau, bố vợ ông định truyền lại bài thuốc quý cho con rể. Khi ấy, ông mới nhớ lại giấc mơ và lời mẹ ông dặn khi còn trong quân ngũ. Dù bố vợ nói bài thuốc rất khó học nhưng nghĩ người bạn thân đã ngã xuống, ông quyết tâm học bằng được.

 Phương pháp kỳ lạ

Bố vợ ông nói, bài thuốc chỉ truyền cho những người khác dòng máu. Bài thuốc còn có tên gọi là “Niềm” xuất phát từ bên Trung Quốc, sau đó truyền tai sang cho người dân tộc Thái ở Sơn La. “Bài thuốc tồn tại dạng ngôn ngữ nói, tất cả gồm ba bài và năm câu thần chú, kết hợp nhiều ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau. Bài một là ngôn ngữ tiếng Mường cùng với tiếng Kinh, bài thứ hai và bài ba là ngôn ngữ Thái”, ông nói.

Trong một đêm bắt buộc phải học thuộc tất cả nội dung bài thuốc. Nếu học không chính xác thì con rắn sẽ tìm về cắn đúng người học trò “ẩm ương” ấy. “Tôi không hiểu bài thuốc có điều gì linh thiêng đến thế nhưng đã có người học nửa vời đã bị chết rồi. Tôi rất sợ nhưng vẫn quyết tâm học”, ông Án chia sẻ.

 

 

Ông nói, nội dung bài thuốc nếu hiểu theo nghĩa tiếng Việt có nghĩa là: “Mày sao mày ngủ ở đây, sao mày lại cắn vào con tao... Mày cắn con tao một lần, tao cắn lại mày chín lần. Mày còn làm đau con tao mày chết, tao hơn mày nhiều, mày không trị được tao đâu...”.

Nếu một người bị rắn độc cắn, việc đầu tiên là người nhà phải đến nhà ông An đặt lễ lên bàn thờ. Lễ không cần nhiều, có khi chỉ một vài nghìn bạc lẻ. Ông sẽ kêu khấn tổ tiên trước khi đi cứu người. “Nếu không đặt lễ, khi tôi chữa xong cho nạn nhân, con rắn đó sẽ tìm về cắn tôi để trả thù. Đó là những điều thần bí của bài thuốc mà chưa ai có thể lý giải được”, ông An cho hay.

Sau khi đặt lễ, ông thắp hương và khấn bằng tiếng Thái với nội dung: “Bố ơi, người dân bị rắn độc cắn, nay con mời bố về đi bảo vệ con. Đêm thì bố hay, ngày thì bố biết, bố về cứu chúng con”.

Sau đó ông vào bếp, lấy một bát nước, cho thêm ít muối, bỏ một ít tro bếp vào bát nước. Ra hướng mặt trời lặn đọc thần chú, mỗi lần nói xong lại à ba tiếng thật lớn. Mọi thủ tục xong xuôi, ông úp bát thiêng vào ban thờ và đi. Những “thủ tục” trên là để tháo gỡ cặn bẩn trong người trước khi đi làm phúc cứu người.

Ngoài đọc thần chú, khi gặp bệnh nhân, ông còn thổi vào miệng của họ. Nếu người bị rắn cắn là nam giới, ông sẽ ngồi bên trái, nếu là nữ giới, ông sẽ ngồi bên phải, thổi vào miệng nạn nhân ba lần. Rắn cắn vào đâu khi ông thổi thì máu độc chảy ra ở đó. “Có những người do vết cắn quá nhỏ, lại đi làm trên nương rẫy nên đất, cát vít miệng cắn vào. Khi ấy phải lấy gai cây khêu miếng đất ra, sau đó tiếp tục thổi”, ông cho biết. Đặc biệt không được phép dùng dao lam hoặc kim. Với bài thuốc của ông, nếu dùng kim gẩy đất cát thì chất độc sẽ chạy vào tim ngay.

Để chữa được rắn độc cứu người, ông Án cũng phải kiêng cữ rất nhiều loại thức ăn đồ uống như không được ăn ếch, nhái, cua đồng, thịt chó, các loại bò sát. Nếu vi phạm, chính ông sẽ phải chịu phạt, người sẽ đau ốm, nôn ói... “Người bị rắn cắn đang được tôi điều trị cũng phải kiêng cá, tôm, tép, ốc, nước lạnh... Nếu không kiêng, chất độc không thoát ra ngoài được”, ông nói tiếp. Suốt gần 40 năm ông Án đã điều trị cho không biết bao nhiêu bệnh nhân.

Với bài thuốc “lạ lùng”, hơn 40 năm nay ông Án đã cứu sống cho hàng nghìn người, trong đó có nhiều ca bị các loại rắn cực độc như hổ mang, hổ chúa, hổ phi, rắn lục... Người đầu tiên được ông Án chữa khỏi là chị Hà, con gái ông Quay là cán bộ ở xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn bị rắn lục cắn. Chị được gia đình đưa đi bệnh viện Đa khoa huyện Phú Thọ chữa trị. Đến ngày thứ ba, chị vẫn hôn mê, tay chân cứng đơ. Mặc dù các bác sỹ đã cố gắng giải độc nhưng cuối cùng đành trả chị về để gia đình chuẩn bị lo hậu sự. Với suy nghĩ “còn nước còn tát”, gia đình chị Hà đã đề nghị bệnh viện cho chị ở lại, thở ô xy rồi chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm các thầy lang chuyên giải độc rắn cắn.

May mắn, gia đình chị Hà được ông Xuyên, bí thư chi bộ xã Thu Cúc giới thiệu ông Án. Ngay lập tức, ông Án được đưa tới tận bệnh viện. Ông Án thổi vào miệng chị Hà. Sau 15 phút, mọi người thấy một chút máu phọt ra từ miệng vết thương rắn cắn. Người nhà lấy gai cây, khêu miệng vết thương rộng ra, ông tiếp tục thổi và máu độc cứ như vậy trào ra. Ông thổi liên tục trong một ngày thì nạn nhân bắt đầu tỉnh dần, tay chân cử động được, mắt đã mở.

Cũng bị rắn cắn trong lúc theo mẹ lên nương phát rẫy, em Hà Thị Hằng, 16 tuổi (xã Thu Cúc) đã bị rắn xanh (một loại rắn độc) cắn vào bắp tay. Khi đưa Hằng lên bệnh viện Đa khoa huyện Phú Thọ thì em đã bị hôn mê do vết cắn khá sâu, chất độc đã ngấm sâu vào máu. Bác sỹ cũng lắc đầu, “bó tay”. Thấy cách chữa trị của ông Án đơn giản, kỳ lạ, ban đầu gia đình ông Lương chưa tin tưởng lắm, không dám đặt hy vọng nhiều. Nhưng khi ông Án thổi và máu độc trào ra, sau một ngày da dẻ Hằng tươi trở lại, cả gia đình đã thở phào nhẹ nhõm. Sau một tuần được ông Án túc trực và thổi liên tục thì sức khỏe Hằng bình phục.

 

Ông Phùng Văn Anh (Bí thư chi bộ khu Tiến Minh) khẳng định tài năng chữa bệnh của ông Án. Ảnh: Cù Hiền

Nói về “biệt tài” chữa bệnh của ông Án, ông Phùng Văn Anh (Bí thư chi bộ khu Tiến Minh, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) cho biết: “Chúng tôi biết ông Án có một bài thuốc chữa rắn cắn rất lạ. Không biết sức mạnh kỳ diệu của nó như thế nào nhưng khi ông hà hơi vào miệng của bệnh nhân thì máu độc phun ra từ miệng vết thương. Chính con trai tôi đã từng là bệnh nhân của ông và tôi là người từng chứng kiến cảnh đó nên tôi tin tài năng hút độc rắn của ông”.

theo Đời Sống & Pháp Luật

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh