Nghi thức khi đi lễ chùa đầu xuân
- Y học 360
- 23:55 - 19/02/2015
Nén nhang cầu phúc Năm mới may mắn
Trong Phật giáo, quan niệm lễ hay lễ bái là cử chỉ bày tỏ lòng cung kính đối với Phật, Bồ tát, Tôn giả, Trưởng giả, tháp Phật, không gian chùa chiền… Người Ấn Độ xưa có 9 cách lễ bái gọi là Thiên trú cửu nghi: Cất lời thăm hỏi; cúi đầu tỏ vẻ cung kính; đưa tay lên cao vái chào; chắp tay cúi chào; co đầu gối xuống; quỳ thẳng; quỳ hai tay và đầu gối sát đất; quỳ hai khuỷu tay, 2 ống chân và trán đều cụm lại; quỳ hai khuỷu tay, 2 ống chân và trán đều sát đất. Các cách hành lễ này biểu hiện thái độ từ trân trọng đến rất rất kính trọng. Đức Phật thường dạy các đệ tử, phàm khi đứng trước Tam bảo và các tỷ khưu lớn tuổi đều phải lễ bái.
Khi lễ bái, thực hiện 5 chính hành là thân lễ bái, miệng đọc tụng, xưng niệm, tán thán và ý quán xét, tóm lại là phải thực hành tập trung cả thân, tâm, khẩu, ý. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thi lễ hợp nghi.
Những lúc ở trần, cạo tóc, thuyết pháp, súc miệng, ăn uống… đều không được thi lễ. Cũng có sách qui định: Khi Thượng tọa đang đọc kinh, không được thi lễ; khi thượng tọa ở dưới thấp, mình ở trên cao, không được thi lễ; khi Thượng tọa ở phía trước, mình ở sau lưng, không được thi lễ; không được ngồi trên tòa ngồi của mình, quay sang Thượng tọa mà thi lễ; lúc đội mũ, không được thi lễ.
Trong Phật giáo chia ra 2 loại tà lễ và 5 loại chính lễ:
- 2 tà lễ là ngã mạn kiêu tâm lễ (lễ bái với tâm kiêu mạn của mình) và xướng họa cầu danh lễ (lễ bái để cầu danh).
- 5 Chính lễ là: Thân tâm cung kính lễ (lễ bái với tâm cung kính); phát trí thanh tịnh lễ (lễ bái với mong cầu phát trí tuệ thanh tịnh); biến nhập pháp giới lễ (khi đã thông pháp giới thì lễ một đức Phật tức là lễ bái tất cả các đức Phật); chính quán tu thành lễ (lễ Phật tức là lễ tính Phật trong tâm trí mình); thực tướng bình đẳng lễ (đạt đến “vô” thì bình đẳng cho mình và người khi hành lễ).
Tóm lại là, không nên lễ chùa với tà lễ, mà đã đi lễ chùa là thực hành chính lễ với sự cung kính, thanh tịnh, chu toàn, hướng thiện và vị tha.
Thực hành lễ cần đủ thân, tâm, khẩu, ý. Thân cần sự nghiêm trang từ tư thế, quần áo, dung mạo khi bước đến chốn cửa Phật. Tâm cần sự trong sáng tĩnh lặng hướng thiện. Khẩu cần sự xưng tụng, tán thán công đức Phật như “Nam mô a di đà Phật” (Nam-mô là kính lễ, kính bái. A-di-đà là muôn muôn năm, vô lượng thọ. Phật là đức Phật. Dịch nghĩa tiếng ta là “Kính vái đức Phật muôn muôn năm”). Ý là suy nghĩ hướng đến những điều thành kính, thành tâm, lương thiện, tốt đẹp, vị tha, thanh thoát.
Người dân đi lễ chùa đầu năm tại chùa Làng Quỳnh - Hà Nội
Ngày nay, tuy cuộc sống phong phú muôn vàn nhưng trong vạn biến có cốt lõi bất biến. Rất tiếc là chốn cửa Phật nhiều khi sự tôn nghiêm bị ô nhiễm trong ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường. Tà lễ bùng nổ. Chính lễ biến thái. Trang phục cẩu thả, hành vi buông tuồng, dung mạo lòe loẹt là thân không hợp nghi. Khoe khoang phô diễn, trưởng giả đua đòi là cái tâm kiêu mạn. Ăn nói sỗ sàng, cười đùa thái quá là nghiệp khẩu bất túc. Cầu danh cầu chức thì khác nào mua quan bán tước, buôn thánh bán thần. Những việc như thế không những không đúng với nghi quĩ ngàn năm, mà còn làm cho chính mình mất đi nét văn hóa tốt đẹp, xã hội ngày thêm tao loạn khó khăn.
Ngày xuân đi chùa là để thân thể nhẹ nhàng, tấm lòng thanh thản, lời nói đoan chính, ý hướng đắp bồi mới là du xuân chốn cửa Phật.