Đi làm 24 năm rồi nghỉ việc, tôi mới phát hiện ra 10 chân lý mà có lẽ ai cũng hiểu nhưng lại chẳng làm được là bao
- Bác sĩ
- 15:08 - 16/04/2020
Chớp mắt đã 3 năm kể từ ngày tôi nghỉ việc, gần đây, tôi đã đến trung tâm MBA để thảo luận về đề tài phát triển nghề nghiệp với các sinh viên. Có một bạn sinh viên đã hỏi tôi rằng: "Anh Peter, nếu nhìn lại 24 năm sự nghiệp của mình, cảm nhận lớn nhất của anh là gì? "
Mặc dù đã được hỏi loại câu hỏi này vô số lần, nhưng quả thực vẫn rất khó để giải thích tất cả chỉ trong 30 phút.
Vì vậy, sau khi về nhà, tôi đã nghiêm túc làm "bài tập về nhà" này, cố gắng tóm tắt lại trải nghiệm cuộc sống của tôi một cách bao quát và khách quan nhất, cuối cùng, tôi cô đọng nó thành 10 điểm sâu sắc này.
01
Sau khi nghỉ việc, tôi hiểu ra 10 đạo lý
1. Cái gọi là "tôi quen biết người này, người kia…" trước đây đều chỉ là vô dụng.
2. "Bận nốt đợt này thôi là xong rồi", cuối cùng nhận ra "đợt này thôi" vĩnh viễn không bao giờ xong.
3. Thứ thực sự lợi hại là quan hệ phía sau chứ không phải bản thân bạn.
4. Luôn chuẩn bị sẵn tinh thần cho sự thay đổi 180 độ trong thái độ của người khác với bạn.
5. "Đợi sau này rỗi rãi nhất định sẽ đi…", thực ra căn bản là không có sau này, chỉ có hiện tại.
6. Cố gắng bớt nhắc "trước đây tôi…" với người khác, làm vậy sẽ chỉ khiến người khác ghét bạn hơn mà thôi.
7. Nếu cấp dưới trước không chủ động liên lạc, vậy thì bạn đừng làm phiền người ta nữa, tránh làm cả đôi bên ngại ngùng.
8. Hóa đơn quả thực là một "kẻ quấy rối" ảnh hưởng tới trải nghiệm cuộc sống.
9. Cân bằng công việc và cuộc sống không liên quan gì tới việc có hay không có thời gian, quan trọng là bạn có muốn hay không.
10. Lúc xảy ra vấn đề gì, thứ có thể trông ngóng vào chỉ có bản thân bạn mà thôi.
Đầu tiên nói về "quan hệ xã hội (network)": khi mới bước ra xã hội, công việc của tôi là bán hàng, ngày đầu tiên cùng đàn anh chạy đôn đáo đi gặp khách hàng, anh ấy đặc biệt dặn dò tôi:
"Nhóc, nghe kĩ cho anh, muốn lấy được đơn hàng, cậu bắt buộc phải đi làm quen với nhiều người, ai cũng phải làm quen hết, từ lãnh đạo công ty cho tới bác bảo vệ hay các cô lao công, ai cũng phải biết khéo léo bắt chuyện, chỉ có như vậy mới mong lập thân được ngoài xã hội, cuối cùng kiếm được nhiều tiền rồi phát tài."
Nói quá hay! Một cái cây không thể thành rừng, toàn người là sắt thì bạn có thể đóng được mấy cái đinh lên? Hành tẩu giang hồ, không kết giao với vài "người bạn", bạn nghĩ mình có sống tốt nổi không?
Cứ như vậy, ngay từ ngày làm việc đầu tiên, tôi đã rất để ý tới việc tìm kiếm cơ hội kết giao với các hào kiệt, đặc biệt thích tạo quan hệ với những "người thành công" có máu mặt: mời họ ăn cơm, cùng họ chụp ảnh, thậm chí còn phải làm danh thiếp đàng hoàng cho "phải vị"…
Tôi từng cho rằng mình rất tài giỏi, bởi lẽ chỉ cần mở miệng ra là hầu như đâu đâu cũng có bạn bè, số điện thoại liên lạc trong máy nhiều không kể siết, làm việc gì quả thực cũng dễ dàng hơn trước rất nhiều.
Nhưng dần dần, tôi bắt đầu nhận ra, những "ai đó" mà tôi vất vả làm quen, kết giao, thực ra 99% đều là những mối quan hệ vô ích, trong khi phải trả những cái giá rất đắt đỏ mới có được.
Sau khi rời khỏi nơi làm việc, điều này thậm chí còn được chứng minh một cách sinh động và chính xác hơn.
"Người đi thì trà nguội", chân lý này chưa bao giờ sai. Bất kể vị trí có cao tới đâu, quyền lực có lớn tới đâu, bạn chẳng qua cũng chỉ là một con rối, thứ thực sự tài giỏi, chính là những mối quan hệ phía sau mà bạn tạo dựng trước đó.
Nói trắng ra, thứ ngâm trong trà là giá trị và lợi ích, chứ không phải là những mối quan hệ xã giao rẻ tiền. Người khác sở dĩ kính trọng bạn, đó là bởi họ xem trọng giá trị, quyền lợi, lợi ích và cả thông tin mà quan hệ đằng sau mang tới cho bạn.
Lúc này, hãy dừng tự lừa dối chính mình, cho rằng tách trà nóng mà người ta bê trên tay là đang kính cái tư tưởng hơn người, sự hài hước hay phẩm cách cao thượng của bạn…
Hơn nữa, tách trà thơm ngon này cũng không phải là dễ uống, nó cần bạn phải bỏ công sức và thời gian ra để hâm nóng, ngày đêm thêm lửa mới có thể không ngừng duy trì được "nhiệt tình", ngoài ra còn cần phải cẩn thận để ý mức lửa, quá nóng sẽ bỏng mồm, quá lạnh thì lại hỏng dạ dày, nghĩ thôi đã thấy mệt!
02
Thứ mà "bạn cho rằng" trong công việc và cuộc sống, tới cuối cùng chẳng qua cũng chỉ là một tấm chi phiếu trống rỗng hào nhoáng
Bận rộn, dường như đang trở thành cái cớ vạn năng lúc nào cũng được "treo trên miệng" của người trưởng thành trong cuộc sống hiện đại, có thể dùng để giải thích và che chắn cho mọi "sự quấy rầy":
"Mẹ kể cho con nghe một câu chuyện được không?"
"Xin lỗi con yêu, giờ mẹ bận lắm, đợi qua đợt này, mẹ sẽ chơi với con nhiều hơn nhé, rồi chúng ta sẽ đi công viên, đi cắm trại với nhau nhé…"
"Anh à, dạo này em thấy sắc mặt của anh không được tốt, hay đến bệnh viện kiểm tra đi?"
"Để sau đi, dạo này anh bận quá, tổng giám đốc đích thân giám sát công việc, đợi qua đợt này rồi anh sẽ đi kiểm tra tổng thể, rồi còn đưa em với con đi chơi nữa…"
"Bận lắm, đợi qua nốt đợt này" dường như là câu nói khích lệ, động viên chúng ta cố gắng trên con đường sự nghiệp. Ban đầu tôi cũng cho rằng "nốt đợt này" có thể sẽ xong.
Nhưng dần dần tôi phát hiện ra, cái gọi là "nốt đợt này", thực ra vĩnh viễn không bao giờ xong. Bởi lẽ rất nhanh sẽ xuất hiện các "nốt đợt này" tiếp theo, chỉ là xuất hiện theo cách khác mà thôi.
Cứ như vậy, tôi giống như một kẻ ngốc không ngừng lừa dối bản thân mình, sử dụng những lời bào chữa lặp đi lặp lại cho bản thân, cho cả gia đình và bạn bè, để dệt nên một giấc mơ đẹp "Đợi hết bận, chúng ta sẽ đi ..." không bao giờ có thể thực hiện được.
03
Đời người không có nhiều cái "sau này" có thể đợi được đâu, thứ bạn có chỉ là "hiện tại" mà thôi
"Con muốn dưỡng mà ba mẹ không chờ được", một câu nói nói lên chân lý đời người, nhưng khi bạn hiểu ra rồi thì đã không còn cơ hội để bù đắp nữa.
Thực ra không cần đợi tới "không chờ được", chỉ cần bạn buông bỏ những phù phiếm trước mắt (tiền bạc, danh lợi…), quay người lại ở bên những người quan trọng luôn bên cạnh bạn, thì rồi bạn sẽ hiểu ra, đời người căn bản là không có "sau này" mà chỉ có "hiện tại" mà thôi.
Tôi luôn khắc cốt ghi tâm điều này, đó là thời điểm 10 năm trước khi cùng đi du lịch với ba mẹ, tôi đã nhận ra rằng: năm 18 tuổi tôi rời nhà đi học, bôn ba tứ hải mưu sinh, trong suốt 10 năm trời, tôi mới trở về nhà có đúng hai lần.
Một là vì bận rộn, một nguyên nhân nữa là bởi hư vinh và lòng tự tôn cao vời không cần thiết, luôn nghĩ rằng khi công thành danh toại, làm nên được nghiệp lớn rồi sẽ đường đường chính chính, ngẩng cao đầu trở về quê hương, nhưng vận mệnh trêu ngươi, tới giờ tôi vẫn chưa thể thành ông nọ bà kia…
Thực ra ngay từ khi còn nhỏ tôi đã có một mong ước là sẽ đưa ba mẹ ra nước ngoài vi vu một lần, nhưng cũng chỉ vì mấy lí do nực cười phía trên mà tôi vẫn chưa làm được.
Cho tới 10 năm trước, khi ba mẹ đã 70 tuổi rồi, tôi mới đưa họ đi chơi một lần. Cũng chính lần du lịch này khiến tôi phát hiện ra rằng ước nguyện hồi bé của tôi có lẽ không bao giờ có thể thành hiện thực.
Tôi nhớ hôm đó ba mẹ rất vui mừng, dậy từ sáng sớm, đồ ăn sáng cũng không thèm ăn đàng hoàng, hào hứng đi leo núi ngắm phong cảnh, hoàn toàn quên hết căn bệnh cao huyết áp và xương cốt của mình.
Khoảng 30 phút sau chúng tôi đã gần tới được nơi ngắm cảnh, nhưng muốn lên được tới nơi còn phải lên 40 bậc thang nữa. Lúc này ba mẹ đột nhiên nói với tôi: "Con trai, lên trước đi, ba không lên nữa đâu."
"Ba ơi, cố thêm một chút nữa thôi, mấy bước nữa là tới rồi, tối hôm qua ba rất hào hứng muốn ngắm cảnh mà", tôi vừa leo vừa quay lại nói.
"Con lên đi, ba nghỉ một tý, thực ra ngắm phong cảnh dưới này cũng không tồi", trông thấy ba bất lực, nhưng vẫn tỏ vẻ thản nhiên nói.
Nghe tới đây, tôi dừng những bước chân đang trèo lên phía trước lại, quay đầu quan sát thật kĩ người đàn ông đã ở bên tôi suốt hơn 40 năm.
Cả người ông đầy mồ hôi, trông vô cùng mệt mỏi, mẹ tôi ngồi kế bên, cả hai ngồi xuống, vừa thở dài vừa xoa xoa hai đầu gối sớm đã không còn sức lực.
Khoảnh khắc đó, sống mũi tôi cay cay, thầm trách mình quá vô tâm.
Lúc tôi rời nhà, tóc ba vẫn còn màu đen thấy rõ, giờ đã bạc gần hết rồi. Người mà lúc nhỏ cùng tôi leo bao nhiêu bậc thang cũng không biết mệt, chân tay linh hoạt giờ đã không còn nữa, ông không còn có thể giống lúc trước cùng tôi đi ngắm nhìn những điều tuyệt vời của thế gian, bởi lẽ giờ đây ông không còn đi nổi được nữa.
Ngày hôm đó, tôi nhận ra một điều rằng, ba mẹ tôi đã già rồi!
Thực ra, chúng ta đều biết, công việc không phải là toàn bộ của cuộc sống.
Chúng ta ai cũng biết rằng, ở bên cạnh chúng ta, nuối tiếc không rời không muốn chúng ta trút những hơi thở cuối cùng, không phải là lãnh đạo, là quản lý bộ phận, hay ông hàng xóm thích gây chuyện, mà là gia đình, là người thân của chúng ta.
Hiểu thì hiểu nhưng cho tới cuối cùng, chúng ta vẫn không làm được, bởi lẽ cuộc sống của chúng ta, cần làm việc, cần kiếm tiền, bởi lẽ chúng ta muốn thành công.
Giống như tôi vậy, 10 năm trời không về nhà được bao nhiêu lần, không phải không muốn mà vì không can tâm. Bởi lẽ tôi luôn cho rằng mình còn rất nhiều cái "sau này", vì vậy mà đã vô tình lãng phí đi không biết bao nhiêu cái "hiện tại".
Cho tới lần du lịch đó tôi mới hiểu ra, chỉ khi trân trọng và sống cho tốt mỗi một cái "hiện tại", mới không để lại hối tiếc ở "sau này", mới có được những cái "sau này" tươi đẹp.
Ngoài ra, chia sẻ với các bạn một điều, ngoài 10 chân lý trên, tôi còn phát hiện ra một bí mật nho nhỏ: đó chính là sau khi nghỉ việc, tôi dường như trẻ hơn ra rất nhiều.