Đi làm 10 năm tôi nghiệm ra: Đầu tư vào chính mình chưa bao giờ lo lỗ vốn
- Bác sĩ
- 16:06 - 03/08/2020
Có người từng nói: "Vào một ngành nghề nào đó, đừng chỉ chăm chăm xem mình kiếm được bao nhiêu, trước tiên hãy biến mình trở thành người đáng tiền đã. Chẳng có thứ tiền nào là dễ kiếm cả. Kiếm không được tiền, kiếm tri thức; kiếm không được tri thức, kiếm kinh nghiệm; kiếm không được kinh nghiệm, kiếm trải nghiệm; kiếm được những thứ trên rồi, chẳng có lý do gì là không kiếm được tiền cả."
Nguyên nhân khiến một người hoang mang chỉ có một, đó chính là ở độ tuổi nên phấn đấu thì lại nghĩ quá nhiều, làm quá ít.
Không có gì để nghi ngờ, chúng ta thích tiền, rất thích, thích vô cùng! Tiền bạc giúp chúng ta độc lập kinh tế, mua được thứ mình thích, làm được việc mình muốn.
Rất nhiều người có tư tưởng tìm đường tắt để kiếm tiền nhanh hơn, họ khát khao đổi đời, vừa tốt nghiệp xong lương tháng đã chục triệu, chưa hai ngày đã được thăng chức tăng lương, đi làm 1,2 năm đã mua được nhà được xe.
Nhưng, chúng ta không chỉ nên nhìn xem đối phương đưa cho mình bao nhiêu tiền, mà quên mất rằng mình đáng giá bao nhiêu. Thay vì ngồi đó tính toán làm sao kiếm được chút tiền, chi bằng nghĩ cách nâng cao năng lực, đi lên bằng thực lực, để mình ngày một đáng tiền hơn.
Còn nhớ khi tôi còn học đại học, thứ tôi không thích nhất đó là đi làm thêm, đặc biệt là những công việc không đem lại chút kĩ năng nào, chẳng hạn như phát tờ rơi, dán giấy, bưng bê, thu tiền ở nhà ăn.
Bởi lẽ tôi biết rằng, đơn vị thời gian ở những công việc đó không phù hợp với giá trị của tôi, chi bằng lấy thời gian đó đi học hành, đọc sách, viết lách.
Hiện tại, khi tôi phát triển sở thích thành sự nghiệp, đã có không ít bạn học cảm thấy rất bất ngờ.
Cùng là làm thêm và học tập, có người biến nó thành kĩ năng, thành nguồn thu nhập, thành ước mơ, nhưng có người lại chỉ đơn thuần là dùng thời gian đi đổi lấy tiền bạc, tiêu tốn thanh xuân, hao mòn sức khỏe, năng lượng.
Đôi khi, khi đắm mình trong niềm vui kiếm tiền, đừng vội vàng bị chính mình làm cho cảm động, hãy hỏi mình: Bạn thực sự rất thiếu số tiền này ư? Bạn là đang kiếm tiền hay đang tự bào mòn mình? Trong lúc kiếm tiền, bạn thu thêm được điều gì, bạn có thể hiện thực hóa được ước mơ hay không? Những công việc làm thêm đó có giúp bạn phát triển tốt hơn không? Có giúp bạn thu được một nguồn lực đáng kể nào không?
Một công việc làm thêm tốt, một cơ hội công việc tốt, hoàn toàn không đơn phương chỉ là bỏ ra trí lực và sức lực, mà nó nên là những thứ có thể cho bạn những tri thức mới, cơ hội mới, tầm nhìn mới.
Bất luận là khi nào, đầu tư vào chính mình chưa bao giờ là lỗ vốn.
Cựu nhân viên cấp cao của Google, Wu Jun từng nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc đầu tiên.
Anh nói, công việc đầu tiên, dù lương có ít hơn các công ty khác 20%, nhưng nếu nó đem lại cho bạn không gian phát triển lớn, vậy thì hãy lựa chọn ở lại.
Bởi lẽ nó sẽ giúp bạn phát triển nhanh chóng, giúp bạn bồi dưỡng nên một thói quen nghề nghiệp tốt, giúp bạn có cái nhìn tổng quan và xuyên suốt cả ngành nghề và cả năng lực nắm bắt cơ hội nhanh chóng.
Anh còn nói: "Tôi phát hiện ra nhiều bạn trẻ, bất kể là ở đâu, số lượng quan tâm tới 20% lương luôn nhiều hơn số lượng quan tâm tới không gian phát triển, vì vậy, chúng tôi luôn để lại cơ hội cho người có tham vọng và tầm nhìn."
Con người ta khi còn trẻ, dù kiếm tiền rất quan trọng, nhưng so với việc cho mình nhiều không gian phát triển và biến mình trở nên đáng tiền hơn thì việc kiếm tiền quả thực không thể sánh bằng.
Con người trong một giai đoạn nào đó, quan trọng hơn kiếm tiền chính là phát triển, là giá trị bản thân, có được hai thứ đó rồi, tiền sau này tự nhiên sẽ ào tới với bạn mà thôi.
Bạn học A, khi mới đi làm, lương tháng rất thấp, bản thân cô cũng biết rằng nỗ lực mình bỏ ra và tiền lương không tương xứng với nhau, những cô trước giờ chưa từng ca thán.
Cô ấy nói: "Tôi vừa vào công ty chưa lâu, chưa có công hiến hay thành tích nào lớn, tôi đối với công ty mà nói, có cũng được không có cũng chẳng sao. Mặc dù hiện tại lương khá thấp, nhưng ở đây tôi học được rất nhiều điều, nó giúp ích rất lớn cho tương lai phát triển sau này của tôi, vì vậy, tôi lựa chọn ở lại."
Hơn 1 năm sau, A dựa vào thực lực và thánh tích của mình, trở thành một trong những nhân viên trẻ xuất sắc của công ty, ông chủ cũng chủ động tăng gấp đôi lương cho cô.
Khi mới đi làm, bạn sẽ phát hiện ra khoảng cách giữa mong chờ và thực tế, bạn sẽ cảm thấy, à, đó không phải là điều mình muốn, nên đổi công ty thì hơn. Vì vậy, bạn không ngừng nhảy việc, 3,5 năm sau, trong khi ai cũng được thăng chức tăng lương, thì bạn vẫn mãi ở tầng cơ sở, oán hận xã hội bất công.
Cần phải biết: Nhảy việc nhiều không phải là phương pháp tốt nhất giúp bạn giải quyết vấn đề lương lậu hay chức vụ công việc.
Mọi người khi tốt nghiệp, khởi điểm của ai cũng giống nhau, nhưng qua một vài năm, có người được thăng chức tăng lương, có người lại vẫn chỉ dậm chân tại chỗ. Nên nhớ: nhảy việc là đại kị nơi làm việc, muốn tạo được chỗ đứng vững chắc nơi làm việc, trước tiên phải lắng lại, nghiêm túc làm việc, dần dần tích lũy, đừng chỉ chăm chăm vào nghĩ tới tiền bạc.
Đừng bao giờ cho rằng ra trường rồi là sự nghiệp học hành sẽ kết thúc từ đây. Xã hội hiện tại biến đổi khôn lường, tre già thì măng mọc, bạn không theo kịp nó thì tất nhiên nó sẽ đào thải bạn.
Chúng ta phải duy trì một tinh thần mở cửa với các kiến thức và các kỹ năng mới, không ngừng cải thiện khung kiến thức và khung kỹ năng của mình để đáp ứng các nhu cầu khác nhau trong công việc, để khiến mình trở nên có giá trị hơn.
Tiền phải kiếm, nhưng quan trọng hơn kiếm tiền là đầu tư cho bản thân, nâng cao năng lực bản thân! Thứ đáng tiền, có thể là năng lực, có thể là sức hút, càng có thể là tầm ảnh hưởng, và tất nhiên, mọi thứ đó đều chỉ được quyết định bởi tâm thái của chính bạn.