THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:06

Đi giày làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19: Chuyên gia nói gì?

Không đủ căn cứ để nói giày là tác nhân lây nhiễm nCoV trong cộng đồng

Bạn có thể cảnh giác cao độ với đồ giặt của mình trong thời điểm này vì SARS-CoV-2 có thể sống trên bề mặt quần áo. Nhưng với giày dép thì sao? Một báo cáo mới từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), được công bố trên các bệnh truyền nhiễm mới nổi, cho thấy rằng nCoV có khả năng lây lan qua việc đi giày.

Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu từ các bề mặt khác nhau tại Bệnh viện Huoshenshan ở Vũ Hán, Trung Quốc, tâm chấn ban đầu bùng phát dịch, bao gồm các mẫu từ đế giày của nhân viên trong các phòng ICU. Một nửa số mẫu được lấy từ đôi giày được xét nghiệm dương tính với nCoV và từ đó các nhà nghiên cứu hàng đầu cho rằng đế giày có thể hoạt động như vật chủ mang mầm bệnh.

Đi giày làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Nhà dịch tễ học Vidya Mony (phó giám đốc y tế trong phòng chống nhiễm trùng tại Trung tâm y tế Thung lũng Santa Clara ở California) đã không đồng ý về khả năng đó. "Chân của bạn vốn không được biết đến là bộ phận sạch nhất trên cơ thể. Hơn nữa, đôi giày bạn mang trên chân cũng không hề đảm bảo sạch sẽ. Nhiều đôi giày với chất liệu cụ thể có thể cho phép mầm bệnh lây truyền theo cấp số nhân", chuyên gia nói.

TS Mony cho biết thêm, những giọt nước truyền nhiễm bệnh Covid-19 không trực tiếp bắn dính lên giày nhưng vì đế giày tiếp xúc trực tiếp với mặt đất nên khu vực này có khả năng bị bẩn nhất. Đây cũng là cơ hội tốt cho việc lan truyền lên toàn bộ đôi giày bạn đi.

Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn còn nhiều hạn chế. Theo TS Mony, các nhà nghiên cứu đã sử dụng thử nghiệm phân tử, trong đó bao gồm lấy một mẫu DNA rất nhỏ và khuếch đại nó đến một lượng đủ lớn để nghiên cứu chi tiết phát hiện virus. "Từ đó, chúng ta không biết chắc chắn virus này còn sống hay đã chết mà chỉ cho thấy sự có mặt của virus trên giày mà thôi", chuyên gia giải thích.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng không nêu rõ có bao nhiêu virus là đủ để gây ra sự truyền nhiễm. Họ chỉ tìm thấy virus trên các bề mặt vô tri vô giác và câu chuyện vẫn đang dừng tại đó.

Đi giày làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

Những giọt nước truyền nhiễm bệnh Covid-19 không nhất thiết sẽ bắn dính lên giày.

Tùy thuộc vào chất liệu làm giày, người đi có nguy cơ nhiễm bệnh khác nhau. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England vào ngày 17/3, SARS-CoV-2 có thể vẫn hoạt động (nói cách khác là có khả năng lây truyền gây bệnh) trên một số bề mặt bao gồm cả nhựa, trong tối đa 3 ngày. Điều này cho thấy, giày làm bằng nhựa có thể giữ virus hoạt động trong thời gian đó, trái ngược với giày làm bằng sợi tự nhiên.

Chuyên gia về sức khỏe cộng đồng, Carol A. Winner, người đã chỉ đạo một số sáng kiến dựa trên sức khỏe cộng đồng được liên bang tài trợ, nói với Health: "Chúng tôi nghi ngờ các giọt nước có thể khô nhanh hơn trên các sợi tự nhiên như bông hoặc tre. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là bạn không thể biết được những giọt bắn như thế nào có thể lan truyền virus xuống dưới đôi giày bạn đi".

Trả lời thêm về vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. HCM) khẳng định, thông tin nCoV lây truyền qua những đôi giày đi hàng ngày biến chúng thành tác nhân lây nhiễm bệnh Covid-19 tính đến thời điểm này vẫn không có đủ bằng chứng.

"Con đường lây truyền SARS-CoV-2 là thông qua các giọt bắn, các khu vực tiếp xúc như mặt, mắt, miệng... Và đó mới là con đường lây truyền dễ nhất, nguy hiểm nhất cần phòng tránh lúc này. Nhất là ở Việt Nam, nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc gần đang nằm ở mức độ đó chứ tôi không tin đường lây truyền qua việc đi giày nhiễm nCoV". Nói như vậy để người dân không cần thiết phải lo lắng, hoang mang nhưng việc giữ sạch giày dép hàng ngày rõ ràng cũng là điều nên làm dù trong hoàn cảnh nào.

Đi giày làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 3.

Thông tin nCoV lây truyền qua những đôi giày đi hàng ngày biến chúng thành tác nhân lây nhiễm bệnh Covid-19 tính đến thời điểm này vẫn không có đủ bằng chứng.

Phòng tránh lây nhiễm Covid-19 qua đôi giày đi hàng ngày vẫn là điều bất cứ ai không nên chủ quan

Các nhà nghiên cứu của CDC khuyến nghị rằng bất kỳ ai đi bộ trong khu vực bệnh viện nơi có bệnh nhân Covid-19 điều trị nên khử trùng đế giày trước khi rời đi. Nhưng những người khác thì sao? Chúng ta nên thực hiện những bước nào để đảm bảo giày của chúng ta không mang virus từ nơi này sang nơi khác hoặc tránh mang chúng vào trong nhà mình?

Nhiều người cho rằng để giày trong nhà để xe hoặc bất kỳ không gian nào khác cách xa khu vực sinh sống là cách tốt, đặc biệt khi bạn có con nhỏ hoặc các thành viên gia đình bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ bị nhiễm trùng. "Hãy bỏ giày ra ngay khi bạn về nhà sau khi đi dạo hoặc đến cửa hàng", TS Carol A. Winner nói.

Thêm vào đó, cô cho rằng, không khí khô, ấm sẽ làm vô hiệu hóa virus nhanh nhất. Bất cứ khi nào bạn rời đôi giày của mình, hãy chắc chắn không dẫm lên bề mặt của giày để tránh nhiễm bẩn tất, sau đó bước vào nhà, rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

Virus SARS-CoV-2 có thể bị bất hoạt bằng nhiệt hoặc làm sạch bằng xà phòng kết hợp nước sạch. Nếu muốn giặt giày, hãy giặt trong nước xà phòng ấm. Khi thực hiện xong, hãy chắc chắn rửa tay sạch bằng nước và xà phòng sớm nhất có thể.

Đi giày làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 5.

Virus SARS-CoV-2 bị bất hoạt bằng nhiệt hoặc làm sạch bằng xà phòng kết hợp nước sạch.

Và sau tất cả, hãy nhớ, giày là bộ phận nằm xa nhất trên cơ thể con người, trong khi hiện nay con đường lây truyền bệnh Covid-19 chủ yếu qua giọt bắn xâm nhập vào mũi, miệng hoặc mắt nên việc phòng ngừa quan trọng nhất vẫn là giữ cho đôi bàn tay của bạn tránh xa khuôn mặt.

"Tuân thủ những nguyên tắc phòng tránh bệnh của WHO, CDC cũng như Bộ Y tế trong việc đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách ít nhất 2m với mọi người khi đi ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, có thể đeo thêm mũ chắn giọt bắn tại một số nơi như bệnh viện...

Ngoài ra, việc rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn không được lơ là trong tình hình hiện nay dù Việt Nam đang từng bước kiểm soát dịch mới là điều quan trọng hàng đầu. Không được chủ quan và phòng tránh bệnh đúng cách, tỉnh táo, tránh hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng bởi các cơ quan y tế đầu ngành, chúng ta sẽ thành công trong phòng chống dịch Covid-19", BS Khanh cho biết.

Tiểu Nguyễn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh