Đi bộ 'lung tung', coi chừng bị phạt!
- Tây Y
- 15:45 - 31/01/2016
Theo đại tá Đào Vinh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP Hà Nội, cơ quan này đã ban hành kế hoạch số 09, quán triệt đến các đội CSGT trên toàn địa bàn về việc xử phạt đối với người đi bộ vi phạm kể từ ngày 1/2.
Theo Nghị định 171/2013
Ông Thắng cho biết việc xử phạt được áp dụng theo Nghị định 171/2013 (về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt).
Cụ thể, người đi bộ khi vi phạm sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo hoặc phạt tiền 50.000-60.000 đồng đối với các hành vi: đi không đúng phần đường quy định, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; phạt 60.000-80.000 đồng khi mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn, đu bám phương tiện giao thông đang chạy; phạt 80.000-120.000 đồng khi đi bộ vào đường cao tốc...
Theo PC67 Công an TP Hà Nội, qua khảo sát thực tế, rất nhiều người đi bộ vi phạm, không chấp hành quy định về trật tự an toàn giao thông (ATGT) như: qua đường không đúng nơi quy định, vượt qua dải phân cách, đi vào đường cao tốc gây cản trở giao thông và gián tiếp hoặc trực tiếp gây tai nạn giao thông (TNGT). Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2015, Hà Nội xảy ra gần 1.700 vụ TNGT, trong đó gần 150 vụ liên quan đến người đi bộ.
Đánh giá về việc mạnh tay xử phạt người đi bộ của TP Hà Nội, đại diện Cục CSGT (C67 - Bộ Công an) cho hay điều này đã quy định tại Nghị định 171/2013, còn áp dụng thế nào là tùy mỗi địa phương. Có thể coi Hà Nội là nơi thí điểm xử phạt người đi bộ vi phạm, C67 sẽ đánh giá và nếu hiệu quả tốt thì nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác.
Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an, cho rằng người đi bộ gây ra nhiều lỗi nguy hiểm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, nếu phạt thì cần có kế hoạch, thời gian để tuyên truyền vì đụng tới thói quen xấu lâu nay của nhiều người. Hiện nay, nhiều người đi bộ cứ vô tư vi phạm, như leo qua dải phân cách, vượt đèn đỏ…, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông và cả chính họ. Do đó, việc tuyên truyền và xử phạt là cần thiết để lập lại trật tự ATGT. Việc thực hiện ban đầu có thể sẽ khó khăn nhưng lâu dài, khi đi vào nề nếp thì ý thức của người dân sẽ tăng lên.
“Ở nước ngoài, người đi bộ hầu như không bị phạt vì chấp hành luật lệ giao thông rất tốt. Một số trường hợp băng qua đường sai quy định thì lại là… người Việt sang đó” - ông Quân cho biết.
Không muốn vi phạm vẫn... vi phạm
Với những hành vi mang vác vật cồng kềnh, đi sai làn đường như thế này, người đi bộ sẽ bị xử phạt.
Theo anh Nguyễn Văn Hiếu (ngụ quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), lâu nay, nhiều người đi bộ băng qua đường rất liều lĩnh. Có điều, nhiều khi họ không muốn vi phạm nhưng... vẫn phải vi phạm!
“Chẳng hạn, vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, giữ xe nên người đi bộ bất đắc dĩ phải đi xuống lòng đường. Nhiều khi cả xe máy, xe đạp điện cũng lao lên vỉa hè, nếu không chen xuống đường thì làm sao người đi bộ di chuyển được? Các công trình giao thông của chúng ta lại chưa đồng bộ nên cần xem xét, thận trọng khi xử phạt những lỗi đi bộ” - anh Hiếu bày tỏ.
Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cho rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và tất cả công dân phải tuân thủ pháp luật. Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ và các nghị định liên quan, trong đó có Nghị định 171/2013, quy định rất rõ hành vi vi phạm của người tham gia giao thông thì phạt bao nhiêu tiền, chế tài thế nào. Vì vậy, chúng ta không thể cứ tập trung xử phạt người đi ô tô, xe máy mà quên xử lý các lỗi vi phạm của người đi bộ. Thực tế, rất nhiều vụ TNGT do người đi bộ gây ra, thậm chí gây chết người.
“Với tư cách là một công dân và là một chuyên gia giao thông, tôi ủng hộ việc làm mạnh mẽ này của TP Hà Nội. Chúng ta vừa xử phạt vừa tuyên truyền, các hành vi vi phạm sẽ giảm dần” - ông Thanh kỳ vọng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, bày tỏ: “Theo Nghị định 171/2013, tất cả vi phạm đều phải xử lý. Người đi bộ vi phạm cũng đã bị xử phạt nhưng thực tế là chưa nhiều. Để ý thức của người đi bộ chuyển biến mạnh mẽ, ngoài tuyên truyền thì việc áp dụng biện pháp chế tài là hết sức quan trọng. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Công an Hà Nội và mong các địa phương khác cũng chú ý triển khai việc này”.
Ông Thái cho rằng cùng với xử phạt, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân; đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông đồng bộ để tạo thuận lợi cho người đi bộ đúng luật. “Khi đã có vỉa hè, vạch kẻ đường, biển báo, cầu chui, cầu vượt dành cho người đi bộ rồi mà vẫn vi phạm thì họ bị phạt là xứng đáng” - ông Thái nhấn mạnh.
Nhiều nơi chủ yếu nhắc nhở, hướng dẫn
Theo đại tá Lê Ngọc, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, giao thông tại Đà Nẵng không phức tạp như Hà Nội hay TP HCM nên người đi bộ cũng không vi phạm nhiều.
“Việc xử phạt người đi bộ vi phạm phải theo đúng Nghị định 171/2013. Hiện nay, Đà Nẵng chưa tiến hành xử phạt mà làm theo lộ trình. Trước mắt, chúng tôi sẽ tuyên truyền, hướng dẫn người đi bộ tham gia giao thông đúng quy định, ai vi phạm thì nhắc nhở. Đến một thời điểm nào đó, khi việc tuyên truyền đã đủ thì mới tiến hành xử phạt” - ông Ngọc cho biết.
Tại Khánh Hòa, theo Đội CSGT TP Nha Trang, việc xử phạt người đi bộ vi phạm không dễ vì phần lớn là du khách. Lực lượng CSGT thường nhắc nhở, hướng dẫn người dân và du khách đi đúng luật lệ chứ chưa xử phạt trường hợp nào. UBND TP Nha Trang cũng đã giao Công an TP chỉ đạo CSGT phối hợp với lực lượng thanh niên xung kích có mặt ở các điểm chốt đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn đi bộ đúng luật, dần tạo thói quen cho người dân và du khách.
Cải tạo 9 tháng vì cản trở giao thông
Ngày 24/8/2004, TAND quận 1, TP HCM đã tuyên phạt bà Nguyễn Thị Mỹ Yên (SN 1979; ngụ phường 14, quận 4) 9 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Cản trở giao thông đường bộ”, đồng thời phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 7,5 triệu đồng.
Trước đó, tối 17/7-2003, tại cầu Ông Lãnh, quận 1, bà Yên băng qua đường không ở vị trí dành cho người đi bộ. Lúc này, anh Phan Văn Vân (ngụ tỉnh Tiền Giang) chạy xe máy lên cầu không tránh kịp nên va vào bà Yên. Do thắng gấp để tránh nên anh Vân ngã xuống và chết trên đường đi cấp cứu; bà Yên bị xây xát nhẹ.
Khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định bà Yên đã băng qua đường không đúng nơi quy định. Càng nguy hiểm hơn khi vị trí băng qua đường là dốc lên cầu.
Đây là lần đầu tiên, một người đi bộ bị xét xử do vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn giao thông tại TP HCM.