THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:00

Đến ngày 30/9, tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang phải kiểm soát được dịch

Hiện tại, tình hình dịch bệnh tại hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang diễn biến vẫn còn phức tạp; nhiều đơn vị xã, phường, thị trấn "đang xanh, đang "cam" trở thành "đỏ", là điều rất đáng lo ngại. Do đó, tại cuộc họp, Thủ tướng muốn nghe 2 địa phương trình bày về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, trên cơ sở đó, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó, điều chỉnh các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, các biện pháp chống dịch cho hiệu quả.

Đến ngày 30/9, tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang phải kiểm soát được dịch - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang.

Báo cáo tại cuộc họp, tỉnh Kiên Giang cho biết, tình hình dịch bệnh tại tỉnh diễn biến rất phức tạp. Trên địa bàn, ghi nhận gia tăng các ca mắc mới cộng đồng, các ổ dịch sẽ tiếp tục xuất hiện và có nguy cơ lây lan, bùng phát cao. Trong 7 ngày qua, ghi nhận 1.217 ca, trong đó có 776 ca ghi nhận tại cộng đồng. So với tuần trước đó, số ca mắc tăng 559, số ca tại cộng đồng tăng 203 ca. Hiện tỉnh có 7 huyện có nguy cơ rất cao, 3 huyện có nguy cơ cao và 5 huyện đang ở trạng thái bình thường mới. Tại cấp xã, có 20/144 xã có nguy cơ rất cao, 32/144 xã có nguy cơ cao, 1/144 xã có nguy cơ và 91/144 xã ở trạng thái bình thường mới.

Theo báo cáo tại tỉnh Tiền Giang, trong đợt dịch thứ 4 đến nay, ghi nhận tích lũy 12.205 ca mắc, 299 ca tử vong. Trong 7 ngày qua, Tiền Giang ghi nhận 1.139 ca, trong đó có 138 ca ghi nhận tại cộng đồng.

Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng đã đặt nhiều câu hỏi kiểm tra việc nắm bắt tình hình của lãnh đạo các cấp của 2 địa phương này. Một số câu trả lời bị động, chưa nắm chắc tình hình khiến Thủ tướng rất sốt ruột.

Thủ tướng đánh giá, công tác xét nghiệm tỉnh Kiên Giang vẫn còn chậm hơn tốc độ lây lan và không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Công tác kiểm soát phòng chống dịch, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chống dịch ở một số nơi chưa tốt, chưa đạt yêu cầu đề ra; một số nơi còn chưa quản lý chặt chẽ người về vùng dịch. Lực lượng hỗ trợ tại chốt chặn, khu cách ly chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; còn tình trạng chủ quan, lơ là để lây nhiễm từ trong khu cách ly, điều trị ra ngoài cộng đồng.

Thủ tướng phê bình, tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang gần 2 tháng triển khai giãn cách xã hội rồi mà vẫn chưa triển khai được trạm y tế lưu động nào, đặc biệt là tại tỉnh Kiên Giang, khi trao đổi với lãnh đạo tỉnh này đã bộc lộ rõ những hạn chế.

Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng nhấn mạnh, các chủ trương, giải pháp đã tương đối đầy đủ, được nêu rất rõ tại các văn bản của Trung ương, nhất là các Công điện 1099 và 1102 của Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu các tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, giải pháp đã có.

Theo đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo, phải nắm thật chắc các chủ trương, biện pháp về phòng chống dịch, quán triệt nghiêm túc, hiệu quả tới cấp huyện, cấp xã và tới người dân. Phải tăng cường giám sát, kiểm tra; tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, cấp dưới kịp thời báo cáo, đề xuất cấp trên. Tăng cường tương tác qua lại giữa các cấp để phát hiện, điều chỉnh kịp thời những yếu kém, khó khăn, bất cập.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế rà soát, thống nhất các biểu mẫu báo cáo để bảo đảm gọn, rõ, đơn giản, sát thực tế, dễ hiểu, dễ nghe, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá.

Bộ TT&TT chỉ đạo thống nhất, tích hợp các nền tảng, ứng dụng (app) phục vụ phòng chống dịch (tiêm vaccine, sổ sức khỏe, xét nghiệm…) để người dân chỉ phải sử dụng 1 app, bảo đảm thuận tiện nhất và hoàn thành nhiệm vụ này trong tuần.

Thủ tướng yêu cầu hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang và từng huyện, xã đang thực hiện giãn cách phải đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng về thời gian kết thúc giãn cách và các tiêu chí cần đạt để kiểm soát dịch bệnh, các giải pháp để đạt mục tiêu. Cùng với đó là các biện pháp bảo vệ vùng xanh, phát triển kinh tế-xã hội tại những nơi an toàn…

"Phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt, cố gắng chậm nhất là ngày 30/9", Thủ tướng yêu cầu.

Việc kiểm soát, ngăn chặn lây lan phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Mỗi địa phương có chiến lược xét nghiệm phù hợp tình hình. Xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của virus, nhanh chóng phát hiện, phong tỏa nguồn lây, phân loại, chăm sóc, điều trị F0 phù hợp, hiệu quả, tập trung điều trị những ca bệnh nặng, có bệnh nền, phụ nữ có thai, người cao tuổi, những người có nguy cơ cao…

Những nơi giãn cách và tăng cường giãn cách phải xây dựng ngay trạm y tế lưu động để người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở, những nơi chưa thực hiện giãn cách cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để triển khai ngay khi cần. Tăng cường lực lượng y tế, nếu thiếu phải báo cáo ngay. Siết chặt kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài.

Làm thật tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, an toàn, an ninh, an dân; tăng cường thông tin - tuyên truyền để người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, hướng dẫn về chăm sóc, điều trị người bệnh… theo hướng đơn giản, dễ hiểu, từ ngữ giản dị để "dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm".

HL

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh