Đến 2025: Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS & MN hàng năm trên 3%
- Tây Y
- 17:46 - 28/05/2020
Dành tối thiểu 137.664,95 tỷ đồng đầu tư cho vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021-2025
Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng 28/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, việc quyết định đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết. Vùng đồng bào DTTS &MN luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, đạt được thành tựu to lớn, cơ sở hạ tầng KT-XH và đời sống của đồng bào sinh sống ở vùng DTTS&MN đã được cải thiện rõ rệt nhưng hiện nay, vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do vùng đồng bào DTTS&MN xuất phát điểm thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt; chính sách còn một số hạn chế bất cập.
Chương trình MTQG nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, là giải pháp quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu của Chương trình là giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ an ninh tổ quốc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình:
Đến 2025: Giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hàng năm trên 3%; phát triển bền vững sinh kế, tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên hơn 2 lần so với năm 2020; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với tiêu chí năm 2020.
Định hướng mục tiêu đến năm 2030:Tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên tối thiểu bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Chương trình gồm 10 Dự án thành: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của hộ dân tộc thiểu số; Quy hoạch sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 137.664,95 tỷ đồng. Tổng vốn thực hiện giai đoạn 2026-2030 dự kiến 134.270,7 tỷ đồng.
"Để đạt được các mục tiêu đã xác định cần một lượng ngân sách khá lớn, trong bối cảnh hiện nay chưa thể cân đối được đủ ngay, do vậy Chính phủ đề nghị Quốc hội Phê duyệt tổng kinh phí ở mức tối thiểu cho Chương trình như trong Tờ trình của Chính phủ; giao Chính phủ hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế, tiếp tục cân đối ngân sách trung ương đề bổ sung cho Chương trình và có giải pháp huy động vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình; Quốc hội cho phép mở rộng biên độ huy động vốn ODA, vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn viện trợ từ các đối tác phát triển, các nhà tài trợ quốc tế để thực hiện các mục tiêu của Chương trình", Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị.
Tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết, ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc (HĐDT) cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình MTQG như Tờ trình của Chính phủ, đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đối chiếu với Chương trình MTQG đang xây dựng mới, xác định nội dung cụ thể cho từng chương trình nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, loại bỏ những nội dung trùng lặp, chồng chéo giữa Chương trình MTQG này với 2 Chương trình MTQG và 21 Chương trình mục tiêu đang thực hiện.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, với nhu cầu đầu tư rất lớn trong khi khả năng nguồn lực đáp ứng có hạn, đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng những vấn đề cấp bách, bức xúc, lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cùng với các giải pháp có tính khả thi, phù hợp với từng giai đoạn, mang lại hiệu quả cao nhất.
Theo Hội đồng dân tộc, Chương trình MTQG cần đầu tư trọng tâm hơn, tập trung vào 5 nhiệm vụ của Nghị quyết 88, để giải quyết được các vấn đề cơ bản như: Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Sắp xếp, bố trí dân cư vùng sạt lở nguy hiểm; Phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế; Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, cơ bản; Quan tâm đúng mức giáo dục, đào tạo vùng đồng bào DTTS&MN. Chú ý công tác truyền thông, tuyên truyền; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến.
"Đề nghị Chính phủ cần sớm hoàn thành việc rà soát chính sách dân tộc và các văn bản quy phạm pháp luật đối với vùng đồng bào DTTS&MN, loại bỏ các chính sách, quy định kém hiệu quả; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách nhằm tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất của vùng đồng bào DTTS&MN", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh
Về kinh phí thực hiện Chương trình, HĐDT đề nghị Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân ngoài khu vực nhà nước đóng góp cho Chương trình, đồng thời các địa phương có cam kết, bảo đảm bố trí vốn địa phương để thực hiện.