THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:12

Đề xuất tăng đại biểu ngoài Đảng trong Quốc hội

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) đưa ra thảo luận sôi nổi tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử ĐB Quốc hội (QH) khóa XIV do Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 16-2.

35 ĐB ngoài Đảng chỉ là số định hướng

Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nói: “QH có 500 ĐB mà thành phần ngoài Đảng dự kiến 35 người thì ít quá. Ngoài Đảng hiện nay có nhiều người ưu tú. Tôi đề nghị cần cân nhắc kỹ hơn vấn đề này”. Ông Que cũng đề nghị cần nâng con số này lên 100 người.

Đồng tình, ông Trần Hoàng Thám, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, cho rằng cần thiết tăng số ĐBQH là người ngoài Đảng, vì số lượng ĐBQH ngoài Đảng như thế là quá ít, trong khi nhiều người ngoài Đảng rất xứng đáng làm ĐBQH.

Theo bà Đặng Thị Huỳnh Mai, cơ cấu ĐBQH ngoài Đảng nên có một chiến lược. Những ĐB này có thể là doanh nghiệp (DN) tư nhân, trí thức và đủ điều kiện đảm nhận được nhiệm vụ ĐBQH. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo được tiêu chuẩn, chất lượng của ĐB nhằm nâng cao chất lượng QH nói chung.

Để hỗ trợ cho định hướng này, ông Thám đề nghị cần khuyến khích những người tự ứng cử và đảm bảo được một cơ cấu cụ thể cho những người tự ứng cử đắc cử. “Điều này cũng tạo ra nhận thức tích cực trong nhân dân” - ông Thám nói.

Trả lời các ĐB về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim nói số lượng 35 ĐB ngoài Đảng là cơ cấu định hướng. Con số này có thể nhiều hơn hoặc ít hơn tùy thuộc vào việc lựa chọn của nhân dân.

Còn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân giải thích thêm: Số ĐBQH là người ngoài Đảng dự kiến 25-50 ĐB. “Tuy nhiên trong hội nghị này, các ĐB đề nghị nên tăng thêm số lượng ĐB ngoài Đảng. Chúng tôi xin tiếp thu” - ông Nhân nói.

 

Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng con số ĐB ngoài Đảng dự kiến 35 người là quá ít và đề nghị tăng con số này lên 100 (trong tổng số 500 ĐBQH). Ảnh: HOÀNG LONG

 

ĐBQH không nhất thiết là bộ trưởng

Các ĐB tham dự hội nghị cũng cho rằng cần phải giảm số lượng ĐB trong các cơ quan hành pháp.

Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nói: Cần phải giảm ĐB ở cơ quan hành chính trong QH. “ĐBQH cũng không nhất thiết là người đứng đầu cơ quan đó, không nhất thiết là bộ trưởng. Người đứng đầu là bộ trưởng thì rất nhiều việc rồi thì làm sao gánh vác thêm được công việc của QH. Nên chọn người có đủ tiêu chuẩn đại diện cho cơ quan là được” - ông Truyền đặt vấn đề.

Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường cho rằng: Tỉ lệ ĐB ở cơ quan hành pháp trong QH hiện nay rất nhiều. Trong khi đó, nhiều người vì công việc lại vắng để nhiều ghế trống trong QH, nhân dân nhìn vào rất phản cảm. Nên giảm tỉ lệ các ĐBQH thuộc cơ quan hành pháp ở cả trung ương và địa phương.

Đồng tình, ông Trần Hoàng Thám đề xuất cụ thể: Các ĐB chuyên trách có điều kiện thời gian đảm nhận nhiệm vụ ĐBQH hơn, còn ĐB ở các cơ quan hành pháp khó có điều kiện về thời gian. Chẳng hạn, ở Chính phủ dự kiến là 18 ĐB, nếu giảm xuống còn chín thì tốt. 50% còn lại có thể chuyển thành ĐB chuyên trách hoặc ĐB của các tổ chức chính trị, xã hội.

Phó Chủ tịch QH Uông Chung Lưu cho hay: Trong quá trình chuẩn bị cơ cấu ĐBQH khóa XIV đã có sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và UBTVQH. Tuy nhiên, cần có những điểm mới để phù hợp với tình hình. Ví dụ, cần tăng cường ĐBQH chuyên trách không chỉ ở trung ương mà còn ở địa phương. Hiện cơ cấu ĐBQH đã tăng thêm 15 ĐB chuyên trách. Ở các địa phương đông cử tri và dân số cũng tăng ĐB chuyên trách.

Ông Lưu cũng cho hay khóa XIII, Chính phủ vẫn có 18 ĐB trong QH và cơ cấu lần này cũng giữ nguyên con số này. “Nhiều ý kiến cho rằng nên giảm để tăng cường ĐB chuyên trách. Chúng tôi sẽ nghiên cứu tiếp thu và trình UBTVQH và Bộ Chính trị. Tới đây sẽ phải nghiên cứu để giảm bớt các cơ quan hành chính. Hiện ngay HĐND các địa phương cũng bớt ĐB ở các cơ quan hành chính” - ông Lưu nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng ý kiến tăng số lượng ĐB chuyên trách và giảm ĐB hành pháp ở trung ương cần cân nhắc và kết hợp với việc giảm thêm các cơ quan hành pháp ở địa phương. Tuy nhiên, đề nghị này chưa nêu rõ chỉ tiêu, chưa định lượng. Nếu muốn hiệu quả, cần phải làm rõ vấn đề này hơn.

 

Giới thiệu 198 người ở trung ương ứng cử ĐBQH

Theo bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác ĐBQH, Nghị quyết 1140/2016 của UBTVQH khóa XIII dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XIV và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV đã đưa ra số lượng ĐBQH khóa XIV ở trung ương là 198 ĐB, bằng 39,6% trên tổng số ĐBQH được bầu. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã biểu quyết thống nhất với con số này.

Vận động tự ứng cử ĐB HĐND TP.HCM

Sáng 16-2, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐB HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại hội nghị, các ĐB đã thống nhất cao dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu để bầu ĐB HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021, trong đó tỉ lệ ĐB là người ngoài Đảng không dưới 10%.

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch Ủy ban Bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021, điểm mới lần này so với các nhiệm kỳ trước là đã có thêm cơ cấu ĐB tự ứng cử (dự kiến là 10 ứng viên). “Trong nhiệm kỳ trước chúng ta vẫn phát huy tự ứng cử nhưng chúng ta không dành cơ cấu tự ứng cử, lần này chúng ta có cơ cấu tự ứng cử, chúng ta vận động tự ứng cử, đó cũng là tiến bộ của cơ cấu lần này” - bà Tâm nói.

Tại hội nghị, nhiều ĐB cũng băn khoăn trước tỉ lệ dành cho ĐB khối DN, đặc biệt là DN tư nhân quá ít trong khi những năm qua khối DN này có tỉ lệ đóng góp hằng năm vào nền kinh tế-xã hội của TP luôn chiếm tỉ lệ cao. Do đó các ĐB khối DN TP đề nghị tăng thêm số lượng ĐB ứng cử là DN tư nhân để tham gia đóng góp trí tuệ vào nghị trường HĐND TP. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng cơ cấu ĐB DN ứng cử vào HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021 cần được tăng lên để đảm bảo xu hướng phát triển mới của TP, trong đó tiếng nói của DN, kể cả DN nhà nước và tư nhân cần phải được quan tâm và lắng nghe nhiều hơn.

TÁ LÂM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh