Đề xuất sĩ quan quân đội và công an phải kê khai tài sản
- Tây Y
- 23:17 - 06/09/2018
Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách sáng nay
Sáng 6/9, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận 2 dự án luật trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây, trong đó có luật PCTN sửa đổi.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự luật, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga trình cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản như quy định của dự thảo luật.
Cạnh đó cũng có ý kiến khác đề nghị bổ sung đối tượng có nghĩa vụ kê khai là sĩ quan QĐND và sĩ quan CAND.
Một số ý kiến ĐBQH đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.
Chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, dự luật lần này đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp. Theo đó, người giữ chức vụ từ GĐ sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm với mục đích nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn.
Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm...
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga
Mở rộng quá khó khả thi
Phó đoàn chuyên trách tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà cũng đồng tình với việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản là bố, mẹ và con thành niên. Tuy nhiên, ông cho rằng chỉ nên áp dụng với người giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, nhà nước và ở cơ quan thuộc lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.
“Thời gian qua thu hồi tài sản tham nhũng chỉ dưới 20% trong khi Nhà nước thất thoát rất lớn, thân nhân của những người đó có tài sản kếch xù mà không thu hồi được. Khi anh A, anh B bị xử lý, tù tội thì tài sản không có gì hết, hoặc có chút đỉnh”, ông Hoà nói.
ĐB Tô Văn Tám, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Kon Tum cũng nêu thực tế có trường hợp ông con chưa làm gì cả, chưa có gì cả nhưng lại sở hữu một khối tài sản khổng lồ nhưng lại băn khoăn: "Nếu chúng ta mở rộng đối tượng kê khai tài sản như vậy thì tính khả thi của luật có đảm bảo không? Luật làm ra không có tính khả thi, không có thực tế thì rơi vào hình thức".
Các ĐBQH tham dự hội nghị
Theo ĐB Tô Văn Tám, mở rộng đối tượng kê khai tài sản cần chú ý: "Ngoài cha mẹ, con cái còn có ông bà, cháu nội đích tôn. Nếu chúng ta chiếu theo Bộ luật Dân sự đưa hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai vào diện kê khai thì vô chừng lắm, quá rộng".
Ông Tám cũng băn khoăn về trường hợp con cái chưa thành niên, hoặc bố mẹ bắt buộc họ phải kê khai thì phải yêu cầu họ giải trình nguồn gốc tài sản nhưng giải thích không được, vậy ta xử lý họ thế nào trong khi họ không phải đối tượng tham nhũng, vì họ không có chức vụ, quyền hạn.
Vì vậy ĐB tỉnh Kon Tum đề nghị, nên chăng lần này chúng ta tạm thời chưa mở rộng diện kê khai để tiếp tục hoàn thiện thêm.
Quan chức phải tuyên thệ về tài sản liên quan đến công vụ Phó đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo đề nghị xây dựng bộ quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó quy định việc tuyên thệ, cam kết của công chức, viên chức nhà nước khi giữ những chức vụ do tổ chức phân công về tài sản liên quan đến công vụ. Trong thời kỳ đảm nhiệm chức vụ mà bị phát hiện tài sản phát sinh liên quan đến công vụ, trong thời gian giữ chức vụ, cán bộ đó không chứng minh được thì tịch thu sung công. |