CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:16

Đề xuất phối hợp đưa trẻ em được nhận nuôi ở nước ngoài về thăm quê hương

Theo Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp, sau gần 10 năm thực hiện Thông tư số 21/2011/TT-BTP cho đến nay, một số quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý các văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam đã thay đổi, một số quy định pháp luật khác liên quan đã được ban hành mới; một số nội dung của Thông tư số 21/2011/TT-BTP bộc lộ những điểm không thống nhất, chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Thực tế, qua quá trình thực hiện Thông tư số 21/2011/TT-BTP cho thấy, các quy định hiện hành còn có những điểm tồn tại, hạn chế nhất định.

Đề xuất phối hợp đưa trẻ em được nhận nuôi ở nước ngoài về thăm quê hương - Ảnh 1.

Người nước ngoài nhận con nuôi tại Việt Nam.

Ví dụ như quy định về thời hạn giấy phép: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 33 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi, giấy phép hoạt động tại Việt Nam của tổ chức con nuôi nước ngoài có giá trị trên phạm vi toàn quốc trong thời hạn tối đa là 5 năm kể từ ngày cấp và có thể được gia hạn nhiều lần, thời gian gia hạn mỗi lần tối đa là 5 năm. 

Để hướng dẫn cụ thể quy định của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP về thời hạn giấy phép, Điểm b Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 21/2011/TT-BTP quy định, trường hợp tổ chức con nuôi nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động tại Việt Nam với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối đa quy định tại Khoản 4 Điều 33 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP thì chỉ cấp, gia hạn giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam bằng thời hạn của giấy phép do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hữu quan cấp cho tổ chức con nuôi nước ngoài.

Quy định trên đây của Thông tư số 21/2011/TT-BTP gây khó khăn cho nhiều tổ chức con nuôi nước ngoài, do pháp luật của nhiều nước quy định việc cấp giấy phép hoạt động với thời hạn ngắn (chỉ từ 1- 2 năm). Trong trường hợp này, tổ chức con nuôi nước ngoài phải thường xuyên thực hiện việc gia hạn giấy phép. 

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, chậm nhất 60 ngày trước khi giấy phép hết hạn, tổ chức con nuôi nước ngoài phải làm đơn xin gia hạn gửi Cục Con nuôi kèm theo các giấy tờ liên quan. Với quy định của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP và hướng dẫn của Thông tư số 21/2011/TT-BTP, một số tổ chức con nuôi nước ngoài vừa cấp phép được 10 tháng đã phải thực hiện thủ tục gia hạn giấy phép. Đây là điều không hợp lý, gây khó khăn cho tổ chức con nuôi nước ngoài và cũng làm gián đoạn công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.

Cục Con nuôi cho biết, hiện, ngày càng nhiều con nuôi là người Việt Nam có nguyện vọng về thăm quê hương, đất nước, tìm hiểu về nguồn gốc của mình và khám phá văn hóa Việt Nam. Hầu hết con nuôi đã sống ở nước ngoài từ khi còn nhỏ và không thể nói được tiếng Việt. Mặc dù là nơi sinh ra nhưng đối với đa số con nuôi thì Việt Nam hoàn toàn xa lạ với họ.

Vì vậy, để con nuôi thực hiện được nguyện vọng của mình thì cần có sự hỗ trợ tích cực của các văn phòng con nuôi nước ngoài. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về nội dung này nên sự tham gia của các văn phòng con nuôi nước ngoài còn hết sức hạn chế.

Từ những bất cập trên, dự thảo Thông tư mới đã bãi bỏ Khoản 2 Điều 5 về thời hạn của giấy phép để tạo thuận lợi cho tổ chức con nuôi nước ngoài trong việc thực hiện thủ tục xin cấp, gia hạn giấy phép hoạt động tại Việt Nam cũng như bảo đảm tính liên tục của công tác giải quyết việc nuôi con nuôi.

Đồng thời, dự thảo bãi bỏ Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 21/2011/TT-BTP về việc văn phòng con nuôi nước ngoài gửi chương trình hỗ trợ đối với trẻ em có nhu cầu đặc biệt cho Cục Con nuôi.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định để bảo đảm giải quyết được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác quản lý các văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung Điều 6a "Hỗ trợ con nuôi tìm hiểu nguồn gốc, về thăm quê hương, đất nước" vào sau Điều 6. 

Cụ thể, văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam phối hợp với Cục Con nuôi tổ chức thực hiện các chương trình đưa con nuôi về thăm quê hương, đất nước, tìm hiểu nguồn gốc của mình và khám phá văn hóa Việt Nam. Quy định này vừa bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, vừa cụ thể hóa nguyên tắc bảo đảm quyền được biết về nguồn gốc của con nuôi theo quy định tại Điều 11 của Luật Nuôi con nuôi.

K.VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh