Đề xuất nới thời điểm, mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ gói 62 nghìn tỷ
- Tây Y
- 21:38 - 30/09/2020
Cụ thể, theo tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mở rộng hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại "cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông".
Ngoài ra, thời điểm tính hỗ trợ cũng được nới rộng: "Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/2/2020 và không quá 3 tháng". Quy định hiện hành tính từ ngày 1/4.
Lý giải cho việc điều chỉnh này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, qua quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và nghỉ việc không hưởng lương, trong thực tế có nhiều trường hợp kiến nghị về việc bị ảnh hưởng bởi dịch nên đã bị tạm hoãn làm việc từ trước thời điểm 1/4 (ví dụ từ đầu tháng 2 và kéo dài liên tục sang tháng 4, tháng 5, tháng 6). Nếu theo quy định thì các đối tượng này không được hưởng chính sách hỗ trợ do thời điểm tạm hoãn từ trước ngày 1/4 mặc dù trong thực tiễn đây chính là những đối tượng xứng đáng được hưởng nhất do đã phải bắt đầu tạm hoãn hợp đồng lao động từ 1/2.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch COVID-19 tại khoản 2 Điều 1 quy định "Thời gian xảy ra dịch: từ ngày 23/1 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do virus SARS-CoV-2). Do vậy, việc quy định nới rộng thời điểm bắt đầu tạm hoãn từ 1/2 là phù hợp với thực tế và tránh thiệt thòi cho các đối tượng có thời gian tạm hoãn kéo dài từ trước 1/4 tới tháng 4, tháng 5 và tháng 6. Việc tính thời gian hỗ trợ vẫn không quá 3 tháng.
Về điều kiện cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bỏ điều kiện "đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động."
Thời gian lao động ngừng việc được hỗ trợ được kéo dài từ "trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020" thành "trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2020" để tiếp tục hỗ trợ cho người sử dụng lao động đến hết năm 2020 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ cho vay vẫn không quá 3 tháng.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quy định mới lược bỏ nội dung "để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc" bởi trong thực tiễn quy định này làm phát sinh thủ tục trong quá trình giải ngân của ngân hàng, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc linh hoạt các nguồn kinh phí để trả lương ngừng việc nhằm giữ chân người lao động.
Trong quá trình sửa đổi chính sách đối với lao động ngừng việc, có ý kiến đề xuất nghiên cứu, sửa đổi nội dung theo hướng hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động từ 14 ngày trở lên. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động toàn diện tới nền kinh tế, các doanh nghiệp thuộc đủ mọi thành phần, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, việc bố trí đảo cả, giãn ca, ngừng việc một phần, nghỉ ngắn ngày theo thỏa thuận hai bên được áp dụng tương đối phổ biến.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc theo dõi, xác định các trường hợp lao động tạm hoãn hợp đồng ngắn ngày để thực hiện hỗ trợ sẽ có thể gặp nhiều khó khăn khi thi hành trong thực tiễn có thể phát sinh ra tranh chấp, khiếu nại về sau. Bên cạnh đó, nguyên tắc của Nghị quyết số 42/NQ-CP là hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu. Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị giữ nguyên điều kiện tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên để hỗ trợ đúng nguyên tắc được quy định tại Nghị quyết.