Đề xuất mới về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức
- Tây Y
- 21:12 - 23/08/2018
ảnh minh họa
Cụ thể: Trên cơ sở quy định của Luật Cán bộ, công chức, Nghị định số 56 quy định 4 mức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức gồm: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ.
Thể chế hóa Quy định số 89-QĐ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (ngày 4-8-2017) quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, dự thảo nghị định quy định 4 mức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức trong đó có mức hoàn thành nhiệm vụ thay cho mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (đã bảo đảm thống nhất giữa quy định của Đảng, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức).
Về tiêu chí đánh giá: Để đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo, quản lý, Quy định số 89-QĐ/TƯ đã quy định cụ thể các tiêu chí về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống. Về tiêu chí kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Quy định 89-QĐ/TƯ đã bổ sung một số nội dung như xây dựng và thực hiện chương trình hành động, thực hiện công tác cải cách hành chính, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc và cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý… Trên cơ sở đó, dự thảo đã quy định cụ thể các tiêu chí liên quan đến đánh giá, phân loại đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Về việc liên thông trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, dự thảo Nghị định bổ sung nguyên tắc “Kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định này được sử dụng làm cơ sở liên thông trong đánh giá, phân loại đảng viên, đoàn viên công đoàn”. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phối hợp với cấp ủy, công đoàn cùng cấp thống nhất việc liên thông sử dụng kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong đánh giá đảng viên, đoàn viên công đoàn.